27/11/2024

Câu chuyện giáo dục: Đừng gọi học sinh là ‘đồ ăn cắp vặt’!

Một giáo viên phổ thông chia sẻ với chúng tôi về tình huống ứng xử sư phạm trước nạn ăn cắp vặt của học sinh (HS) trong lớp mà thầy cho là hiệu quả.

 

Câu chuyện giáo dục: Đừng gọi học sinh là ‘đồ ăn cắp vặt’!

Một giáo viên phổ thông chia sẻ với chúng tôi về tình huống ứng xử sư phạm trước nạn ăn cắp vặt của học sinh (HS) trong lớp mà thầy cho là hiệu quả.


 
 

Việc tập huấn cho giáo viên ứng xử với học sinh sao cho thích hợp là cần thiết /// Ảnh minh họa: N.T

Việc tập huấn cho giáo viên ứng xử với học sinh sao cho thích hợp là cần thiết  ẢNH MINH HOẠ: N.T

 
Lớp thầy chủ nhiệm đã nhiều lần xảy ra tình trạng mất cắp vặt nhưng chưa tìm ra thủ phạm. Có thể có HS khác trong lớp biết nhưng không dám tố cáo vì sợ bị trả thù. Chiều hôm ấy, thầy nghe một HS trong lớp báo lại là em bị mất tiền, nhờ thầy giữ lớp lại 15 phút để em lục cặp các bạn. HS này cũng quả quyết rằng bạn “A.” lấy, vì nhiều bạn trong lớp cũng nghĩ thế.


Sau tiết dạy, thầy giữ lớp lại. “Trong đầu tôi nghĩ đến nhiều giải pháp. Tôi không cho lục cặp, tôi cũng không chất vấn, quy kết cho HS “A.” Trước hết, tôi nhỏ nhẹ phân tích phải trái đúng sai, ảnh hưởng trước mắt và lâu dài của hành vi ăn cắp vặt. Sau đó, tôi đưa cho mỗi em một mảnh giấy nhỏ và yêu cầu các em ghi tên HS mà các em thấy lấy tiền bạn vào tờ giấy ấy. Ghi bí mật, không cần ghi tên mình, ghi không cho ai thấy. Thu và xem xong giấy ghi, trước khi cho lớp ra về, tôi nói: “Thầy đã biết được ai lấy tiền bạn nhưng thầy không nêu tên ra ở đây. Thầy hy vọng sau buổi học này, bạn lấy cắp ấy sẽ trả lại tiền cho bạn. Thầy cũng tin rằng sau sai lầm này, bạn ấy sẽ không còn tái phạm lần nào nữa. Các em cũng cần tha lỗi cho bạn ấy!”, thầy chủ nhiệm này kể lại.

 
Đúng như sự kỳ vọng của thầy, sáng hôm sau, HS bị mất cắp tìm gặp thầy và nói: “Em cảm ơn thầy. Bạn “A.” đã gặp em và xin lỗi em. Bạn ấy hứa hôm nay sẽ trả tiền cho em, vì hôm qua bạn lỡ tiêu hết…”.
 
Tôi nhớ thời còn tiểu học, lớp tôi cũng có tình huống như trên. Có điều là cách ứng xử của cô chủ nhiệm lúc bấy giờ rất khác. Cô giữ lớp lại, cho tổ trưởng lục hết cặp của HS. Và khi phát hiện được HS lấy cắp, cô đã không kiềm được giận dữ: “Tại sao như thế? Đồ… ăn cắp vặt”. Lời mắng của cô mà đến giờ tôi còn cảm nhận được nỗi đau nhói vào tim của bạn ấy. Đau đớn và nghiệt ngã hơn là sau sự việc ấy, bạn lấy bị bạn bè trong lớp xa lánh dần. Nhiều bạn không gọi tên bạn nữa. Mỗi khi có cãi vã nhau, họ thường gọi bạn ấy là “đồ… ăn cắp vặt”.
 
Cũng là một tình huống nhưng cách ứng xử khác nhau sẽ cho hiệu quả giáo dục khác nhau. Xin hãy chọn cách nói để mang lại hiệu quả, làm “ấm người như vải lụa”. Lời nói có thể gây tổn thương, làm người “đau như gươm giáo” như lời răn của nhà triết học Trung Quốc cổ đại Tuân Tử.
 
 
TRẦN NHÂN TRUNG