Dân Lào vừa mừng, vừa lo với đường sắt Trung Quốc
Dự án đường sắt cao tốc do Trung Quốc đầu tư vừa là niềm kiêu hãnh nhưng cũng đem lại nỗi sợ cho người dân Lào. Trước mắt chỉ thấy công nhân Trung Quốc tràn sang nhiều đến mức không kiểm đếm được.
Dân Lào vừa mừng, vừa lo với đường sắt Trung Quốc
Dự án đường sắt cao tốc do Trung Quốc đầu tư vừa là niềm kiêu hãnh nhưng cũng đem lại nỗi sợ cho người dân Lào. Trước mắt chỉ thấy công nhân Trung Quốc tràn sang nhiều đến mức không kiểm đếm được.
Đường sắt cao tốc Trung Quốc – Lào là một phần trong sáng kiến ‘Vành đai, con đường’ của Trung Quốc – Ảnh chụp màn hình
Dòng Mekong hiền hòa chảy qua Lào từ bao đời nay đã trở thành huyết mạch giao thương tại quốc gia Đông Nam Á duy nhất không giáp biển.
Xuôi thuyền theo con nước, bạn sẽ bắt gặp những ngư phủ đang tất bật với mẻ lưới, những vườn chuối xanh mát mắt hay một ngôi làng ven sông bình yên, hữu tình.
Những cảnh vật đó không xuất hiện tại một khu vực cách thành phố Luang Prabang khoảng 14km về phía bắc. Những cột bêtông khổng lồ cắm xuống thân mình con sông mềm mại như người ta đóng những cây đinh cực đại lên da thịt của một sinh vật sống.
Một cây cầu đang được xây dựng ở đây và khi hoàn thành nó sẽ trở thành một phần của tuyến đường sắt cao tốc Trung Quốc – Lào mới. Các quan chức Lào nhấn mạnh tuyến đường sắt dài 400km nối thủ đô Vientiane và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc sẽ tốt cho đất nước này.
Ai thực sự hưởng lợi?
Tuyến đường sắt cao tốc đi qua Lào là một mảnh ghép quan trọng cho toàn bộ tuyến đường kéo dài từ Côn Minh – thủ phủ Vân Nam xuyên qua Lào, Malaysia và kết thúc ở phía nam Singapore.
“Sau khi hoàn thành, tuyến đường sắt sẽ mang lại lợi ích cho tất cả nhân dân Lào, tạo điều kiện và giảm chi phí vận chuyển, kích thích sự phát triển của các ngành nông nghiệp và công nghiệp, du lịch, đầu tư và thương mại, cũng như tạo thu nhập cho người dân và đất nước”, Bộ trưởng Bộ Công chính và giao thông vận tải Bouchanh Sinthavong nhấn mạnh trong lễ khởi công hồi năm 2016.
Những lợi ích chung chung nói trên sẽ bị quên đi nếu nhìn vào các con số cụ thể và biết nói. Dự án trị giá 6 tỉ USD với 70% vốn do Trung Quốc bỏ vào, 30% còn lại được Chính phủ Lào đầu tư với nguồn vay từ các ngân hàng Trung Quốc.
Đó không phải là một dự án giá rẻ tại Lào khi GDP quốc gia này chưa đến 17 tỉ USD năm 2017.
“Tất cả công trình được giao cho Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc. Các kỹ sư và công nhân Trung Quốc tràn xuống Lào như lũ quét. Ngay cả Chính phủ Lào cũng không rõ về số lượng công nhân Trung Quốc chính xác ở nước này”, một bài viết hồi năm 2017 trên tạp chí Nikkei Asian Review khẳng định.
Trên màn ảnh, truyền thông nhà nước Trung Quốc tung hô dự án đường sắt đã làm thay đổi cuộc sống của người dân Lào theo hướng tốt hơn. Trên thực địa, hàng ngàn người phải rời bỏ ruộng vườn, nhà cửa và không nhận được tiền đền bù thỏa đáng như được hứa, theo đài NPR của Mỹ.
Khi Chính phủ Lào nói đường sắt sẽ tạo ra sự bùng nổ du lịch, điều đó là đúng, với những đoàn khách Trung Quốc chiếm phần lớn.
Nhưng “tất cả tiền đều quay về Trung Quốc, không phải của người Lào”, một người dân Lào bức xúc vì người Trung Quốc chỉ sử dụng các dịch vụ của người Trung Quốc trong khi đang ở trên chính đất Lào.
Sự điều chỉnh của Trung Quốc
Sáng kiến “Vành đai, con đường” (BRI) của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tròn 6 tuổi. “Khi người ta hỏi liệu BRI có hiệu quả hay không, thì tức là điều họ thực sự đang hỏi đó là chính sách đối ngoại của ông Tập có đang đi đúng đường hay không”, giáo sư Joshua Eisenman thuộc Đại học Texas (Mỹ), người đã theo dõi BRI từ những ngày đầu, lập luận.
Nhìn một cách khách quan, các nước đang phát triển cần tiền đầu tư và Trung Quốc là người sẵn sàng móc hầu bao nhất. Rõ ràng, các lợi ích của BRI đối với nước tiếp nhận không phải không có. Nhưng để đó là một sự hợp tác cùng có lợi, đó lại là một chuyện khác.
Ông Tập đã cố gắng thay đổi và dập tắt những chỉ trích tiêu cực trong diễn đàn BRI lần hai vừa kết thúc – Ảnh: REUTERS
Bắc Kinh rõ ràng có thể tránh được việc bị mang tiếng là đang “ngoại giao bẫy nợ” nếu họ minh bạch và siết chặt các điều khoản vay ngay từ đầu thay vì cố tỏ ra là một nước hào phóng.
Nhìn lại diễn đàn BRI lần hai hồi tuần trước có thể thấy các thông điệp của ông Tập là sự thừa nhận những mặt trái của sáng kiến sau nửa thập kỷ triển khai.
“Không tham nhũng, phát triển xanh, hợp tác đa phương, chất lượng và bền vững sẽ là những từ khóa mới của Chủ tịch Tập Cận Bình”, ông Bruno S Sergi, giảng viên kinh tế học tại Đại học Harvard (Mỹ), nhận định.
Trước mắt, có thể thấy Bắc Kinh đã bắt đầu kêu gọi sự tham gia của nhiều nước khác, chẳng hạn những công ty Nhật trong các dự án của Trung Quốc ở nước thứ ba thuộc BRI.