23/12/2024

Quy hoạch công viên bến Bạch Đằng

Nếu được thông qua, quy hoạch chi tiết 1/500 khu công viên bến Bạch Đằng sẽ “khoá” đường Tôn Đức Thắng thành phố đi bộ và ngầm hoá hoạt động giao thông tại tuyến đường này.

 

Quy hoạch công viên bến Bạch Đằng

Nếu được thông qua, quy hoạch chi tiết 1/500 khu công viên bến Bạch Đằng sẽ “khoá” đường Tôn Đức Thắng thành phố đi bộ và ngầm hoá hoạt động giao thông tại tuyến đường này.
 
 
 
 

Công viên bến Bạch Đằng
 /// Ảnh: Khả Hòa

Công viên bến Bạch Đằng  ẢNH: KHẢ HOÀ

 

Trên bến dưới thuyền

UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định về nhiệm vụ quy hoạch chi tiết 1/500 khu công viên bến Bạch Đằng, thuộc một phần P.Bến Nghé và P.Nguyễn Thái Bình rộng gần 18 ha. Trong đó, đáng chú ý là ưu tiên nghiên cứu giải quyết phương án ngầm hoá đường Tôn Đức Thắng kết hợp bãi đậu xe ngầm.

 
Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM cho biết theo quy hoạch 1/2.000 khu trung tâm hiện hữu TP.HCM 930 ha, công viên bến Bạch Đằng nằm trong dải quy hoạch bờ tây sông Sài Gòn (kéo dài từ cầu Sài Gòn qua Tân Cảng – Ba Son – bến Bạch Đằng – cột cờ Thủ Ngữ – cảng Q.4 đến chân cầu Tân Thuận) sẽ trở thành dải công viên cảnh quan đối diện Khu đô thị mới Thủ Thiêm ở bờ đông sông Sài Gòn. Trong đó, khu vực công viên Bạch Đằng là một trong những khu vực đặc biệt khi đường Tôn Đức Thắng đi qua đoạn này sẽ được ngầm hoá và có hai làn xe mỗi hướng. Bãi đậu xe ngầm Tôn Đức Thắng cách Công trường Mê Linh khoảng 100 m về phía nam của đường Ngô Văn Năm. Toàn bộ mặt đường Tôn Đức Thắng hiện tại sẽ là công viên, đường đi bộ. Ở giữa Công trường Mê Linh sẽ có một vườn trũng bố trí các cửa hàng bán lẻ, quán cà phê, nhà hàng xung quanh. Tầng trệt của quảng trường có hơn 50% diện tích cây xanh che phủ, xây đài phun nước. Giữa Công trường Mê Linh và sông Sài Gòn sẽ được bố trí 3 trạm xe buýt, trạm LRT và trạm taxi thuỷ.
 
Cùng với đó, UBND TP cũng đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất chuyển đổi công năng cầu tàu Ba Son để phục vụ thu hút, phát triển và khai thác bến du lịch. Toàn bộ cầu tàu Ba Son (377,8 m) hiện hữu (nằm tiếp giáp khu trung tâm phức hợp Sài Gòn – Ba Son, thuộc P.Bến Nghé, Q.1) sẽ được chuyển đổi thành bến thuỷ để các phương tiện thủy (tàu khách nước ngoài, du thuyền, phương tiện thủy nội địa…) ra vào, neo đậu đưa đón hành khách du lịch.

Như vậy, nếu quy hoạch và đề xuất trên được phê duyệt, cầu tàu Ba Son sẽ cùng với khu công viên Bạch Đằng tạo nên một khu công viên trên bến dưới thuyền, vừa phục vụ người dân TP vui chơi giải trí, vừa đẩy mạnh phát triển du lịch đường sông và dịch vụ taxi thủy.

Phát triển không gian đi bộ

Lãnh đạo một doanh nghiệp làm dịch vụ lữ hành cho rằng việc dành phần đất dọc đường Tôn Đức Thắng để thiết kế phố đi bộ, công viên cây xanh, trung tâm mua sắm là cần thiết bởi kinh nghiệm trên thế giới cho thấy mặt tiền sông thường được dành một khoảng hành lang rộng lớn để thiết kế cảnh quan, công viên cây xanh, phố đi bộ và trung tâm mua sắm phục vụ người dân.
 
KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận định việc phát triển không gian đi bộ, không gian xanh khu vực 2 bờ sông bao gồm cả bờ tây phía đường Tôn Đức Thắng và bờ đông phía Thủ Thiêm, là chủ trương đúng. Đặt trong bối cảnh khi hệ thống giao thông công cộng khu vực trung tâm nói riêng cũng như mạng lưới giao thông công cộng toàn TP nói chung đã phát triển, việc có thể “đóng” đường Tôn Đức Thắng trở thành phố đi bộ, nối cùng hệ thống đường Nguyễn Huệ là hoàn toàn khả thi. Hệ thống giao thông công cộng cùng quy hoạch bãi xe ngầm ở 2 đầu sẽ hỗ trợ đắc lực trong việc giải quyết nhu cầu đi lại của người dân.
 

Cân nhắc việc ngầm hoá giao thông đường Tôn Đức Thắng

KTS Ngô Viết Nam Sơn lưu ý cần cân nhắc việc ngầm hóa tuyến đường này. Cụ thể, chi phí xây đường ngầm ven bờ sông vừa tốn kém, vừa không cần thiết vì khi nhu cầu giao thông đã được đáp ứng bởi hệ thống phương tiện công cộng, những đối tượng đi ngang qua khu vực này hoàn toàn có thể sử dụng xe buýt, buýt thủy sau đó đi bộ, không cần thiết phải có đường ngầm lưu thông. Chưa kể hiện khu vực trung tâm TP đã bắt đầu xuất hiện tình trạng ngập cục bộ tại một số khu vực, một con đường ngầm bao hết bến Bạch Đằng sẽ vô tình trở thành một con đê ngầm, gây khó khăn trong công tác thoát nước, nguy cơ gia tăng tình trạng ngập úng khu vực này. Trong trường hợp vẫn làm, KTS Ngô Viết Nam Sơn gợi ý: “Việc ngầm hóa đường Tôn Đức Thắng chỉ thuận tiện cho giao thông của các dự án cao ốc khu vực bờ sông mà không mang lại tác động tích cực nào cho TP. Vì thế nếu làm, TP nên thương lượng để các nhà đầu tư nghiên cứu xây dựng đoạn đường này, không nên dùng tiền ngân sách”.

 

HÀ MAI – ĐÌNH SƠN