Thỏi son, lọ kem cũng cần thiết như gạo mắm
Nhiều ý kiến phản ánh với Báo Thanh Niên không đồng tình với kiến nghị đó. Bạn đọc tên Thu Nhan viết: “Điện thoại di động (ĐTDĐ), nước hoa, mỹ phẩm là gần như nhu cầu thiết yếu cần phải có cho mọi người dù nghèo hay giàu. Họ thắt lưng buộc bụng sắm 1 cái ĐTDĐ để theo kịp thời đại công nghệ 4.0. Họ thắt lưng buộc bụng để sắm 1 thỏi son, 1 lọ kem trang điểm hay 1 chai nước hoa loại rẻ không đắt quá, không hàng hiệu sang chảnh để dành khi đi đâu có dùng làm đẹp như mọi người, có khi 2-3 năm họ vẫn còn dùng lại nữa… Vật giá thì đang leo thang, bộ phận người lao động nghèo đang phải bị bủa vây đủ thứ trong cuộc sống chật vật, giờ lại thêm thuế tiêu thụ đặc biệt như này nữa thì coi như tước quyền sống cơ bản của người lao động nghèo rồi còn gì?”.
Trước đề xuất của UBND TP.HCM, TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Tài chính-Marketing TP.HCM, phân tích: giá một chiếc ĐTDĐ hiện nay dao động rất lớn, chỉ từ hơn trăm ngàn đồng lên đến 30 – 40 triệu đồng.
Như vậy dựa vào tiêu chí nào để đưa điện thoại di động vào diện chịu thuế TTĐB? Tương tự, mỹ phẩm và nước hoa hiện nay cũng là nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống của người dân, từ thành thị đến nông thôn, từ nam giới đến nữ giới, bất kể là trẻ hay già. Ví dụ nhu cầu bảo vệ da, chống lão hóa là thiết yếu trong cuộc sống ở xứ sở nhiệt đới như Việt Nam. Hay dịch vụ thẩm mỹ cũng không thể đánh đồng chung chung. Vì trong đó cũng có nhu cầu thẩm mỹ để chỉnh sửa một số dị tật trên cơ thể người như hở hàm ếch hoặc bị bỏng do tai nạn…
Việc đề xuất tăng thuế là “chặn” việc làm đẹp chính đáng của nhiều người. Đó là chưa kể có thể hàng lậu, hàng trôi nổi lại gia tăng và trở nên nguy hại cho sức khỏe người dân khi hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng lại quá đắt. “Để đưa các sản phẩm vào diện chịu thuế TTĐB thì phải đưa ra các tiêu chí để lựa chọn. Ví dụ đối với ĐTDĐ có giá từ thấp đến cao thì lựa chọn theo cơ sở nào? Nói nó là hàng cao cấp cũng không phải. Mà nói sản phẩm này không phải là hàng thiết yếu thì quá gượng ép. Hàng thiết yếu hiện nay không chỉ là gạo, mắm muối, thịt cá hay quần áo mà có cả cây son, thỏi kem để làm đẹp… Vì vậy cơ sở cho đề xuất trên là chưa có”, TS Nguyễn Văn Thuận chia sẻ thêm.
Smart city thực hiện như thế nào?
Tỏ ra “hoang mang” với đề xuất của TP.HCM , ông Đỗ Hòa – Giám đốc Công ty tư vấn Tinh hoa Quản trị – nhấn mạnh, mới hôm trước lãnh đạo thành phố vừa tuyên bố quyết tâm xây dựng TP.HCM thành một Đô thị thông minh (smart city), thì hôm nay lại đề xuất chính sách tăng thuế đối với ĐTDĐ và camera vốn là hai thứ không thể thiếu cho một đô thị vận hành theo cách thông minh.
Nói đến đô thị thông minh là nói đến AI, IoT, là khi các tương tác của công dân với chính quyền, các giao dịch dân sự và các nghiệp vụ quản lý công dân của chính quyền được tự động hóa, được số hoá một cách tối đa nhờ ứng dụng như QR code, chíp cảm biến (sensor), kỹ thuật nhận diện hình ảnh… Những ứng dụng kỹ thuật số này toàn phải dùng camera và ĐTDĐ.
Điện thoại di động đã trở thành sản phẩm phổ thông tại Việt Nam M.P
|
Hơn nữa, theo ông Đỗ Hoà, nói đến hoạt động kinh doanh đặc trưng của một thành phố thì phải nói đến dịch vụ, chứ không phải là sản xuất công nghiệp, hay nông nghiệp. Ví dụ như Bangkok hay Seoul, ngành dịch vụ thẩm mỹ hằng năm mang lại cho họ rất nhiều tiền. Trong đó có sự đóng góp của dân Việt Nam khi hằng năm các cô, các bà sang “tút” lại nhan sắc. Đáng ra TP.HCM cần phải khuyến khích để người dân cả nước tập trung đến TP.HCM để làm đẹp, sử dụng dịch vụ thẩm mỹ thay vì đi ra nước ngoài. TP.HCM mà không định hướng phát triển những dịch vụ giá trị gia tăng cao như dịch vụ này thì quí vị định phát triển… nông nghiệp à?
“Vậy các bác lãnh đạo nghĩ sao mà đòi xây dựng thành phố thông minh trong khi hạn chế sử dụng ĐTDĐ và camera? Đáng ra các bác phải hạ thuế để khuyến khích người dân dùng phổ biến hơn, thì việc triển khai thành phố thông minh mới thành công chứ? Dự án xây dựng thành phố thông minh sẽ chắc chắn bị phá sản, hoặc bị đội vốn đầu tư lên nhiều lần vì chi phí thiết bị tăng lên. Còn một bộ phần người dân, đặc biệt là dân nghèo, dân lao động, thì sẽ không hợp tác trong việc sử dụng các ứng dụng quản lý thông minh với lý do không có đủ tiền mua ĐTDĐ”, ông Đỗ Hòa phân tích thêm.
Hiện nay, những sản phẩm đang bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt gồm có thuốc lá với mức thuế 75%, rượu từ 20 độ trở lên có thuế suất 65%, dưới 20 độ thuế suất 35%, bia chịu thuế 65%, ô tô tùy dung tích có thuế suất từ 15 – 60%, ô tô chạy bằng điện có thuế suất từ 10 – 25%, mô tô 2 bánh, 3 bánh có dung tích xi lanh từ 125 cm3 có thuế suất 20%, tàu bay và du thuyền có thuế suất 30%, xăng các loại có thuế suất từ 7 – 10%, bài lá có thuế suất 40%, vàng mã, hàng mã thuế suất 70%. Các dịch vụ như vũ trường là 40%; massage, karaoke 30%; casino, trò chơi điện tử có thưởng là 35%; đặt cược là 30%; kinh doanh golf là 20%, xổ số 15%…
|
THANH XUÂN – MAI PHƯƠNG