24/01/2025

Lương 10 triệu muốn mua nhà Sài Gòn có phải ‘nằm mơ’?

Với nhiều người mới đi làm, thu nhập chừng 10 triệu đồng/tháng, lại đang trả tiền thuê trọ, câu chuyện mua nhà luôn khiến họ đau đầu.

 

Lương 10 triệu muốn mua nhà Sài Gòn có phải ‘nằm mơ’?

Với nhiều người mới đi làm, thu nhập chừng 10 triệu đồng/tháng, lại đang trả tiền thuê trọ, câu chuyện mua nhà luôn khiến họ đau đầu.


 

Lương 10 triệu muốn mua nhà Sài Gòn có phải nằm mơ? - Ảnh 1.

Nhiều người trẻ sinh sống ở đô thị mong muốn sở hữu căn hộ phù hợp khả năng tài chính – Ảnh: RA NY

“Hai năm nay mình ở nhờ nhà chị gái nên đỡ khoản tiền trọ, nhưng vài tháng nữa phải dọn ra ngoài. Bây giờ quay lại kiếp ở trọ như trước đây sẽ tốn kém lắm” – Ngọc Hảo (29 tuổi, ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) chia sẻ.

Khảo sát giá phòng trọ, Hảo thấy phòng cỡ 12m2 ở các quận gần trung tâm thành phố, không cửa sổ và bancông cũng khoảng 3 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền điện, nước. Với tiền lương 10 triệu đồng mỗi tháng, cô lo sẽ khó dành dụm tiền mua nhà sớm.

“Mình định sống ở Sài Gòn luôn, về lâu dài không thể ở trọ hoài được. Vì vậy, gần đây mình xoay ra bán thêm sách, văn phòng phẩm trên mạng. Mỗi khi nhà cô chú ở Đồng Tháp tới mùa vú sữa, quýt…, mình lại rao bán trên Facebook kiếm thêm” – Hảo nói.

Lương 10 triệu muốn mua nhà Sài Gòn có phải nằm mơ? - Ảnh 2.

Muốn mua nhà ở TP.HCM, các bạn trẻ phải đặt mục tiêu, phấn đấu kiếm tiền và thắt lưng buộc bụng – Ảnh: RA NY

Loay hoay tiết kiệm mua nhà

Không ít người trẻ sống tại TP.HCM không biết lựa chọn giữa dự định mua nhà, tiếp tục ở thuê hay dùng tiền lương để học tập nâng cao trình độ. 

Khang Hùng (31 tuổi, ngụ Q.2) chia sẻ hiện tại anh để dành được 200 triệu đồng sau 8 năm đi làm. Anh nói: “Thu nhập tôi chỉ chừng 10 triệu một tháng nên khi tôi nói sẽ mua nhà, nhiều người cười, cho rằng tôi nằm mơ”.

Mỗi tháng tiền trọ ở ghép gần 2 triệu đồng, tiền ăn uống, rồi tiền gửi về quê cho cha mẹ… đã ngốn của Hùng 70-80% tiền lương, chưa kể những khi đau bệnh hoặc nhà có việc cần tiền. “Tôi dự định cưới vợ mà ngại chưa có nhà. Mua căn hộ chung cư thì phải vay ngân hàng nhiều, sợ quá sức. Tôi cũng đến tuổi lập gia đình rồi, nên mỗi khi ở quê hỏi thăm tôi cũng ngại” – anh chia sẻ.

Với thu nhập tối đa 9 triệu đồng/tháng, Thùy Dung (28 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) cố gắng để dành mỗi tháng ít nhất 2 triệu đồng. “Làm việc trong lĩnh vực truyền thông, thường xuyên tiếp xúc khách hàng, tôi phải đầu tư nhiều cho ngoại hình, lại thêm đủ thứ chi phí thuê trọ, sinh hoạt nên mỗi tháng tiền bay đi đâu hết” – Dung nói.

Dung đang băn khoăn không biết có nên học liên thông đại học hay là dành dụm tiền chờ cơ hội mua nhà. Chị chia sẻ: “Có bằng đại học thu nhập sẽ cao hơn, nhiều cơ hội việc làm hơn. Nhưng bây giờ đang cật lực kiếm tiền, mà lại bỏ tiền ra học sẽ chiếm nhiều thời gian và chi phí nọ kia”.

