26/11/2024

Tuyển sinh đại học làm sao để tránh tiêu cực?: Trường ở Mỹ dần bỏ SAT trong tuyển sinh

Trong khi các trường đại học VN gần đây rộ lên việc tổ chức thi xét tuyển riêng dù đã có kỳ thi THPT quốc gia, thì ngày càng nhiều đại học Mỹ bỏ yêu cầu điểm thi quốc gia SAT hay ACT trong xét duyệt tuyển sinh.

 

Tuyển sinh đại học làm sao để tránh tiêu cực?: Trường ở Mỹ dần bỏ SAT trong tuyển sinh

Trong khi các trường đại học VN gần đây rộ lên việc tổ chức thi xét tuyển riêng dù đã có kỳ thi THPT quốc gia, thì ngày càng nhiều đại học Mỹ bỏ yêu cầu điểm thi quốc gia SAT hay ACT trong xét duyệt tuyển sinh.
 
 
 
 

Kỳ thi đánh giá năng lực theo mô hình SAT tại Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) 
 /// Ảnh: Hà Ánh

Kỳ thi đánh giá năng lực theo mô hình SAT tại Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM)   ẢNH: HÀ ÁNH

 

Không cần thiết

Để hiểu lý do tại sao càng nhiều đại học (ĐH) Mỹ quyết định không yêu cầu điểm thi ACT (American College Testing), một kỳ thi chuẩn hoá được sử dụng đánh giá năng lực học tập trung học và làm một trong những điều kiện tiên quyết khi xét tuyển vào các trường ĐH và cao đẳng tại Mỹ hay SAT (kiểm tra khả năng học thuật) thì chúng ta hãy trở về điểm gốc, mục tiêu của tuyển sinh là gì?


Tuyển sinh nhằm giúp trường chọn lọc những học sinh có khả năng hoàn tất tốt chương trình đào tạo. Do đó trường càng có danh tiếng thì chương trình đào tạo khó và số lượng thí sinh cao trong khi số lượng nhập học có giới hạn và vì thế yêu cầu tuyển sinh càng cao.

 
Thông thường các trường ĐH xét duyệt thí sinh trên các khía cạnh: Năng lực học tập qua học bạ, thư giới thiệu từ thầy cô và điểm thi quốc gia ACT hay SAT; Kỹ năng qua những hoạt động sau giờ học như tham gia trong đội thể thao, hay âm nhạc của trường; Nhân cách qua ý thức xã hội như các hoạt động thiện nguyện, công tác cộng đồng… Thật sự chỉ yếu tố 1 đủ đáp ứng mục tiêu tuyển sinh như nói trên. Tuy nhiên sản phẩm của ĐH cần phải đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, trong đó yếu tố 2 và 3 cũng không kém quan trọng.
 
Một câu hỏi đã đặt ra từ lâu trong cộng đồng giáo dục ĐH Mỹ. Đó là “Điểm thi quốc gia ACT hay SAT thật sự có cần thiết cho tuyển sinh hay không?”.
 
Để có câu trả lời, có một nghiên cứu khoa học dài 4 năm do Hiệp hội Quốc gia cho cố vấn tuyển sinh ĐH Mỹ (National Association for College Admission Counseling) công bố vào năm 2014 với 33 ĐH, gần 123.000 hồ sơ học tập của sinh viên được kiểm tra qua nhiều năm. Các trường tham gia không bắt buộc thí sinh nộp điểm thi ACT hay SAT. Trong số hồ sơ kiểm tra có 62.067 hồ sơ không có điểm thi ACT hay SAT và 60.743 hồ sơ có điểm thi này.
 
Kết quả nghiên cứu cho thấy: Không có sự khác biệt trong điểm trung bình tích luỹ ở ĐH và tỷ lệ ra trường giữa những hồ sơ không có điểm thi quốc gia và hồ sơ có điểm thi quốc gia ACT hay SAT. Kể cả khi loại bỏ những hồ sơ không nộp điểm ACT hay SAT ở các trường ĐH công nhưng lại có điểm thi cao thì kết quả điểm trung bình tích lũy cho các hồ sơ không có điểm thi chỉ 0,05 thấp hơn hồ sơ có điểm thi và khác biệt trong tỷ lệ ra trường chỉ 0,6%. Sự khác biệt này nằm trong giới hạn sai số của xác suất thống kê.
 
