Tại cuộc điều trần trước Uỷ ban Quân vụ Hạ viện Mỹ hôm qua, chỉ huy lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc Robert Abrams nói hoạt động về vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên không đi đôi với cam kết phi hạt nhân hoá của Bình Nhưỡng, theo Reuters.
Ông Abrams còn cảnh báo mối đe dọa quân sự từ Triều Tiên vẫn không thay đổi, nhưng không cung cấp chi tiết. Tương tự, tại phiên điều trần trước Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ cùng ngày, Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định Triều Tiên chưa có “bước đi lớn” hướng tới phi hạt nhân hoá từ khi cuộc đàm phán song phương bắt đầu cách đây khoảng một năm.
“Tôi chưa thấy họ có động thái lớn mà chúng tôi hy vọng họ sẽ làm ở Hà Nội”, ông Pompeo cho hay khi đề cập cuộc gặp lần 2 giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un tại Hà Nội hồi tháng 2 mà không đạt thoả thuận nào. Dù vậy, ông Pompeo bày tỏ hy vọng hai bên sẽ tiếp tục đàm phán và nhấn mạnh về triển vọng của một “tương lai tươi sáng” nếu Bình Nhưỡng phi hạt nhân hoá.
Cũng tại phiên điều trần, trưởng ban chuyên gia thuộc LHQ Hugh Griffiths cho hay ông không thấy Triều Tiên có bước tiến về giải giới hạt nhân, dù Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim đã gặp nhau 2 lần, theo trang NKnews.org. Ông Griffiths còn nhấn mạnh không thấy các biện pháp trừng phạt hay chính sách ngoại giao hiện nay mang lại kết quả tác động đến khả năng hạt nhân của Triều Tiên. Ông cho rằng cần cải thiện biện pháp thực thi lệnh trừng phạt tài chính và hàng hải đối với Triều Tiên.
Bên cạnh đó, tại phiên điều trần trước Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm qua, chuẩn tướng không quân Mỹ về hưu David Stilwell nhấn mạnh Washington sẽ không giảm áp lực lên Triều Tiên chỉ dựa vào việc nước này cam kết phi hạt nhân hóa, theo Yonhap. Ông Stilwell lập luận việc nới lỏng sức ép đối với Triều Tiên quá sớm “sẽ đẩy chúng ta trở lại nơi xuất phát” và cho rằng cần phải tiếp tục các biện pháp trừng phạt do Mỹ và Hội đồng bảo an LHQ áp đặt đối với Triều Tiên.
“Nếu mọi người nhìn lại chiến dịch gây sức ép trong 2 năm qua, chúng ta thấy không có thử hạt nhân và không có sự khiêu khích”, ông Stilwell nói, nhấn mạnh chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên là thách thức an ninh khẩn cấp nhất trong khu vực. Phiên điều trần nói trên nhằm xác nhận xem ông Stilwell có thích hợp làm trợ lý ngoại trưởng chuyên trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương hay không sau khi được Tổng thống Trump đề cử cho vị trí này hồi tháng 10.2018. Ông Stilwell cam kết sẽ làm việc với đại diện đặc biệt của Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun và những bên khác để “duy trì sức ép quốc tế” lên chính quyền Bình Nhưỡng.
Đến tối qua chưa có phản ứng của Bình Nhưỡng về những phát biểu trên. Triều Tiên lâu nay yêu cầu Mỹ dỡ bỏ trừng phạt, đổi lại sẽ tiến hành các bước hướng tới phi hạt nhân hóa. Trong khi đó, Mỹ từ chối dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nếu Triều Tiên không phi hạt nhân hoá hoàn toàn. Cách đây khoảng 2 tuần, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui doạ huỷ bỏ cuộc đàm phán hạt nhân, nói rằng Bình Nhưỡng không có ý định nhượng bộ yêu cầu của Washington. Bà Choe cho biết thêm Chủ tịch Kim sẽ sớm quyết định có nên tiếp tục đàm phán và duy trì việc ngưng thử hạt nhân và tên lửa hay không.
Mỹ hậu thuẫn bán công nghệ hạt nhân cho Ả Rập Xê Út
Reuters hôm qua đưa tin Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry vừa bí mật ủy quyền các công ty nước này bán công nghệ năng lượng hạt nhân và hỗ trợ Ả Rập Xê Út, giữa lúc chính quyền Riyadh muốn xây dựng ít nhất 2 nhà máy điện hạt nhân. Nhiều nước như Mỹ, Hàn Quốc và Nga đang cạnh tranh để hợp tác với Ả Rập Xê Út về điện hạt nhân và kết quả sẽ được chính quyền Riyadh công bố trong năm nay.
Trong khi đó, nhiều nghị sĩ Mỹ tỏ ra quan ngại rằng việc chia sẻ công nghệ có thể dẫn đến cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân ở Trung Đông. Năm ngoái, Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman doạ sẽ phát triển vũ khí hạt nhân nếu Iran tiếp tục theo đuổi công nghệ này.
|
VĂN KHOA