26/12/2024

Chung tay cứu giá lúa

Chiều 19-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc với Bộ NN&PTNT cùng các cơ quan liên quan về tiêu thụ lúa đông xuân của nông dân ĐBSCL đang gặp nhiều khó khăn.

 

Chung tay cứu giá lúa

Chiều 19-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc với Bộ NN&PTNT cùng các cơ quan liên quan về tiêu thụ lúa đông xuân của nông dân ĐBSCL đang gặp nhiều khó khăn.


 

Chung tay cứu giá lúa - Ảnh 1.

Nông dân ĐBSCL vào vụ thu hoạch rộ lúa đông xuân nhưng giá bán đang lao dốc – Ảnh: CHÍ QUỐC

Trong khi đó, thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết sau khi VFA yêu cầu tập trung tối đa khả năng nguồn lực tài chính để thu mua lúa cho dân, trong ngày 19-2, một số doanh nghiệp thành viên VFA đã bắt đầu tổ chức thu mua lúa cho nông dân, giúp giá lúa tại một số tỉnh ĐBSCL tăng từ 100-150 đồng/kg so với vài ngày trước.

“Có lợi cho dân thì cố gắng làm”

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều cùng ngày, ông Nguyễn Trung Kiên, phó chủ tịch VFA – người trực tiếp tham gia cuộc họp nêu trên, cho biết tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những chỉ đạo quan trọng nhằm hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp tiêu thụ lúa, gạo vụ đông xuân tại ĐBSCL.

Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần việc gì có lợi cho người dân thì cố gắng làm, nhưng các giải pháp đưa ra phải là biện pháp thị trường bình thường chứ không phải phi thị trường. Nhà nước không can thiệp vào thị trường để bảo đảm hoạt động thị trường bình thường, theo quy luật giá trị. Tuy nhiên, trách nhiệm của Nhà nước là làm sao người dân có lợi ích tốt nhất trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật cho phép.

Cũng theo ông Kiên, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo mua đủ lượng gạo và lúa dự trữ mà kế hoạch Nhà nước đã giao, “phải mua sớm”, bao gồm 200.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc. Các tổng công ty lương thực mua dự trữ 5% theo quy định, đồng thời khẩn trương thực hiện sớm các kế hoạch xuất khẩu gạo. Bộ NN&PTNT được giao làm việc với Bộ Tài chính thống nhất chủ trương, biện pháp để mua gạo hỗ trợ phát triển trồng rừng, nhất là các tỉnh miền núi.

Ngân hàng Nhà nước VN cũng có trách nhiệm xem xét tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp và coi đây là chủ trương của Chính phủ nhằm đảm bảo vốn cho việc mua trong thời kỳ đang rộ mùa này. “Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 2 tổng công ty lương thực có chủ trương cụ thể bằng các nguồn lực khác nhau chỉ đạo mua kịp thời, sớm nhất lúa gạo cho người dân. Bộ Công thương tiếp tục cùng Bộ NN&PTNT tìm thị trường mới để tiêu thụ lúa dài hơi hơn cho người dân” – ông Kiên cho biết.

Về lâu dài, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng phải triển khai mạnh mẽ hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo để gạo chất lượng cao, gạo dược liệu, gạo chữa bệnh, gạo có thương hiệu của VN ngày càng phổ cập. Đồng thời, các bộ ngành liên quan cần nghiên cứu sâu hơn về an ninh lương thực, đề xuất với Chính phủ về an ninh lương thực trong tình hình mới.

Chung tay cứu giá lúa - Ảnh 2.

Thu hoạch lúa đông xuân tại huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp – Ảnh: THÀNH NHƠN

Trung Quốc siết nhập khẩu gạo VN?

Cũng tại buổi làm việc chiều cùng ngày, theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, vụ đông xuân 2018-2019 ĐBSCL xuống giống gần 1,6 triệu ha, sản lượng ước đạt trên 11 triệu tấn, trong đó lượng lúa dành cho xuất khẩu hơn 7,3 triệu tấn (tương đương 3,6 triệu tấn gạo). Tuy nhiên, từ cuối năm 2018 giá lúa tươi (IR 50404) tại ruộng có dấu hiệu sụt giảm (đến đầu tháng 2-2019 còn 4.200-4.400 đồng/kg), loại thóc hạt dài (giống OM) giảm còn 4.500 đồng/kg. Trong khi đó, thị trường lớn nhất là Trung Quốc chững lại và các thị trường khác chưa có nhiều khởi sắc.

