23/12/2024

Bangkok và mộng ‘Venice phương Đông’

Bangkok từ chỗ được xem là ‘Venice phương Đông’ đang muốn hồi sinh cách gọi thú vị này trong một thực trạng không mấy tươi đẹp: ô nhiễm và ùn ứ.

 

Bangkok và mộng ‘Venice phương Đông’

Bangkok từ chỗ được xem là ‘Venice phương Đông’ đang muốn hồi sinh cách gọi thú vị này trong một thực trạng không mấy tươi đẹp: ô nhiễm và ùn ứ.


Bangkok và mộng Venice phương Đông - Ảnh 1.

Học sinh, nhân viên công sở, người dân, du khách trên những chuyến phà, buýt đường sông dọc ngang thủ đô Bangkok (Thái Lan) – Ảnh: T.T.D.

Nếu nước Ý nổi tiếng với thành phố Venice tuyệt đẹp, châu Á cũng có những nơi được mệnh danh là “Venice phương Đông” với vẻ đẹp cuốn hút chẳng thua kém. Thủ đô Bangkok của Thái Lan – nơi của những con kênh đan xen chen chúc – cũng từng được mệnh danh như thế.

“Venice” của quá khứ

Nhiều thế kỷ qua, hệ thống sông và kênh đào đóng vai trò huyết mạch giao thông của Thái Lan. Vào thế kỷ 19, ước tính có hơn 100.000 tàu thuyền di chuyển trên các kênh đào ở Bangkok.

Bên bờ những con kênh uốn lượn là những căn nhà cổ in hình xuống mặt nước lung linh bồng bềnh. Nét đẹp của Bangkok lúc đó hiện rõ trên mặt nước chẳng khác nào ở thành phố Venice.

Tuy nhiên, giữa thế kỷ 20, Bangkok dần chuyển hướng từ tàu thuyền sang xe hơi. Các con kênh được san lấp để phát triển hạ tầng, từ cầu đường tới những tòa nhà cao tầng. Và kết quả đang nằm ngay trước mắt: những con phố đông nghịt và ồn ào vào mùa nóng, hay những tuyến đường ngập lụt trên diện rộng mỗi mùa mưa.

Theo báo Bangkok Post, thủ đô Bangkok hiện có 1.161 kênh đào với tổng chiều dài 2.272km. Trước đây, các kênh đào được người dân Thái sử dụng phổ biến để đi lại hằng ngày, nhưng ngày nay người ta ít khai thác loại hình vận chuyển này.

Muốn phục hồi cố danh

Chính quyền Bangkok đang muốn phục hồi cố danh “Venice phương Đông” qua việc mở rộng hệ thống vận tải bằng tàu thuyền trên sông. Chính phủ Thái Lan và Cơ quan Quản lý đô thị Bangkok gần đây đã đề xuất các chính sách để khuyến khích hình thức di chuyển bằng tàu trên hệ thống sông, kênh ở thủ đô Bangkok.

Cách đây hơn 2 năm, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha cũng đã thúc đẩy ý tưởng “Venice phương Đông”.

Hồi tháng 9-2016, chính quyền Bangkok đã cung cấp dịch vụ di chuyển đường ngắn bằng tàu trên kênh đào Khlong Phadung Krung Kasem. Dịch vụ này được cung cấp trên quãng đường từ bến tàu Hua Lamphong tới bến Thewet, gần sông Chao Phraya.

Năm ngoái, Thủ tướng Prayuth và Bộ Giao thông vận tải Thái Lan đã xem xét chính sách mới về việc tạo sự liên kết giữa các hình thức di chuyển trong lòng thành phố như tàu điện, xe buýt và tàu thuyền.

Bên cạnh đó, Bangkok đưa ra ý tưởng phát triển 5 kênh đào ở Bangkok với tổng chiều dài 15km dành cho ngành du lịch và mục đích giải trí. Số kênh đào được lựa chọn để đầu tư nằm trong số 1.161 kênh đào ở thủ đô Bangkok, với tổng chi phí dự án là 473 triệu baht (344 tỉ đồng).

Trong bối cảnh nạn kẹt xe và ô nhiễm môi trường ngày một báo động, việc chuyển sang sử dụng hình thức di chuyển bằng tàu được rất nhiều người dân Thái quan tâm. 

“Giao thông ở Bangkok luôn trong tình trạng ùn ứ.Đi tàu sẽ tiện lợi và nhanh hơn vì không có đèn giao thông trên các con kênh” – ông Chaovalit Metthayapraphat, giám đốc quản lý công ty vận tải gia đình ở Bangkok, giải thích.

Cách đây 30 năm từng có dịch vụ di chuyển bằng tàu trên kênh đào Khlong Lat Phrao, nhưng hiện đã ngừng cung cấp. Ngày nay, kênh đào còn tàu phà hoạt động tấp nập là Khlong Saen Saep.

Trong khi đó, dịch vụ tàu cao tốc Chao Phraya Express Boat, vận hành từ Nonthaburi tới Thanon Tok, đã phục vụ hành khách hơn 40 năm qua. Trong 15 năm qua, dịch vụ này đóng vai trò là điểm kết nối với trạm tàu điện BTS ở quận Sathon.

Ô nhiễm báo động khu vực

Theo một báo cáo toàn cầu thường niên hợp tác giữa Công ty giám sát chất lượng không khí AirVisual ở Bắc Kinh và Tổ chức môi trường Greenpeace công bố tuần này, trong số 100 thành phố ô nhiễm nhất thế giới trong năm 2018 có tới 99 thành phố tại châu Á, chủ yếu ở Ấn Độ và Trung Quốc.

Tại ASEAN, Indonesia là quốc gia ô nhiễm không khí nhất khu vực (thứ 11), kế đến là Việt Nam (thứ 17) và Thái Lan (thứ 23) dựa trên đánh giá về mật độ bụi mịn PM2.5.

Tiến sĩ Yossapong Laoonual đến từ Đại học King Mongkut của Thái Lan cho biết nguyên nhân chính gây ra bụi PM2.5 ở Bangkok hiện nay là khí thải từ hàng triệu chiếc xe hơi lưu thông trên đường. Do đó, việc hạn chế sử dụng các loại phương tiện như vậy sẽ giúp giảm ô nhiễm và ùn tắc giao thông.

 

 

BÌNH AN