23/12/2024

Ra nước ngoài học nghề, tại sao không?

Tiêu chuẩn nhập học dễ dàng, chương trình học thực tế, ra trường dễ tìm việc… đây là những điểm hấp dẫn của du học nghề.

 

Ra nước ngoài học nghề, tại sao không?

Tiêu chuẩn nhập học dễ dàng, chương trình học thực tế, ra trường dễ tìm việc… đây là những điểm hấp dẫn của du học nghề.


Ra nước ngoài học nghề, tại sao không? - Ảnh 1.

Anh Thy (giữa) trong lớp học làm bánh tại Le Cordon Bleu – Ảnh: HOÀNG ANH

Nhắc đến du học, tưởng chỉ có những trường ĐH danh giá cùng các ngành học nghe tên đã thấy “sang sang”. Tuy vậy, hiện có hướng đi khác đang dần phát triển và hứa hẹn có thể sẽ là lựa chọn lý tưởng trong tương lai cho các bạn trẻ, đó là du học nghề.

Tiêu chuẩn nhập học dễ dàng, chương trình học thực tế, ra trường dễ tìm việc… đây là những điểm hấp dẫn của hình thức du học này.

Sẵn sàng đón làn sóng

Những ngày này, Phạm Vũ Anh Thy (TP.HCM), học Trường đào tạo nghề bếp Le Cordon Bleu (Úc), đang cố gắng ôn tập những bài học cuối cùng để có thể hoàn thành chương trình CĐ nâng cao kéo dài khoảng 3 năm của mình. Thy chia sẻ khối lượng bài học nhiều đến nỗi Thy đã phải tạm dừng công việc làm bếp trưởng cho một hệ thống nhà hàng Dessert Story tại Melbourne (Úc).

“Ở đây không chỉ dạy người học trở thành một người thợ có kỹ thuật nấu ăn và bảo quản nguyên vật liệu, mà dạy để là một đầu bếp được trang bị thêm kiến thức quản lý, nhân sự, kinh doanh…” – Thy cho biết.

Những chương trình du học về nghề như Anh Thy đang theo đuổi đang dần thu hút nhiều bạn trẻ VN bởi sự thực tế trong chương trình học cùng khả năng tìm việc nhanh chóng, trong khi yêu cầu nhập học tương đối dễ dàng hơn nhiều so với học ĐH: tốt nghiệp THPT với học lực trung bình trở lên và có IELTS điểm từ 5.0-5.5.

Các quốc gia phát triển cũng đang sẵn sàng đón làn sóng du học vào các trường CĐ nghề. Chẳng hạn theo số liệu của Chính phủ Úc, hiện có gần 60 trường đào tạo nghề công lập và hơn 200 trường đào tạo nghề tư thục trên cả nước với hơn 400 nghề. Các chương trình học cũng rất đa dạng với nhiều lựa chọn về thời gian và bằng cấp.

Tại Mỹ, ông Andrew K. Stephens, trưởng bộ phận tuyển trạch và quản lý các vấn đề người học quốc tế của Trường CĐ Cộng đồng Hillsborough (bang Florida), cho biết hiện trường có khoảng 30 du học sinh VN đang theo học nghề tại trường, tuy không nhiều nhưng đã tăng đáng kể nếu so với 2 năm trước đây.

Ông Stephens nhận xét du học nghề thường gắn với nhu cầu thực tế của từng địa phương, chẳng hạn ở Florida, nhu cầu về du lịch rất lớn. Do đó, nghề bếp luôn nằm trong những ưu tiên hàng đầu. Việc chuyên môn hoá và theo nhu cầu thực tế của từng nơi sẽ giúp người học dễ dàng vận dụng.

Nghề đáng giá… tỉ đồng

Du học nghề trên thế giới chia làm 2 nhánh: nhánh trường tư với học phí đắt đỏ và nhánh trường công lập với con đường chính quy. Theo ông Stephens, khó có thể so sánh chất lượng của trường tư và trường công trên diện rộng bởi cả hai đều có những thế mạnh riêng và hướng đến những đối tượng du học sinh khác nhau.

