25/01/2025

EU chốt luật cho phép các báo tính phí với Google News khi dẫn lại tin tức

Sau nhiều tranh cãi, rốt cuộc dự luật bản quyền online liên quan tới việc quản lý bản quyền thông tin khai thác, chia sẻ trên mạng Internet cũng đã được phê chuẩn tại Nghị viện châu Âu.

 

EU chốt luật cho phép các báo tính phí với Google News khi dẫn lại tin tức

Sau nhiều tranh cãi, rốt cuộc dự luật bản quyền online liên quan tới việc quản lý bản quyền thông tin khai thác, chia sẻ trên mạng Internet cũng đã được phê chuẩn tại Nghị viện châu Âu.
 
 
 

EU chốt luật cho phép các báo tính phí với Google News khi dẫn lại tin tức - Ảnh 1.

Nghị viện châu Âu (ảnh minh hoạ) – Ảnh: TECHNOLOGY REVIEW

Theo trang The Verge, mặc dù sẽ còn phải trải qua công đoạn phê chuẩn luật này tại từng quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU), song với việc Nghị viện châu Âu phê chuẩn dự luật, có thể thấy dự luật bản quyền online sẽ sớm trở thành luật chính thức, một điều được cho là sẽ thay đổi hoàn toàn cách thức hoạt động của mạng Internet hiện nay.

Cụ thể, trong phiên bỏ phiếu ngày 26-3, Nghị viện châu Âu đã đi đến đồng thuận cuối cùng với Chỉ thị bản quyền (Copyright Directive), một dự luật gây tranh cãi được thiết kế nhằm cập nhật thêm các điều khoản cho luật bản quyền tại châu Âu trong thời đại Internet.

Các thành viên nghị viện đã bỏ 348 phiếu thuận và 274 phiếu chống với dự luật này. Một đề xuất vào phút chót nhằm loại bỏ điều khoản gây tranh cãi nhiều nhất của dự luật, được biết với tên gọi Điều 13, cũng đã bị bác với số phiếu chênh lệch rất hẹp, chỉ là 5 phiếu.

Như vậy, 2 điều khoản gây nhiều tranh cãi nhất là điều 11, hay còn gọi là “thuế dẫn link” (link tax) và điều 13, hay còn gọi là “bộ lọc tải lên” (upload filter), vẫn được giữ nguyên trong dự thảo được phê chuẩn cuối cùng tại Nghị viện châu Âu.

Điều 11 quy định các công cụ tìm kiếm và các nền tảng tích hợp tin tức phải trả tiền để sử dụng đường link từ các trang tin tức. Điều khoản này cho phép các đơn vị xuất bản, chẳng hạn các tòa báo, được quyền tính phí các nền tảng như Google News, khi họ dẫn lại các đường dẫn kết nối tới tin tức.

Trong khi đó điều 13 (đã được đổi tên thành điều 17 trong bản dự thảo luật gần nhất) yêu cầu các trang kiểu như YouTube phải có trách nhiệm ngăn chặn người dùng tải lên những nội dung có bản quyền. Họ sẽ phải chịu trách nhiệm về những nội dung được tải lên mà không có bản quyền hợp lệ.

Như vậy dự luật vừa được Nghị viện châu Âu thông qua sẽ được từng nước thành viên xem xét, phê chuẩn. Các nước này có 24 tháng để diễn dịch nó thành luật của nước họ.

Dự luật có tên Chỉ thị bản quyền đã được hoàn thiện trong hơn 2 năm qua và đã luôn là vấn đề nhận được sự vận động hành lang mạnh mẽ của các ông lớn công nghệ, các đơn vị quản lý bản quyền và các nhà hoạt động bản quyền.

Các chi tiết thực thi điều luật này sẽ phải được mỗi quốc gia thành viên EU quyết định. Tuy nhiên luật này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới cách thức Internet hoạt động tại châu Âu và các khu vực khác.

Với những người ủng hộ luật này, họ cho rằng chỉ thị bản quyền sẽ tạo sự cân bằng trong sân chơi giữa các hãng công nghệ lớn của Mỹ và các nhà sáng tạo nội dung châu Âu, trao cho những người sở hữu bản quyền có quyền quyết định về cách các nền tảng Internet phát tán nội dung của họ như thế nào.

Tuy nhiên với những người phản đối luật, họ chỉ trích luật còn mơ hồ, theo đó có thể dẫn tới tình trạng hạn chế chia sẻ các nội dung trên mạng, cản trở tiến bộ và tự do ngôn luận.

 

D. KIM THOA