Theo Bộ NN&PTNT, nguyên nhân dẫn đến những khó khăn trong việc tiêu thụ lúa đông xuân tại ĐBSCL thời gian gần đây do một số thị trường vẫn còn lượng gạo dư của năm 2018 nên chưa có nhu cầu nhập khẩu vào đầu năm 2019. Sau Tết Nguyên đán 2019, các doanh nghiệp đã giao hàng vào tháng 12-2018 chưa chủ động giao hàng theo các hợp đồng, hệ thống thương lái chưa vào cuộc mạnh mẽ, trong khi vụ lúa đông xuân thu hoạch vào tháng 2 và tháng 3-2019 dẫn đến tăng sản lượng cục bộ, giá giảm nhẹ.

Đặc biệt, thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của VN là Trung Quốc xuất hiện một số thách thức mới như tăng cường kiểm soát, thanh kiểm tra chặt chẽ công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đưa các mặt hàng lương thực, thực phẩm vào chính ngạch; tăng mua gạo Campuchia, Ấn Độ; cán cân thương mại nông sản giữa VN và Trung Quốc có sự chênh lệch.

Trong khi đó, các thị trường lớn khác như Philippines đang muốn mở rộng nguồn cung cấp gạo bằng cách ký thêm MOU với Pakistan, Myanmar; Indonesia thì đưa ra tuyên bố lượng gạo dự trữ của họ dùng đến tháng 6-2019 đồng nghĩa với sau thời gian này mới có nhu cầu nhập khẩu; trong khi các nước châu Phi (chiếm gần 1/3 tổng lượng gạo xuất khẩu của VN) đang quyết liệt triển khai các chương trình đảm bảo tự cung lương thực.

* Ông Phan Văn Sáu - Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng:

Giám sát chặt chẽ hoạt động mua lúa của doanh nghiệp

Sóc Trăng đã thu hoạch được 66.000/190.000ha lúa đông xuân. Tỉnh ủy cũng đã có cuộc họp khẩn với 20 doanh nghiệp thu mua lúa gạo trên địa bàn và đã có 8 doanh nghiệp trong số trên được các ngân hàng xem xét giải ngân cho vay khoảng 1.500 tỉ đồng để tổ chức thu mua lúa cho dân.

Đây chưa phải là thời điểm thu hoạch đông ken của nông dân Sóc Trăng vì thế tình hình trong các ngày tới sẽ còn khó khăn, do vậy tôi đã giao UBND tỉnh theo dõi chặt chẽ việc doanh nghiệp tổ chức thu mua lúa cho dân báo cáo hằng ngày với thường trực Tỉnh ủy. Nếu cần thiết sẽ có văn bản kiến nghị Chính phủ thu mua tạm trữ lúa cho dân.

Phải cân đối vốn cho doanh nghiệp vay mua lúa

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 19-2, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết sau khi nhận được kiến nghị của Bộ NN&PTNT, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo đến các ngân hàng cân đối nguồn vốn cho việc tiêu thụ lúa đông xuân tại ĐBSCL.

Theo đó, các ngân hàng thương mại phải khẩn trương chỉ đạo các chi nhánh cân đối nguồn vốn, tập trung cho vay đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp thu mua lúa, gạo; làm việc với các doanh nghiệp thu mua lúa, gạo có nhu cầu vay vốn để xem xét tăng hạn mức vay vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp thu mua lúa, gạo cho người dân.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các địa phương này cũng phải tăng cường kết nối ngân hàng – doanh nghiệp nhằm kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ, tăng khả năng tiếp cận vốn và xem xét tăng hạn mức vay vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân; bám sát diễn biến, tình hình thị trường và việc cho vay để kịp thời báo cáo UBND các địa phương và Ngân hàng Nhà nước nhằm có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.

 

A.HỒNG

HOÀNG TRÍ DŨNG – CHÍ QUỐC