Paris lại ngập trong bạo loạn
Phong trào biểu tình Áo vàng tại Pháp ‘kỷ niệm’ tuần thứ 18 xuống đường với một cuộc biểu tình đầy bạo lực tại thủ đô Paris hôm 16-3 (giờ địa phương).
Paris lại ngập trong bạo loạn
Phong trào biểu tình Áo vàng tại Pháp ‘kỷ niệm’ tuần thứ 18 xuống đường với một cuộc biểu tình đầy bạo lực tại thủ đô Paris hôm 16-3 (giờ địa phương).Hãng tin AFP mô tả đại lộ Champs-Elysees tại thủ đô nước Pháp chìm ngập trong sắc áo vàng. Nhiều cửa hàng hạng sang, doanh nghiệp tại Paris bị cướp bóc, đốt phá. Cảnh tượng gợi nhớ lại hình ảnh tương tự trong những ngày đầu biểu tình của phong trào Áo vàng vào tháng 12-2018.
Ngày qua ngày, những người dân thường bày tỏ lo ngại của họ và tạo ra những thế lực mà nhiều chính trị gia không thể chống đỡ nổi.
Giám đốc điều hành Kajal Odera của trang Change.org tại Anh nhận định
Nhượng bộ chưa đủ
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cắt ngắn kỳ nghỉ cuối tuần để trở về Paris và mở cuộc họp khẩn cấp với các bộ trưởng ngay trong ngày.
“Chúng ta cam kết các quyền hiến pháp nhưng có những kẻ dùng mọi cách chỉ để phá nền cộng hòa, đập phá và gây nguy cơ có người thiệt mạng. Tôi muốn chúng ta đánh giá chính xác mọi thứ và quyết định nhanh chóng, mạnh mẽ để chuyện này không tái diễn” – ông Macron nói cứng rắn trong cuộc họp khẩn.
Trong khi đó, Thủ tướng Edouard Philippe và Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner đều lên án những hành vi côn đồ trong cuộc biểu tình.
Cuộc biểu tình bạo lực này xảy ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Macron mở ra một cuộc tranh luận quốc gia về cải cách chính sách công, tiếp nhận hàng triệu ý kiến đóng góp.
Ông Macron nói sẽ tiếp thu các đề xuất nhưng không đi ngược lại những chính sách then chốt ông nêu trong cuộc bầu cử 2017. Ông cũng đưa ra nhiều biện pháp nhượng bộ, bao gồm 10 tỉ euro để giúp tăng thu nhập người lao động nghèo, người về hưu, theo Reuters.
Nhưng với những người biểu tình, các cuộc tranh luận và biện pháp của chính phủ vẫn không phải là câu trả lời cho đòi hỏi của họ về công bằng kinh tế. “Chúng vô dụng và chẳng đạt được gì. Chúng tôi ở đây để cho ông Macron thấy rằng những lời sáo rỗng là không đủ” – Frank LeBlanc, đến từ Nantes, nói.
Theo dự kiến, Tổng thống Macron sẽ đưa ra kết luận vào tháng 4 tới, trong đó nêu rõ quan điểm và những phương hướng hành động của chính phủ.
“Tác động lâu dài của phong trào biểu tình Áo vàng vẫn còn là câu hỏi nhưng kết quả trước mắt đã rõ. Ở Pháp, chính phủ đã nhượng bộ và đối thoại trên toàn quốc. Nhưng Áo vàng buộc chúng ta phải đặt ra nhiều câu hỏi quan trọng: làm sao chúng ta giành lại dân chủ từ những lợi ích tiền bạc đã cướp đi quyền lực của số đông?
Làm sao để chúng ta có thể lấy can đảm khởi động các cuộc đối thoại nhằm tạo ra sự thay đổi xã hội” – giáo sư Spoma Jovanovic của Đại học North Carolina (Mỹ) nhận định.
32.000 người xuống đường
Bộ Nội vụ Pháp ước tính có khoảng 10.000 người xuống đường ở Paris, hơn gấp ba lần tuần trước. Trên toàn quốc, có khoảng 32.000 người tham gia biểu tình ở các thành phố như Dijon, Lyon, Bordeaux, Toulouse, Marseille. Tuy nhiên, nhiều cuộc biểu tình trở thành bạo động với hơn 1.500 người tham gia gây rối. Hơn 5.000 cảnh sát đã được triển khai để giữ trật tự.
Sử dụng băngrôn và rào chắn công trường làm lá chắn, nhiều người quá khích mặc áo đen, đeo mặt nạ đen dùng đá đập vỡ kính các cửa hàng, quán ăn, ngân hàng… và tấn công cảnh sát. Các tấm bảng, bàn ghế bị đập phá và ném vào các đống lửa trên phố, một số sản phẩm cũng bị đem làm mồi cho lửa trong khi một số kẻ trộm quần áo.
Cảnh sát đã phải sử dụng vòi rồng và hơi cay để trấn áp đám đông, bắt giữ hàng trăm người trong khi hàng chục người bị thương. Champs-Elysees, con phố tượng trưng cho sự hào nhoáng xa xỉ của Pháp, nơi có những quán cà phê giới nhà giàu và người nổi tiếng hay lui tới, biến thành bãi chiến trường.
“Thật không may rằng đây là cách duy nhất chúng tôi có thể làm để được lắng nghe” – AFP dẫn lời một người từ khu vực Bourgogne lên Paris để biểu tình. “Chúng tôi đã quá tử tế. Tôi không ưa bạo lực nhưng chúng tôi đang bị thống trị bởi những kẻ tham nhũng dám dạy đời chúng tôi” – Jean-Francois Bernard, một người làm vườn, nói với AFP.
Cuộc biểu tình cuối tuần qua được coi là phép thử cho phong trào Áo vàng bắt đầu từ cuối năm ngoái, phản đối việc tăng thuế xăng dầu và nhanh chóng bùng nổ thành làn sóng phản đối các chính sách “vì người giàu” của Tổng thống Emmanuel Macron.
Các cuộc biểu tình vào cuối tuần vẫn diễn ra đều đặn nhưng hạ nhiệt trong những tuần qua. Và cuộc biểu tình quy mô lớn ngày 16-3 có vẻ như diễn ra đúng ý đồ của những người xuống đường khi trước đó họ tuyên bố “kỷ niệm” bốn tháng biểu tình một cách hoành tráng.
Bắt giữ 240 đối tượng cướp bóc
Trong cuộc xuống đường hôm 16-3, theo Reuters, cảnh sát đã bắt giữ gần 240 đối tượng cướp bóc các cửa hàng ở đại lộ Champs – Elysees và đập phá nhà hàng cao cấp Fouquet’s. Cảnh sát Paris cho biết 60 người đã bị thương trong các vụ đụng độ, trong đó có 17 nhân viên cảnh sát, 1 lính cứu hỏa và 42 người biểu tình.