Đuối vì nợ ngân hàng

Anh Trọng Hiếu (33 tuổi, làm việc tại Q.1) có ý định mua nhà từ cách đây 3 năm. “Lúc đó tôi chỉ có 100 triệu tiền dành dụm, vì tiền làm ra tôi dành phần lớn để gửi lo việc nhà. Tôi đã tham khảo ý kiến nhiều người, bạn bè trong lĩnh vực nhà đất và thấy rằng mình chỉ có thể cày cuốc dành dụm thêm để mua căn hộ ngoại thành”, anh nói.

Anh đặt mục tiêu mỗi tháng dành ra 10 triệu đồng từ tổng thu nhập các nguồn khoảng 15-16 triệu đồng mỗi tháng. Anh kể: “Tôi không còn những chuyến đi chơi, từ chối các cuộc nhậu, tự nấu cơm mang tới công ty với mấy món đơn giản như rau luộc, dưa leo, đồ kho, pha cà phê mang đi. Bỏ hút thuốc, mỗi tháng tôi cũng tiết kiệm được cỡ 2 triệu”. Anh cũng làm thêm nhiều việc như quản lý trang web bán hàng, viết bài truyền thông…

Trong thời gian đó, anh Hiếu cũng dành ra thời gian tìm hiểu thực tế các loại căn hộ ở TP.HCM. Anh đọc thông tin dự án nhiều khu vực, lọc ra 6 dự án phù hợp rồi theo dõi xem dự án nào đúng tiến độ bằng cách khoảng một tháng anh lại ghé đến một lần.

“Theo kinh nghiệm từ nhiều người mua chung cư, cứ mỗi tháng một dự án xây dựng thêm khoảng 3 tầng là đúng tiến độ. Nếu sai tiến độ, mình mua rồi nhận nhà trễ mấy tháng, tốn thêm tiền trọ” – anh Hiếu chia sẻ. 

Anh cũng tìm hiểu thủ tục vay ngân hàng, mức lãi suất, hình dung mỗi tháng phải trả bao nhiêu nếu vay.

Nhờ tìm hiểu thông tin kỹ càng và số tiền để dành tăng 200 triệu đồng sau 2 năm, anh Hiếu đã mua căn hộ ở Q.12 và đang trả nợ ngân hàng năm đầu với lãi suất ưu đãi 7%, sau đó năm tiếp theo sẽ gần 10%. 

Anh Hiếu kể: “Mấy tháng đầu đuối vì nợ lắm. Có tháng tôi chậm gần một tuần, nhưng do trước đây chưa từng chậm nên cũng không sao. Tiêu xài cái gì cũng phải tằn tiện, vì trong đầu luôn nghĩ về nợ ngân hàng”.

Vì phải chia nhỏ chi tiêu để trả nợ, anh cũng chưa sắm sửa nhiều nội thất cho căn hộ nhỏ. “Tôi mua nội thất theo kiểu cuốn chiếu, cái gì cần trước như tủ quần áo thì mua trước. Giường và mấy thứ khác để từ từ, trải nệm dưới sàn cũng được”, anh nói.

Có được căn hộ mơ ước, anh Hiếu còn phải chi trả đủ thứ tiền như phí quản lý, tiền gửi xe, điện nước, rác… mỗi tháng tính ra cũng cỡ 2 triệu đồng. “Đôi khi thèm đi ăn, đi chơi thả ga nhưng đành vậy thôi, vì mọi thứ phải ưu tiên cho việc trả tiền nhà. Sợ nhất là đau bệnh hoặc ngoài quê có việc, thâm hụt thiếu tiền lại phải kiếm để bù vô. Nhưng tôi đã lo được cho mẹ có chỗ ở cùng mình, nên vui lắm”, anh nói.

Theo ThS xã hội học Lê Minh Tiến – giảng viên Trường đại học Mở TP.HCM, mục tiêu của nhiều người trẻ sống ở đô thị hiện nay mong muốn có nhà cửa, xe cộ… nhưng phương tiện để đạt được điều đó không dễ dàng. 

“Họ khó tích cóp được tài sản với thu nhập ở mức trung bình, nhưng những mục tiêu phấn đấu khiến họ căng thẳng. Lâu dài, mục tiêu chưa đạt được sẽ ảnh hưởng tâm lý, sức khỏe khi áp lực phải có nhà ở luôn đè nặng”, ThS Tiến nói.

Ở những quốc gia phát triển, người dân có nhiều kênh tiếp cận để sở hữu nhà, như chương trình bán nhà cho người dân trong hạn trả góp 50 năm, hoặc một số công ty có chính sách ưu đãi tạo điều kiện cho nhân viên sớm mua được nhà. Việt Nam hiện chưa có nhiều chính sách giúp người trẻ đến gần với mục tiêu sở hữu căn nhà của mình.

 

RA NY