25/12/2024

Dự án “đắp chiếu” của gang thép Thái Nguyên: Bộ muốn giữ, doanh nghiệp muốn đi

Sau bài báo của Tuổi Trẻ, ngày 21-2, cả đại diện cơ quan quản lý của Bộ Công thương và Tổng công ty Thép đều tiếp tục cho rằng quan điểm của mình là đúng.

 

Dự án “đắp chiếu” của gang thép Thái Nguyên: Bộ muốn giữ, doanh nghiệp muốn đi

Sau bài báo của Tuổi Trẻ, ngày 21-2, cả đại diện cơ quan quản lý của Bộ Công thương và Tổng công ty Thép đều tiếp tục cho rằng quan điểm của mình là đúng.


 

Dự án đắp chiếu của gang thép Thái Nguyên: Bộ muốn giữ, doanh nghiệp muốn đi - Ảnh 1.

Dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 vẫn tiếp tục nằm im chờ các giải pháp được thống nhất, thực hiện – Ảnh: NAM TRẦN

Bộ muốn thoái vốn ở Tổng công ty Thép (VNSteel) trước trong khi VNSteel muốn chuyển sang cơ quan chủ quản khác và cho rằng cần thoái vốn ở Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên (Tisco) trước, nếu không, Tisco có khả năng phá sản. Chuyên gia thì lo ngại cứ tranh cãi, nhà máy từ khả năng cứu được sẽ “chết hẳn”.

* Đại diện Cục Công nghiệp, Bộ Công thương:

Bộ cũng phải chờ cấp trên

Chuyển VNSteel về Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng chỉ để thoái vốn thôi, mà ở Bộ Công thương cũng thực hiện, có khác gì đâu? SCIC trước đây có 2 năm góp vốn ở Tisco nhưng cũng đâu có xử lý được. 

Để SCIC thoái vốn hay Bộ Công thương là như nhau trong khi thủ tục chuyển phức tạp, công tác cổ phần hóa của tổng công ty cũng chưa quyết toán xong, bàn giao thì mất thêm thời gian. 

Bộ Công thương thực tế bán Sabeco cũng nhiều kinh nghiệm trong thoái vốn, đều là công khai minh bạch và hiệu quả cho Nhà nước.

Khi thoái vốn ở VNSteel xong, nhà đầu tư đủ tiềm lực vào thì Tisco chỉ là công ty con, không còn vốn nhà nước nữa sẽ rất linh hoạt trong xử lý. 

Khi bán sẽ cáo bạch tất cả mặt mạnh mặt yếu của tổng công ty, bán công khai minh bạch, trong đó có tồn tại khoản bảo lãnh, đảm bảo thu hồi lại vốn cho Nhà nước cao nhất, nhà đầu tư chấp thuận sẽ mua. 

Bộ Công thương đang quyết liệt, nhưng cấp trên chưa quyết thì cũng phải chờ.

* Đại diện lãnh đạo VNSteel:

Không thuyết phục và không rõ

Tại sao Bộ Công thương biết nhà đầu tư quan tâm đến VNSteel mà lại muốn giữ Tisco? Bộ Công thương đã tiếp xúc với nhà đầu tư? Hai lý do bộ đưa ra để giữ Tisco là không thuyết phục và không rõ. 

Theo quyết định 01 của Thủ tướng về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước và chỉ thị 03 của bộ trưởng Bộ Công thương, sẽ bàn giao VNSteel về SCIC, giờ lại lập luận nói chuyện Bộ Kế hoạch và đầu tư trình. 

Thậm chí Bộ Công thương còn gửi kiến nghị lên Chính phủ xin không chuyển giao về SCIC ngày 20-1-2019, tức một ngày trước khi diễn ra hội nghị của Thủ tướng về đổi mới doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, trong các văn bản mới đây nhất của Thủ tướng, phó thủ tướng và ngay cả của Bộ Công thương đều nêu rõ sẽ bàn giao VNSteel về SCIC, cũng như chỉ đạo chuyển toàn bộ 12 dự án về Ủy ban quản lý vốn. Vậy có lý do gì mà Bộ Công thương cứ muốn giữ?

Hiện Tisco cũng như VNSteel đã sẵn sàng hết phương án thoái vốn, chỉ chờ phê duyệt. Việc thoái công khai, rõ ràng, được giá mới bán.

* Ông Bùi Văn Dũng (nguyên trưởng Ban cải cách và phát triển doanh nghiệp – CIEM):

Bộ muốn ôm việc, phải chịu trách nhiệm!

Gang thép Thái Nguyên đang khó khăn, cần nguồn vốn mới để cơ cấu lại thì nguyên tắc cao nhất là đảm bảo ưu tiên, xử lý nhanh nhất để phục hồi, sao cho hiệu quả nhất. Phương án thoái vốn là định hướng đúng, tốt nhất.

Băn khoăn về việc ai sẽ làm, bởi Bộ Công thương hiện có Ban đổi mới và cải cách doanh nghiệp đang ở trong giai đoạn khép lại, khi các tập đoàn thuộc bộ đã chuyển hết về Ủy ban quản lý vốn nhà nước. Vậy thì đơn vị nào sẽ thực hiện thoái vốn, xử lý dự án, bộ phải làm rõ. 

Còn Cục Công nghiệp kể cả được giao thì tôi vẫn e ngại, vì từ trước đến nay cơ quan này thực hiện quản lý nhà nước là chính. Về nguyên tắc chỉ thực hiện chủ sở hữu, còn để có kinh nghiệm thoái vốn thì chưa nhiều.

Thủ tướng đã quyết định rồi, chỉ đạo thoái vốn, phải triển khai. Tuy nhiên, thoái công ty con trước, công ty mẹ sau hay ngược lại thì phải xem xét cụ thể, trên nguyên tắc quan trọng và cơ bản nhất là hiệu quả. Vấn đề các bên phải chứng minh tính hiệu quả, phân tích so sánh các phương án chứ không chỉ nói định hướng, quan điểm mà không có thực chứng.

Nếu Bộ Công thương vẫn muốn yêu cầu tự xử lý, mà nếu không nhanh, không hiệu quả thì Bộ Công thương chịu trách nhiệm mà trực tiếp là bộ trưởng, cục trưởng.

Bộ trưởng công nhận việc xử lý chậm

Tại trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội cuối năm 2018 về tiến độ xử lý các dự án thua lỗ còn khá chậm, đặc biệt với dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, ông Trần Tuấn Anh, bộ trưởng Bộ Công thương, cũng thừa nhận tiến độ xử lý dự án chậm hơn so với tổng thể 12 dự án.

Nguyên nhân, theo ông Tuấn Anh, là do có những vấn đề phức tạp, bao gồm: có tranh chấp pháp lý giữa Tổng công ty Thép và Gang thép Thái Nguyên với tổng thầu EPC nước ngoài.

Về thoái vốn nhà nước khỏi VNSteel cũng như Tisco giai đoạn 2 vướng cam kết bảo lãnh của VNSteel với Tisco khoản vay 1.800 tỉ đồng. Do đó, cần phải giải quyết cho xong khoản giải chấp bảo lãnh thì mới có thể tiến hành thoái vốn hiệu quả.

Bộ Công thương đã báo cáo Chính phủ xin phép triển khai phương án thoái vốn mới phù hợp với những quy định của pháp luật và đảm bảo hiệu quả.


NGỌC AN ghi