Phủ bạt ni lông trồng đậu, lạc…
|
|
|
Thực tế chứng minh canh tác chống biến đổi khí hậu sẽ duy trì cân bằng sinh thái đồng ruộng, mang lại giá trị thu nhập cao hơn 30%. Đặc biệt là qua đó sản xuất đã vượt qua sự manh mún, nông dân cùng liên kết, cùng sản xuất trên cánh đồng lớn, áp dụng cùng một quy trình
|
|
|
Bà Nguyễn Hồng Phương, Chi cục trưởng Chi cục TT-BVTV Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị
|
|
|
Từ những ngày cuối tháng 1, người dân thôn Duy Viên (xã Vĩnh Lâm, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị) bắt đầu làm đất cho vụ lạc đông xuân 2018 – 2019 theo một cách hoàn toàn mới, khi sử dụng… bạt ni lông để phủ lên mặt luống. Theo ông Lê Văn Xuân, Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Duy Viên, đó là một trong những điểm nhấn trong các biện pháp kỹ thuật của mô hình trồng lạc thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu đang được triển khai tại địa phương. “Tham gia mô hình, nông dân sẽ được tập huấn và hỗ trợ phân bón, giống lạc năng suất tốt và cả bạt ni lông. Bởi thế, họ cũng phải cam kết thực hiện các bước làm đất, lên luống, phủ bạt ni lông, đảm bảo lịch gieo trồng tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chuẩn của dự án”, ông Xuân thông tin.
Theo phân tích của bà Nguyễn Thị Hiền Lương, Trạm phó Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật (TT-BVTV) H.Vĩnh Linh, thì việc sử dụng bạt ni lông có rất nhiều ưu việt: tăng nhiệt độ cho đất, đảm bảo độ ẩm; hạn chế rửa trôi dinh dưỡng, chống xói mòn đất, giữ cho đất luôn tơi xốp, giúp lạc mọc nhanh, tỷ lệ mọc cao… “Trồng lạc kiểu mới này sẽ giúp bà con… bớt đau lưng vì không phải khom cúi nhiều trên đồng lạc để nhổ cỏ, chăm sóc”, bà Lương dí dỏm.
Biến đổi khí hậu không chừa một loại cây trồng nào, nên ngoài lạc, ngành nông nghiệp Quảng Trị cũng đã có những thử nghiệm đối với cây lúa và cây ngô, hồ tiêu…
Ông Trương Thanh Hải, Giám đốc HTX nông nghiệp Giáo Liêm (xã Triệu Độ, H.Triệu Phong), thông tin địa phương có 120 hộ dân tham gia trồng lúa theo hướng ứng phó biến đổi khí hậu trên diện tích 25 ha. “Khi người nông dân tham gia vào dự án đã được ngành nông nghiệp trang bị đến… tận răng. Ngoài được tập huấn kỹ thuật, họ có rất nhiều cái lợi như được hỗ trợ 50% tiền giống, 30% tiền đạm vàng, các chế phẩm vi sinh thúc đẩy gốc rạ sau thu hoạch thành phân hữu cơ vi sinh và công cụ để gieo sạ hàng…”, ông Hải cho biết.
Trồng lạc thích ứng biến đổi khí hậu, người nông dân chỉ bỏ ra rất ít công chăm sóc
|
Ở góc độ chuyên môn, ông Nguyễn Hữu Tâm, Phó chi cục trưởng Chi cục TT-BVTV Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị, cho biết mô hình trồng lúa mà đơn vị đang hướng dẫn cho bà con khác hoàn toàn với cách canh tác của bà con trước đây. “Nông dân sẽ sử dụng giống lúa ngắn ngày chất lượng cao thay vì dùng lúa dài ngày; sử dụng công cụ sạ hàng thay vì gieo thủ công, nên mỗi héc ta chỉ mất 30 kg giống mà vẫn đảm bảo mật độ; sử dụng phân đạm vàng, một loại đạm nhả chậm, giảm thất thoát khi nắng nóng hay rửa trôi; hạn chế việc sử dụng thuốc BVTV…”, ông Tâm cho hay.
Hiệu quả cao, hình thành cánh đồng lớn
Nhiều nông dân cho hay, nếu không áp dụng phương pháp phủ bạt để giữ ẩm, với thời tiết nắng nóng kéo dài như vừa qua, cây lạc sẽ không sống nổi
Theo thống kê sơ bộ của HTX nông nghiệp Giáo Liêm, năng suất bình quân của mô hình lúa mới đạt 6,01 tấn/ha, cao hơn cách trồng đại trà khoảng 1 tấn/ha. Phấn khởi hơn là toàn bộ số lúa này sẽ được Trung tâm giống cây trồng và vật nuôi tỉnh Quảng Trị mua ngay tại chân ruộng với giá 4.700 đồng/kg lúa tươi.
Tại HTX Cổ Mỹ (xã Vĩnh Giang, H.Vĩnh Linh) đang khẩn trương thu hoạch 17 ha lạc vụ đông xuân được trồng theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu. Thống kê cho thấy năng suất bình quân tại đồng lạc này đạt 2,48 tấn/ha, cao hơn cách trồng đại trà 0,76 tấn/ha. “Nếu không có bạt ni lông giữ ẩm và phương thức trồng lạc chống biến đổi khí hậu này thì cây lạc sẽ chết héo chứ đừng nói là cho củ”, bà Ngô Thị Hoán (thôn Cổ Mỹ, xã Vĩnh Giang), một nông dân có 3 sào lạc tham gia dự án, đúc rút.
Theo bà Nguyễn Hồng Phương, Chi cục trưởng Chi cục TT-BVTV Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị, các mô hình nêu trên thuộc hợp phần 3 có tên “Hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu” của dự án “Cải thiện nông nghiệp có tưới (WB7)” vay vốn Ngân hàng Thế giới. Hiện nay, sau hơn 3 năm triển khai, đã có hàng ngàn nông dân của hầu hết các huyện, thị thành phố ở Quảng Trị hưởng lợi, tiếp cận chương trình và tất cả các mô hình đều cho kết quả rất tốt, thể hiện sự ưu việt và lấy được lòng tin của người nông dân.
NGUYỄN PHÚC