Một kết quả quan trọng khác là điểm trung bình tích lũy ở ĐH của tất cả hồ sơ tương ứng rất tốt với điểm trung bình tích lũy ở THPT. Nói một cách khác, kết luận của nghiên cứu khoa học là điểm thi ACT và SAT không cần thiết cho tuyển sinh ĐH.
 
Từ kết quả nghiên cứu này, một số ĐH hàng đầu ở Mỹ như University of Chicago, Wake Forest University, George Washington University, University of Iowa, Wesleyan University đã bỏ hoặc không còn bắt buộc nộp điểm thi ACT hay SAT. Hiện nay danh sách đã trên 1.000 trường ĐH Mỹ đã được kiểm định (accredited) bỏ hoặc không bắt buộc nộp điểm thi ACT hay SAT.

Lợi ích và nguy cơ

Năm 2018, College Board (Hội đồng ĐH Mỹ) sở hữu SAT và dịch vụ khảo thí SAT bị khởi tố vì sử dụng lại câu hỏi đã được cho thi ở nơi khác và đã bị phát tán trên mạng. Thêm nữa, mới đây Cơ quan Điều tra liên bang Mỹ (FBI) khám phá một số trường hợp chạy trường ĐH cho con của một số gia đình giàu có nêu lên những điểm tiêu cực của quy trình thi quốc gia ACT hay SAT.
 
Những điểm tiêu cực này cũng đã tìm thấy ở kỳ thi THPT quốc gia ở VN năm 2018 vừa qua. Với những sự kiện trên, một số nhận định cho rằng tiêu cực trong kỳ thi SAT có thể là cái đinh “đóng hòm” cho yêu cầu điểm thi quốc gia ACT hay SAT cho tuyển sinh ĐH Mỹ.
 
Trở lại trường hợp của VN, hiện đang nở rộ các trường ĐH tổ chức thi tuyển sinh riêng.
Lâu nay các trường ĐH ở VN có 2 phương án tuyển sinh: Xét duyệt học bạ và dùng điểm thi THPT quốc gia. Chỉ cần vài giờ phân tích kho dữ liệu thì các trường ĐH có thể so sánh điểm tích lũy trung bình cho số hồ sơ duyệt từ học bạ và số hồ sơ từ điểm thi THPT, đồng thời so sánh tương ứng điểm tích lũy trung bình ở ĐH với THPT thì có thể xác định được sự cần thiết cho việc tổ chức thi riêng.
 
Trường ĐH tổ chức thi riêng sẽ có một số lợi ích, phí tổn và kể cả nguy cơ.
Trường ĐH mở ra một kênh mới cho tuyển sinh. Thêm nữa khi trường tổ chức thi riêng sẽ gây áp lực cho phụ huynh và học sinh quyết định sớm nếu muốn vào trường đó và đầu tư thời gian, công sức vào công đoạn chuẩn bị cho kỳ thi này. Một khi khách hàng đã đầu tư giống như trả tiền “đặt cọc” thì xác suất khách hàng đó mua sản phẩm cao hơn nhiều so với việc không yêu cầu “đặt cọc”. Đây là chiến lược kinh doanh mà nhiều doanh nghiệp thường dùng.
 
Tuy nhiên trường ĐH phải đầu tư khá nhiều về ngân sách cũng như thời gian của giảng viên trong việc xây dựng kho dữ liệu câu hỏi, tổ chức thi và chấm thi.
 
Cả ở VN và Mỹ cho thấy tiêu cực có thể xảy ra ở mọi công đoạn của quy trình thi, từ nhóm thiết kế câu hỏi, quản lý kho dữ liệu câu hỏi, coi thi, chấm thi, quản lý kết quả thi, xét duyệt kết quả thi. Kể cả từ thí sinh dự thi có thể dùng công nghệ để đánh cắp nội dung bài thi và phát tán lên mạng.
 
Thế trường tổ chức thi riêng đem lại lợi ích gì cho phụ huynh và học sinh? Có lẽ không lợi ích gì ngoài việc tăng thêm áp lực cho phụ huynh và đặc biệt là cho học sinh khi các em đang dưới áp lực lớn để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia.


Giáo sư Trương Nguyện Thành