24/12/2024

Đừng cưỡng đọc, cưỡng học môn Sử vì điểm số!

Vì sao môn sử ‘bị ghét’? Làm gì để học sinh nói riêng, người đọc nói chung có hứng thú với lịch sử? Tuổi Trẻ đã có cuộc đối thoại thú vị với hai nhân vật tâm huyết với việc đọc và học môn lịch sử.

 

Đừng cưỡng đọc, cưỡng học môn Sử vì điểm số!

Vì sao môn sử ‘bị ghét’? Làm gì để học sinh nói riêng, người đọc nói chung có hứng thú với lịch sử? Tuổi Trẻ đã có cuộc đối thoại thú vị với hai nhân vật tâm huyết với việc đọc và học môn lịch sử.


 

Đừng cưỡng đọc, cưỡng học môn Sử vì điểm số! - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Quốc Vương trong một buổi nói chuyện về môn lịch sử với học sinh – Ảnh: N.V.

Một người là tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách giáo dục với quan điểm “môn sử không chán như em tưởng”; một người làm nhiều bộ truyện tranh – học tập với cách tiếp cận kiến thức lịch sử thú vị đối thoại cùng Tuổi Trẻ về môn sử.

Nguyễn Quốc Vương từng là giảng viên khoa lịch sử Đại học Sư phạm Hà Nội, nghiên cứu sinh tại Nhật Bản. Anh là dịch giả nhiều cuốn sách giáo dục của Nhật Bản, tác giả cuốn Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam, đáng chú ý cuốn sách Môn sử không chán như em tưởng.

Phạm Quốc Cường là giám đốc Công ty Sách dịch và từ điển giáo dục, người từng quản lý dự án Từ điển bách khoa Britannica sang tiếng Việt, triển khai biên dịch nhiều bộ sách khoa học giáo dục cho các lứa tuổi trẻ em. Anh hiện đang phụ trách dự án biên dịch bộ truyện tranh Lịch sử thế giới của Nhật Bản.

Câu chuyện bắt đầu từ thực trạng dạy môn sử trong trường học, mở ra nhiều cách tiếp cận khác nhau về môn sử, trong đó chú trọng đến việc học, việc đọc sử từ bên ngoài lớp học.

Lịch sử được tái hiện bắt đầu từ câu chuyện của những học sinh của thời hiện tại với những vấn đề gặp phải buộc các em phải dấn thân vào việc tìm hiểu lịch sử”.

Phạm Quốc Cường

Vì sao môn sử “bị ghét”?

* Môn lịch sử trong nhà trường nhiều năm qua trở thành “điểm nhạy cảm” mỗi khi được nhắc đến với những “mưa điểm 0” hay tình trạng học sinh cuối cấp phổ thông từ chối chọn thi môn lịch sử. Các anh có thấy vậy không?

- Phạm Quốc Cường: Tôi thấy lịch sử đối với học trò chủ yếu là lịch sử chiến tranh, phải học thuộc quá nhiều thứ khô cứng, thiếu hấp dẫn. Điều đó khiến nhiều thế hệ học trò lầm tưởng rằng lịch sử chính là những cuộc tranh đấu xảy ra trong quá khứ.

Lịch sử chiến tranh đó lại được thuyết giảng theo kiểu đọc chép, ít hoặc gần như không có các nội dung tương tác, đa phương tiện.

- Nguyễn Quốc Vương: Đã rất nhiều bài viết, ý kiến mổ xẻ về việc vì sao môn lịch sử “bị ghét” rồi. Trong đó có những ý kiến cho rằng sử nhiều số liệu quá nên học sinh sợ. Tôi không cho rằng như thế.

Điểm hạn chế trong giáo dục lịch sử ở chỗ không có quá trình và không gian cho học sinh tìm hiểu lịch sử, tự nhận thức lịch sử theo góc nhìn của mình sau quá trình tìm kiếm và giải mã tư liệu. Dạy lịch sử là dạy cho học sinh cách tiếp cận và giải mã lịch sử chứ không phải cung cấp kiến thức có sẵn để học thuộc.

Đừng cưỡng đọc, cưỡng học môn Sử vì điểm số! - Ảnh 3.

