22/12/2024

Từ Hán Việt và sự sáng tạo của người Việt

Theo Từ ngữ Hán Việt: Tiếp nhận và sáng tạo – công trình nghiên cứu mới nhất vừa công bố, số từ Hán Việt hiện chưa tới 36%. Số liệu này thực sự gây sửng sốt với giới nghiên cứu và với đa số mọi người.

 

Từ Hán Việt và sự sáng tạo của người Việt

Theo Từ ngữ Hán Việt: Tiếp nhận và sáng tạo – công trình nghiên cứu mới nhất vừa công bố, số từ Hán Việt hiện chưa tới 36%. Số liệu này thực sự gây sửng sốt với giới nghiên cứu và với đa số mọi người.


 

Từ ngữ Hán Việt: Tiếp nhận và sáng tạo là tên cuốn sách của một tập thể tác giả (Phạm Hùng Việt, Nguyễn Hoàng Anh, Trịnh Thị Hà, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Tân, Lê Xuân Thại, Lý Toàn Thắng, Dương Thị Thu Trà) do NXB Khoa Học Xã Hội ấn hành.

Cuốn sách tập trung vào một số nội dung:

1. Nghiên cứu lý thuyết chung về từ ngữ ngoại lai làm cơ sở lý thuyết cho việc khảo sát về từ ngữ Hán Việt.

2. Khảo sát những điểm đặc sắc của từ ngữ Hán Việt trên các bình diện cấu tạo, ngữ nghĩa, giá trị phong cách và dụng học; đặc biệt là những cách thức “Việt hóa” hay sáng tạo mới (trong tiếng Hán không có) của cha ông ta.

3. Khảo sát những hạn chế trong việc giải nghĩa yếu tố Hán Việt, xây dựng chủ trương, thái độ đúng đắn trong việc chuẩn hoá từ ngữ Hán Việt.

4. Khảo sát việc sử dụng từ ngữ Hán Việt từ một số bình diện khác như phong cách học, thành ngữ học, từ điển học.

Lâu nay, đa số người nói tiếng Việt (và cả giới nghiên cứu, nhất là Việt ngữ học) vẫn nghĩ số lượng từ Hán Việt trong kho từ vựng tiếng Việt là rất lớn. Theo thống kê trước đây của H. Maspéro (1912) [qua dẫn lại của Lê Đình Khẩn (2002)], số lượng từ Hán Việt chiếm trên 60%. Nhưng qua thống kê chi tiết, các tác giả của công trình này cho rằng số lượng từ Hán Việt trong vốn từ tiếng Việt toàn dân hiện tại chỉ chiếm 35,15% (14.933/45.850). Nhận định này chắc sẽ gây tranh cãi, và việc tiếp tục có những công trình khảo cứu để đi đến một kết luận chính xác hơn là cần thiết.

Đặc biệt, ngữ nghĩa của từ Hán Việt lại có sự phân hóa: hoặc giữ nguyên, hoặc chỉ giữ một số nét nghĩa, hoặc thay đổi cấu trúc và thay đổi nghĩa… Sự sáng tạo của người Việt trong sự tiếp nhận này là không nhỏ.

Mọi dân tộc trên thế giới không tồn tại như một thực thể đơn nhất. Cũng như vậy, mọi ngôn ngữ cũng không thể tồn tại một cách khép kín, biệt lập. Vay mượn là một hiện tượng bình thường của mọi ngôn ngữ khi có sự giao lưu, tiếp xúc. Đó là sự “hoà trộn” các nhân tố ngoại lai vào một ngôn ngữ bản địa. Lịch sử của quá trình tiếp xúc lâu dài với tiếng Hán, chữ Hán đã đem lại một số lượng lớn các từ Việt mượn từ tiếng Hán (mà ta vẫn gọi là từ Hán Việt).

Có rất nhiều ý kiến xung quanh khái niệm “vay mượn ngôn ngữ”. Bởi quá trình vay mượn này diễn ra rất đa dạng, phức tạp, bị nhiều nhân tố không gian và thời gian chi phối. Cuốn sách đã trình bày những vấn đề liên quan tới cách thức vay mượn, cho thấy quá trình giao thoa và chuyển di không đơn giản chỉ là “không có thì mượn”, “mượn thế nào cũng được”…

Theo các tác giả, cách đọc Hán Việt “bắt nguồn từ hệ thống ngữ âm tiếng Hán đời Vãn Đường, chịu sự chi phối của hệ thống ngữ âm tiếng Việt” là ưu thế khiến tiếng Việt tiếp nhận số lượng lớn so với các yếu tố ngoại lai khác (bên cạnh nhân tố lịch sử – xã hội).

Trong phần bàn về từ ghép (chương III), liên quan tới các lớp từ khác nhau: 

1. Các từ đa yếu tố được mượn nguyên khối (độc lập, tự do, hạnh phúc, thế giới, hải quân…); 

2. Các từ được cấu tạo bằng các yếu tố Hán Việt từ tiếng Hán do Việt Nam tạo ra (giảng viên, hoa hậu, loạn thị, phát thanh, thuyền viên…); 

3. Các từ được cấu tạo bằng các yếu tố Hán Việt theo mô hình cấu tạo từ tiếng Việt do Việt Nam tạo ra (tiền chiến, tiền sử, nội thành, trưởng tộc, binh nhất…); 

4. Các từ được cấu tạo bằng yếu tố Hán Việt tổ hợp với yếu tố phi Hán Việt theo mô hình cấu tạo từ tiếng Hán, hoặc theo mô hình cấu tạo từ tiếng Việt…

Điều đáng lưu ý là phần nghiên cứu về từ ghép Hán Việt Việt tạo với những trường hợp: 1) Từ ghép Hán Việt Việt tạo bộ phận (đạo điện → dẫn điện, chu tế → chu cấp, thư báo → sách báo…); 2) Từ ghép Hán Việt Việt tạo hoàn toàn (ký lục → biên bản, tá liệu → gia vị, biên tả → soạn thảo…); 3) Từ ghép Hán Việt Việt tạo theo phương thức nói tắt (ngữ ngôn tài liệu → ngữ liệu, lão niên khoa → lão khoa, cao cấp ủy viên → cao ủy…)…

Có thể nói, theo tiến trình lịch sử, trong sự tiếp xúc giao lưu tiếng Việt có tiếp nhận, nhưng tiếp nhận một cách chủ động và sáng tạo nhằm làm giàu thêm tiếng nói của mình. Cuốn sách Từ ngữ Hán Việt: Tiếp nhận và sáng tạo là một công trình nghiên cứu công phu, có tính thời sự, rất bổ ích. Những kết quả mà cuốn sách khẳng định giá trị trường tồn, tinh thần dân tộc và bản sắc tiếng Việt vẫn được giữ vững sau cả một thời gian gần một nghìn năm Bắc thuộc.

 

PGS.TS PHẠM VĂN TÌNH