 

Ông Nguyễn Quốc Anh, giám đốc một công ty tư vấn du học tại TP.HCM, cho biết thông thường những bạn ra nước ngoài học về nghề thường chọn những ngành phổ biến và dễ dàng ứng dụng khi muốn tìm việc ở nước sở tại hay về VN làm việc. Số lượng lớn nhất là du học về nghề bếp, quản trị nhà hàng khách sạn, điều dưỡng, CNTT, chăm sóc sắc đẹp…

“Theo tôi quan sát, đa phần các bạn đi du học nghề đều thuộc những gia đình có điều kiện khá giả, do đó thường chọn những trường có danh tiếng và bằng cấp có thể được chấp nhận ở nhiều nơi. Dù học phí khá cao, có khi lên đến 2-3 tỉ đồng cho một khóa 18-24 tháng” – ông Quốc Anh nói.

Chị Nguyễn Thị Minh Trang (TP.HCM), phó chủ tịch Hội du học sinh Thụy Sĩ tại VN, chia sẻ khi tham gia các chương trình học nhà hàng khách sạn ở Thụy Sĩ, người học thường được học xen kẽ 4-5 tháng học và 4-5 tháng thực tập ở một nhà hàng – khách sạn trong hoặc ngoài nước và thường có liên kết với nhà trường.

Chị Trang cho biết chi phí cho những chuyến thực tập này không nằm trong học phí nên người học luôn phải cân nhắc về địa điểm thực tập. “Cách đây khoảng 7 năm, khi đang học Học viện HIM (Thụy Sĩ), mình từng thực tập ở Mỹ và tốn rất nhiều tiền từ việc xin visa, đi lại đến ăn ở bên đó. Công việc thực tập có trả lương nhưng vẫn không thấm vào đâu với con số đã bỏ ra” – chị Trang kể.

Ngoài ra, một khoản đầu tư không hề nhỏ nữa khi du học nghề chính là sự trải nghiệm. Với Anh Thy, đó là việc tìm tòi và khám phá thế giới thông qua việc đi siêu thị mua sắm và vào các nhà hàng từ bình dân đến cao cấp để quan sát và học hỏi. Theo Anh Thy, nếu không có bước này sẽ không thể trở thành một đầu bếp giỏi.

Tương tự, ông Steven Hales, trưởng bộ phận tuyển sinh quốc tế Trường CĐ Contra Costa (California, Mỹ), nói rằng một người học theo học về kỹ thuật và thiết kế thời trang thường phải chủ động tham gia những buổi trình diễn thời trang, tham gia triển lãm, tìm tòi về những món hàng hiệu để theo kịp xu thế mới nhất. “Đó là một quá trình đòi hỏi nhiều công sức và tiền bạc để thành nghề” – ông Hales nói.

Nên biết bắt đầu từ đâu

Nguyễn Thị Thanh Dung (TP.HCM) chia sẻ khoảng thời gian du học ngành chăm sóc sắc đẹp ở Trường CĐ nghề Seogang (Hàn Quốc) – với bạn, là một thất bại. Do ban đầu nghĩ rằng du học nghề sẽ tương đối “dễ thở” hơn so với ĐH nhưng thực tế Dung lại tốn khá nhiều thời gian với tiếng Hàn. “Mình đã học ở VN 6 tháng, sang Hàn Quốc học thêm 6 tháng nữa để lấy được TOFIK II. Thời gian dành để học tiếng với mình là rất vất vả nhưng khi vào trường học mình cũng không thể hiểu hết những gì thầy cô giảng rồi gặp stress một giai đoạn dài” – Dung cho biết 3 tháng sau bạn về nước vì không thể tiếp thu.

Dung chia sẻ do được giới thiệu 80-100% học sinh sau khi tốt nghiệp có việc làm tại Hàn Quốc, đồng thời điều kiện đi du học cũng khá đơn giản nên đã quyết định du học. “Dù du học bậc nào cũng có tiêu chuẩn riêng và bản thân mình phải phù hợp thì hãy bắt đầu chứ không nên gượng ép” – Dung đúc kết.

Theo chị Minh Trang, nhiều bạn trẻ du học nghề trở về với suy nghĩ sẽ ngay lập tức được đề bạt vào những vị trí quản lý cao. Nhưng với các nghề nói chung và ngành nhà hàng khách sạn nói riêng, trước hết cần sẵn sàng bắt đầu ở những vị trí cấp dưới rồi mới lên trưởng bộ phận, và các chức vụ quản lý khác. “Đường đi lên là khó khăn nhưng tùy vào kỹ năng làm việc, kinh nghiệm và thái độ của mỗi người. Khi ra trường, các bạn nên có đam mê và khát vọng nhưng nên biết mình bắt đầu ở đâu” – chị Trang chia sẻ.
 

TRỌNG NHÂN