Hội thảo “Khủng hoảng nhân sự đầu năm, đâu là giải pháp” do Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM cùng Công ty nhân lực BCC tổ chức tại TP.HCM vào tháng 1 vừa qua nóng với nhiều câu hỏi của các bạn trẻ đang làm trong lĩnh vực nhân sự. Ban tổ chức dẫn ra thực trạng, trung bình năm 2016, khủng hoảng nhân sự của các doanh nghiệp nói chung là 16%, năm 2017 là 17%, con số này năm 2018 là trên 20%, một số ngành nghề có biến động trên 30%, thậm chí 39%. Thời điểm sau Tết Nguyên đán luôn là điểm nóng về khủng hoảng.
Nghe “ting ting” tiền thưởng tết là gửi đơn nghỉ việc
Chị Jennifer Thanh Phạm, Trưởng bộ phận tuyển dụng và thu hút nhân tài, Tập đoàn Navigos, kể chuyện khi chị từng làm cho một công ty của Úc ở VN, nhiều nhân viên đã soạn sẵn thư xin nghỉ việc để dưới gầm bàn, chỉ chờ thấy tiếng “ting ting” tiền lương tháng 13 về là nộp đơn nghỉ việc. Trong khi đó, ông Bùi Đức Chính, Giám đốc BCC, chưa quên câu chuyện thời ông làm ở một nhà máy, 26 tháng chạp ô tô đưa công nhân về tận quê, mùng 5 tết xe đỗ sẵn ở đầu hẻm để đón bà con về lại thành phố đi làm, nhưng chờ mãi không thấy người. “Có anh em cũng đến nhà máy ngày đầu năm, nhưng chờ nhận xong bao lì xì rồi lại về quê tiếp”, ông Chính kể.
Theo anh Võ Trọng Nghĩa, Giám đốc nhân sự Công ty Đồng An (khu công nghiệp Đồng An, TX.Thuận An, Bình Dương), cách giữ lại lương tháng 13 dù chỉ 50% có vẻ không ổn, rất dễ khiến công nhân đình công khi mà công nhân vốn vất vả, đồng lương eo hẹp, “làm tháng nào xào hết tháng đó”, chỉ mong có đồng thưởng để về quê, mua sắm quà bánh cho người thân…
Lương, thưởng là quan trọng nhất
Ông Nguyễn Phi Long, chuyên gia tiền lương của BCC, cho hay lương thưởng, chế độ phúc lợi chính là mấu chốt để thu hút lao động, cũng là điều quan trọng hàng đầu để giữ chân họ. Lãnh đạo công ty cần có những giải pháp để tăng lương, thưởng cho anh em công nhân, ví dụ cắt bớt nhân sự không cần thiết, tiết kiệm chi phí điện, nước… “Gặp mặt đầu năm, lãnh đạo lì xì cho anh em, hoặc tặng thêm mỗi người một ít, gọi là vé tàu xe, cũng khiến người lao động cảm kích”, ông Long nói.
Chị Thanh Phạm cho rằng, mấu chốt để người lao động gắn bó với doanh nghiệp lâu dài là chế độ lương thưởng phúc lợi cân xứng phù hợp với năng lực, môi trường làm việc tốt, hệ thống quy trình đánh giá năng lực rõ ràng, minh bạch, có lộ trình thăng tiến rõ ràng để người lao động có mục tiêu.
Theo chị Thanh Phạm, để chủ động về nhân lực, bộ phận nhân sự cần lập kế hoạch tuyển dụng từ khoảng tháng 10 của năm, dự trù cần tuyển mới bao nhiêu và bắt đầu phỏng vấn tuyển dụng từ tháng 11, 12. Khi tuyển được người mới, để cho người cũ làm người hướng dẫn và thiết lập yêu cầu công việc cụ thể để mọi người có động lực làm việc.
Người lao động không chỉ cần tiền
Theo chị Thanh Phạm, tiền quan trọng số 1, nhưng người lao động cần nhiều hơn nữa, đó là sự quan tâm của doanh nghiệp tới cá nhân và người thân của mình. “Người bạn tôi làm ở một tập đoàn đa quốc gia, trong tiệc cuối năm, anh này vô cùng bất ngờ khi thấy cả vợ và con mình được mời tới sự kiện, chứng kiến giây phút anh được nhận bằng khen cho một năm cống hiến”, chị Thanh Phạm kể.
Ông Bùi Đức Chính, Giám đốc BCC, nhớ lại câu chuyện 23 năm về trước, khi ông làm việc ở một nhà hàng nổi, trong một buổi lễ cuối năm, mẹ của ông được mời tới, ban giám đốc đã trịnh trọng cảm ơn bà đã sinh ra một người con trai tài năng, nhiệt huyết. “Từ đó về sau, nhiều lần tôi nhăm nhe chuyển tới một công ty khác, mẹ của tôi ngăn cản trước tiên. Bà nói, còn chỗ nào tốt hơn công ty đó”, ông Chính kể.
Ông Chính cho rằng, bộ phận nhân sự cần sáng tạo hơn khi chăm lo đời sống tinh thần của người lao động, như nhiều khu công nghiệp, chế xuất đã tổ chức các buổi gặp gỡ người lao động ngoài giờ, tư vấn cho họ cách đi chợ, nấu bữa cơm gia đình chỉ với 8.000 đồng, hay làm sao để kết nối công nhân với người thân ở quê nhà.
Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc nhân sự Công ty VNG, cho rằng bên cạnh lương thưởng, người lao động cũng mong được học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, tham gia các hoạt động xã hội.
THUÝ HẰNG