Hàng loạt dự án điện gió, điện mặt trời sẽ được ‘giải cứu’
Theo Thứ trưởng Vượng, EVN sẽ đẩy nhanh đầu tư lưới điện để giải toả cho các dự án điện gió, điện mặt trời nhưng nếu các dự án năng lượng tái tạo này không vào đúng tiến độ thì việc đầu tư lưới sẽ kém hiệu quả.
Hàng loạt dự án điện gió, điện mặt trời sẽ được ‘giải cứu’
Một dự án điện gió kết hợp điện mặt trời ẢNH: CHÍ HIẾU
Nhiều nhà đầu tư “thở phào”
Theo đó, để giải toả cho các dự án năng lượng tái tạo, điển hình như khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận, Chính phủ giao Bộ Công thương và EVN thống nhất với tỉnh về giải pháp đầu tư các công trình truyền tải để giải phóng toàn bộ công suất các dự án này từ nay đến 2020. Cụ thể, bổ sung trạm biến áp 500/200 kV Thuận Nam, đường dây 500 kV Thuận Nam – Vĩnh Tân; 2 đường dây 200 kV mạch kép Ninh Phước – Vĩnh Tân và Ninh Phước – Thuận Nam vào danh mục đầu tư trước 2020. Cùng với đó, 4 công trình lưới điện 220 kV và 5 công trình lưới điện 110 kV vốn được duyệt đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2025 cũng được đẩy lên trong giai đoạn này.
Nhà nước sẽ chịu thiệt ?
Theo một chuyên gia, việc triển khai các dự án truyền tải không phải nói là làm ngay được. “Trình tự thủ tục để thực hiện một dự án công không dễ. Nếu bây giờ khởi công thì nhiều dự án đường dây phải năm sau mới vào được. Khi đó, nếu các nhà đầu tư điện mặt trời, điện gió làm thật để hưởng cơ chế giá ưu đãi thì không lo chuyện đường dây bị thừa”, chuyên gia này phân tích và cũng cho rằng từ giữa năm 2018, trước sức nóng của các dự án điện mặt trời, Chính phủ khi ấy đã có văn bản yêu cầu Bộ Công thương và các địa phương việc bổ sung các dự án vào quy hoạch cần được xem xét một cách tổng thể để đảm bảo tính minh bạch trong quản lý quy hoạch, phù hợp cung – cầu điện, khả năng đấu nối… Song, đến hết năm 2018, số dự án điện gió, điện mặt trời được phê duyệt vào quy hoạch lên đến gần 8.000 MW, cao gấp gần 5 lần mục tiêu 1.650 MW mà Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh đề ra.