26/12/2024

Lịch sử là môn thi thứ tư để tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội

Môn thi thứ tư của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 – 2020 trên địa bàn Hà Nội do Sở GD-ĐT thành phố bốc thăm chọn ngẫu nhiên là môn lịch sử.

 

Lịch sử là môn thi thứ tư để tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội

Môn thi thứ tư của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 – 2020 trên địa bàn Hà Nội do Sở GD-ĐT thành phố bốc thăm chọn ngẫu nhiên là môn lịch sử.
 
 
 
 

Hà Nội đã bốc thăm chọn ngẫu nhiên môn thi thứ tư tuyển sinh vào lớp 10 /// Ảnh NGỌC THẮNG

Hà Nội đã bốc thăm chọn ngẫu nhiên môn thi thứ tư tuyển sinh vào lớp 10   ẢNH NGỌC THẮNG

 
Theo phương án đổi mới tuyển sinh vào lớp 10 THPT áp dụng từ năm học 2019 – 2020 được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt, để được tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập, học sinh sẽ phải thi tuyển 4 bài thi độc lập và không xét tuyển học bạ 4 năm THCS.
 
Cụ thể, 4 bài thi gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một bài thi thứ tư thuộc một trong các môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân. Năm nay, môn thi thứ tư đã được chọn ngẫu nhiên theo hình thức bốc thăm và đó là môn lịch sử.
 
Thời gian làm bài đối với toán và ngữ văn là 120 phút/bài, 2 bài thi còn lại 60 phút/bài.
Hai môn ngữ văn và toán giữ nguyên hình thức thi như những năm trước, là thi tự luận. Với bài thi ngoại ngữ, thí sinh tự chọn một trong các thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Nhật (thí sinh được đăng ký thi ngoại ngữ khác với ngoại ngữ đang học tại trường THCS), theo hình thức kết hợp trắc nghiệm khách quan và tự luận. Bài thi môn thứ tư theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
 
Nguyên tắc tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019 – 2020 được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt thì môn toán và ngữ văn được tính hệ số hai, cụ thể như sau: điểm xét tuyển = (điểm thi môn toán + điểm thi môn ngữ văn) x 2 + điểm thi môn ngoại ngữ + điểm thi môn thứ 4 + điểm cộng thêm (nếu có). Điểm bài thi của các môn được tính theo thang điểm 10.
 
Trước đó, tong văn bản hướng dẫn về việc tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá năm học 2018 – 2019 với cấp THCS được ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, ký ban hành có hướng dẫn cụ thể về tổ chức ôn tập cho học sinh chuẩn bị thi vào lớp 10.
 
Theo đó, Sở GD-ĐT yêu cầu các phòng GD-ĐT chỉ đạo các nhà trường và tổ nhóm bộ môn xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh; quan tâm đến học sinh có học lực yếu, kém, học sinh chưa chăm. Kế hoạch này phải thông qua ban giám hiệu và thông báo tới học sinh, cha mẹ học sinh.
 
Hướng dẫn ôn tập cho học sinh phải bám sát chương trình và chuẩn kiến thức, kỹ năng; chú ý phân hoá các đối tượng theo học lực để hướng dẫn ôn tập rèn kỹ năng làm bài. Hướng dẫn học sinh tự học, tự ôn tập với ôn theo nhóm và ôn tập trung cả lớp; tránh học lệch, học tủ.
 
Kết hợp tự kiểm tra, đánh giá của học sinh với kiểm tra, đánh giá của nhóm, lớp và toàn trường; chú trọng thu nhận thông tin phản hồi về kết quả ôn tập để điều chỉnh cho phù hợp.
 
Sở GD-ĐT cũng lưu ý các trường và giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn thống nhất với học sinh và cha mẹ học sinh để sắp xếp thời gian hợp lý, đảm bảo sức khoẻ cho học sinh, có hiệu quả nhất nhưng không quá tải. Việc tổ chức dạy thêm, học thêm (nếu có) để phục vụ ôn tập phải thực hiện theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT, UBND thành phố, Sở GD-ĐT; đặc biệt, phải đảm bảo tính tự nguyện của học sinh và sự hiệu quả của nội dung dạy học.
 
Chuẩn bị cho việc đổi mới thi tuyển sinh vào 10, Sở GD-ĐT yêu cầu tổ chức tốt công tác tuyên truyền trong Hội đồng giáo dục, học sinh, cha mẹ học sinh về những đổi mới trong phương thức tuyển sinh với hình thức thi tuyển theo Quyết định số 5417/QĐ-UBND; lưu ý một số nội dung tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên.
 
 
TUỆ NGUYỄN