26/11/2024

Liên Hiệp Quốc nói Triều Tiên giảm khẩu phần lương thực người dân

Báo cáo của Liên Hiệp Quốc ngày 3-5 cho biết Triều Tiên đã cắt giảm khẩu phần lương thực tính theo đầu người xuống còn 300g/ngày. Khảo sát cho thấy một số hộ gia đình chỉ được ăn thịt, cá vài lần trong năm.

 

Liên Hiệp Quốc nói Triều Tiên giảm khẩu phần lương thực người dân

Báo cáo của Liên Hiệp Quốc ngày 3-5 cho biết Triều Tiên đã cắt giảm khẩu phần lương thực tính theo đầu người xuống còn 300g/ngày. Khảo sát cho thấy một số hộ gia đình chỉ được ăn thịt, cá vài lần trong năm.


 

 

Liên Hiệp Quốc nói Triều Tiên giảm khẩu phần lương thực người dân - Ảnh 1.

 

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đi thăm nhà máy chế biến khoai tây ngày 4-4-2019 – Ảnh REUTERS

Liên Hiệp Quốc dự báo Triều Tiên có thể còn cắt giảm định mức lương thực hơn nữa do đất nước vừa gặp tình trạng mất mùa tồi tệ nhất trong một thập kỷ.

Theo đề nghị của Triều Tiên, Liên Hiệp Quốc đã tiến hành đánh giá về lương thực từ ngày 29-3 đến 12-4. Nhóm đánh giá được cấp quyền tiếp cận rộng rãi như được phép đến các trang trại sản xuất, các hộ gia đình ở nông thôn và thành thị, các vườn ươm và trung tâm phân phối thực phẩm.

Người phát ngôn của Chương trình lương thực thế giới, ông Herve Verhoosel thông tin: “Sau vụ thu hoạch tồi tệ nhất trong 10 năm qua, có nguyên nhân do các đợt khô hạn, nắng nóng và lũ lụt, 10,1 triệu người ở Triều Tiên đã bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng và không có đủ lương thực cho đến vụ thu hoạch tiếp theo”.  

Các khảo sát cho thấy lượng protein (đạm) tiêu thụ ở Triều Tiên là rất thấp, một số gia đình chỉ có thể ăn thức ăn có chất đạm (như thịt, hải sản, trứng, sữa, đậu và các loại hạt) một vài lần trong năm. 

Trước đây, Triều Tiên từng trải qua một nạn đói vào giữa những năm 1990 làm khoảng 3 triệu người chết.

 

Liên Hiệp Quốc nói Triều Tiên giảm khẩu phần lương thực người dân - Ảnh 2.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đi thăm một trại cá giống ngày 16-4-2019 – Ảnh REUTERS

Theo báo cáo, sản lượng nông nghiệp của Triều Tiên vào khoảng 4,9 triệu tấn, mức thấp nhất kể từ giai đoạn 2008-2009. Sản lượng này đã dẫn đến mức thâm hụt 1,36 triệu tấn lương thực trong năm 2018/2019.

10,1 triệu người Triều Tiên đang cần viện trợ lương thực, trong đó gồm cả 7,5 triệu người trong số 17,5 triệu người đang nhận trợ cấp lương thực theo khẩu phần của chính phủ và 2,6 triệu nông dân trong các hợp tác xã.

Ông Verhoosel cho biết: “Dự báo vụ lúa mì và lúa mạch đầu tiên của 2019 là đáng lo ngại ở một số nơi do mùa khô hạn tháng 6 đang đến. Ảnh hưởng của biến động thời tiết lặp đi lặp lại kết hợp với sự thiếu hụt nhiên liệu, phân bón và chất bổ trợ thiết yếu cho nông nghiệp đã tạo nên khủng hoảng lương thực”.

Chương trình lương thực thế giới có kế hoạch thực hiện một đợt khảo sát khác trong tháng 7 và 8 để ghi nhận đầy đủ hơn về khủng hoảng lương thực ở Triều Tiên.  

Khảo sát do Chương trình lương thực thế giới và Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hiệp Quốc phối hợp thực hiện. Đây là một trong số ít các cơ quan viện trợ tiếp cận với Triều Tiên.

 

HỒNG VÂN