Học sinh tìm hiểu lịch sử qua các buổi ngoại khoá tại bảo tàng – Ảnh: NHƯ HÙNG

* Có nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng cần để đa dạng cách tiếp cận lịch sử từ các kênh khác nhau thay vì bài học khô cứng, đó là một giải pháp giúp học sinh có hứng thú với môn lịch sử, hiểu giá trị lịch sử. Chẳng hạn như tiếp cận các câu chuyện lịch sử, chuyện danh nhân… Các anh có cho rằng điều đó đúng?

- Nguyễn Quốc Vương: Tôi nghĩ nếu không thay đổi cách tiếp cận và cả tư duy làm sách cho trẻ em thì các loại truyện lịch sử vẫn chỉ là sự nối dài của một chương trình môn lịch sử gây nhàm chán.

Trẻ em cũng sẽ không thích thú đọc các truyện lịch sử nếu việc viết về một vị tướng trong lịch sử chỉ liệt kê chiến công, bám sát nội dung lịch sử trong sách giáo khoa. Trẻ em sẽ thích hơn nếu câu chuyện kể vị tướng đó trước đây đi học thế nào, thậm chí có bị điểm kém không, thầy giáo của vị tướng đó là ai. Thậm chí cả đời sống tình cảm, gia đình, hành xử đời thường…

Lịch sử cần phải gần gũi, phải có lịch sử của nhân dân chứ không chỉ của giai cấp thống trị, có văn hóa, kiến trúc, tập quán, chứ không chỉ có chiến tranh. Hơn nữa, khi viết lịch sử cho trẻ em ở nhiều dạng khác nhau thì còn cần phải nhìn nhận lịch sử dưới cái nhìn của trẻ em và phải có lịch sử của trẻ em. Nghĩa là trong lịch sử đó trẻ em phải là nhân vật – chủ thể trung tâm.

Còn một điều nữa: lịch sử không hoàn toàn là quá khứ, mà còn là điểm giao nhau với hiện tại. Trẻ em sẽ thấy hấp dẫn nếu nhìn thấy mình trong đó, thấy có gì đó gần với cuộc sống ngày nay.

Lịch sử là dành cho người đang sống

* Được như anh nói thì quả đúng là yếu tố tạo hứng thú. Nhưng lịch sử là cái đã qua, đâu phải tất cả các chất liệu lịch sử đều liên quan tới hiện tại?

- Nguyễn Quốc Vương: Liên quan không phải sự kiện lịch sử là hiện tại, mà lịch sử được viết ra trong tâm thức của người viết hướng vào hiện tại, có giá trị hướng đến giải quyết vấn đề hiện tại. Lịch sử không phải là thứ viết cho người đã chết mà là thứ viết cho người sống, có giá trị đối với người sống hôm nay ở những khía cạnh khác nhau.

Tác phẩm sử học hay các tác phẩm có liên quan đến lịch sử có hay, sâu sắc, hấp dẫn hay không phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức của tác giả đối với hiện tại, với xã hội, thời đại chúng ta đang sống.

 

Tôi ví dụ, trong các giai đoạn lịch sử, những phát minh của con người có thể thúc đẩy sự phát triển ở các lĩnh vực khác nhau. Hiểu về nó sẽ khơi dậy khát vọng sáng tạo, khám phá của con người ngày hôm nay. Chạm được đến ước vọng của thế hệ trẻ hôm nay thì lịch sử mới hấp dẫn.

Nhưng các sách lịch sử ở VN, theo những gì tôi biết, chưa làm được điều này. Khi chưa làm được mà muốn dùng các sách truyện lịch sử để bổ trợ cho chương trình trong nhà trường thì thật khó.

- Phạm Quốc Cường: Tôi từng trăn trở khá nhiều về việc có tình trạng cưỡng học, cưỡng đọc với không ít nơi vì mục tiêu điểm số trong nhà trường. Cái này là hoàn toàn đối lập với việc tạo ra hứng thú và đam mê để học trò tự tìm hiểu, tự nghiên cứu để có kiến thức.

Thế nhưng, việc dùng quyền lực để áp đặt bao giờ cũng dễ dàng hơn rất nhiều so với việc gây hứng thú khiến cho người khác tự làm.

Đừng cưỡng đọc, cưỡng học môn Sử vì điểm số! - Ảnh 4.

Anh Phạm Quốc Cường nói về dự án cuốn Lịch sử thế giới đang gấp rút triển khai – Ảnh: QUANG TUẤN

* Anh từng chia sẻ đã có một quyết định phiêu lưu khi mang một bộ sách lịch sử thế giới của Nhật về VN và triển khai làm bản tiếng Việt của bộ sách này. Đó có phải loại sách học tập như anh nói không?

