Chị M.P ở quận 7 (TP.HCM) cho biết, vừa trả tiền điện tháng 4 lên đến 1,1 triệu đồng (làm tròn), tăng gấp đôi so với tháng trước đó và cũng là tăng gấp đôi so với số tiền điện bình quân lâu nay của gia đình chị.
“Trước đó, thấy thông báo từ ngày 20.3, giá điện tăng thêm hơn 8%, mình cũng chuẩn bị tâm lý rồi nhưng vẫn bị sốc khi nhận được giấy thông báo. Tôi đồng ý là đang trong cao điểm nắng nóng, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện hay cụ thể là máy lạnh có tăng về thời gian hơn bình thường một chút, nhưng hóa đơn tiền điện tăng sốc như vậy thì vẫn cảm thấy có cái gì đó sai sai. Cái cảm giác đó lại càng được củng cố khi giấy thông báo tiền điện lần này lại không có đầy đủ thông tin như những lần trước; khách hàng muốn biết phải tự lên mạng kiểm tra. Tôi thấy lãnh đạo điện lực TP.HCM đã lên tiếng xin lỗi về việc này. Nhưng việc tăng giá là theo lộ trình vậy mà tại sao ngành điện ở một thành phố lớn như vậy lại để xảy ra sự cố cơ bản, thật khó hiểu”, chị M.P nói.
Sốc với tiền điện là tình cảnh chung của hầu hết mọi người trong những ngày qua. Chị T.Xuân ở quận 3 choáng váng khi thấy tiền điện lên tới gần 2 triệu đồng, tăng gần gấp 3 lần bình thường. Trong khi nhà có 3 người thì hai vợ chồng chị đi làm suốt ngày còn con nhỏ đi học đến chiều tối mới về. Biết điện tăng giá nên đã ý thức và sử dụng tiết kiệm hơn nhưng vẫn bị sốc.
“Hết giá xăng, đến giá điện tăng sốc như vậy làm cho mọi kế hoạch chi tiêu bị đảo lộn hết. Rồi bao nhiêu thứ khác ngoài thị trường kéo nhau tăng giá theo làm cuộc sống ngày càng khó khăn. Bây giờ cầm tờ tiền 500.000 đồng ra đường, quanh đi quẩn lại là hết mà không biết đã tiêu vào đâu”, chị T.Xuân than thở.
Ông Nguyễn Duy Quốc Việt, Phó tổng giám đốc Tổng công ty điện lực TP.HCM (EVNHCMC), lý giải nguyên nhân chính là do giá điện tăng 8,36% (từ 1.740,65 đồng/kWh tăng lên 1.864,44 đồng/kWh); thời tiết nắng nóng làm nhu cầu sử dụng các thiết bị điện tăng.
Dù ngành điện đã lên tiếng giải thích nhưng người dân vẫn không cảm thấy bị thuyết phục.
CHÍ NHÂN