- Phạm Quốc Cường: Cách làm bộ sách này rất đáng để ta học tập. Lịch sử được tái hiện bắt đầu từ câu chuyện của những học sinh thời hiện tại với những vấn đề gặp phải buộc các em phải dấn thân vào việc tìm hiểu lịch sử. Và lịch sử được mở ra như vậy.

Câu chuyện được hư cấu, nhưng ở dưới mỗi trang sách có phần ghi chú nội dung lịch sử nghiêm túc liên quan tới câu chuyện. Mỗi tập truyện có phần phụ lục cung cấp kiến thức lịch sử liên quan tới câu chuyện chính. Đó là cách làm hay để trẻ em có thể đi từ câu chuyện hứng thú đến tìm hiểu lịch sử nghiêm túc.

Để biên soạn bộ sách truyện lịch sử như vậy không chỉ cần các chuyên gia sử học mà cần chuyên gia về nhiều lĩnh vực như kiến trúc, hội họa, trang phục các giai đoạn lịch sử… Tôi rất mong muốn một ngày nào đó chúng ta có những bộ sách lịch sử VN như thế cho học sinh.

Lịch sử không hoàn toàn là quá khứ, mà còn là điểm giao nhau với hiện tại. Trẻ em sẽ thấy hấp dẫn nếu nhìn thấy mình trong đó, thấy có gì đó gần với cuộc sống ngày nay”.

Nguyễn Quốc Vương

Làm sao để tạo hứng thú?

* Anh quan niệm thế nào là sách lịch sử có tính giải trí thuần túy và sách học tập nhưng có khả năng tạo hứng thú cho học sinh?

- Phạm Quốc Cường: Sách, truyện đặt ra mục tiêu giải trí có thể sử dụng các chất liệu thực tế. Học sinh đọc sách để giải trí và có thể hiểu biết một chút về lịch sử. Còn sách học tập đặt ra mục tiêu phổ biến kiến thức lịch sử, nhưng lựa chọn hình thức hấp dẫn, dễ hiểu.

Đừng cưỡng đọc, cưỡng học môn Sử vì điểm số! - Ảnh 6.

Trẻ em được bố mẹ cho đi chọn sách ở Phố sách Hà Nội – Ảnh: VĨNH HÀ

* Theo các anh, VN có thể làm những bộ sách bổ trợ học tập có khả năng tạo hứng thú, giúp học sinh ham thích học tập, tìm hiểu các lĩnh vực kiến thức, ví dụ như một bộ sách lịch sử?

- Nguyễn Quốc Vương: Tôi nghĩ là khó khăn. Đầu tiên là khó về nhận thức tiếp cận lịch sử, tiếp đến là khó do hệ thống tư liệu lịch sử ít, thiếu. Tôi chỉ ví dụ như để viết một bộ truyện tranh lịch sử, sẽ rất khó khăn và dễ gây tranh cãi khi phải vẽ khuôn mặt nhân vật lịch sử vì ở ta không lưu được hình ảnh.

Hay những nghiên cứu về kiến trúc, về trang phục, tập quán, nghi lễ, ngôn ngữ… ở các thời kỳ lịch sử còn ít. Để làm những bộ sách lịch sử đề cập đa dạng các lĩnh vực, gần gũi như bộ sách anh Cường nói là không dễ. Nó là một thử thách lớn đầy hấp dẫn.

- Phạm Quốc Cường: Tôi thì nghĩ nếu quyết tâm cũng làm được. Nhưng vấn đề lại ở bài toán kinh tế. Vì cứ nhìn vào bộ sách Lịch sử thế giới của Nhật Bản, một số lượng chuyên gia đồ sộ tham gia ở nhiều lĩnh vực nhằm đảm bảo các cuốn sách hấp dẫn, nhưng có độ chuẩn xác về lịch sử.

Nếu chúng ta muốn làm thì phải đầu tư rất lớn. Nhưng sẽ hiếm đơn vị nào dám đầu tư khi bỏ tiền bạc ra làm nhưng chỉ để bán vài ngàn cuốn. Những bộ sách như vậy cần có chỉ đạo, có cơ chế khích lệ mới làm được.

 

VĨNH HÀ thực hiện