28/11/2024

Khuyến đọc có khó không?

Lo ngại về sự đọc ở mức cận số 0 tại nông thôn, cảnh báo về chất lượng đọc ở thành phố, mong mỏi chính sách hợp lý để xây dựng thói quen đọc sách là những vấn đề nêu ra tại hội thảo Xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng.

 

Khuyến đọc có khó không?

Lo ngại về sự đọc ở mức cận số 0 tại nông thôn, cảnh báo về chất lượng đọc ở thành phố, mong mỏi chính sách hợp lý để xây dựng thói quen đọc sách là những vấn đề nêu ra tại hội thảo Xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng.


 

Khuyến đọc có khó không? - Ảnh 1.

Các bạn trẻ chọn mua sách tại nhà sách Gia Định (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) – Ảnh: DUYÊN PHAN

Hội thảo do Bộ Thông tin và truyền thông, Ban Tuyên giáo trung ương, Hội Xuất bản Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp tổ chức sáng 17-4 tại Hà Nội, ngay trước thềm Ngày sách Việt Nam 21-4.

Nguy cơ mù chữ thời hiện đại

PGS.TS Nguyễn Đức Hạnh – tổng biên tập Nhà xuất bản Đại Học Thái Nguyên – cho biết quá trình đi dạy học tại chức tại khắp các tỉnh miền Bắc cho ông một cái nhìn khá bi quan. Chứng kiến tình trạng lười đọc trên diện rộng, học sinh, sinh viên, thậm chí cả giáo viên có xu hướng lệ thuộc vào kiến thức Google, cắt dán kiến thức người khác cho bài viết của mình… 

Ông Đức Hạnh cho rằng thực tế đó phản ánh “chiến lược phát triển văn hóa của chúng ta đang có vấn đề, trong đó có chiến lược phát triển văn hóa đọc”.

Ông Nguyễn Quang Thạch – cha đẻ của chương trình Sách hóa nông thôn – cho biết: “Qua khảo sát trên diện rộng trong gần 20 năm qua, chúng tôi thấy rằng ở nông thôn, ngoại trừ một số gia đình giáo viên, các gia đình khác hầu như không có cuốn sách nào ngoài sách giáo khoa và sách bài tập nâng cao của học sinh…”.

1.000 tỉ cho sách chẳng là gì so với những dự án kinh tế, nhưng lại cho hiệu quả to lớn về lâu về dài, tại sao không đầu tư? Một xã hội không tôn trọng tri thức, “văn hay chữ tốt không bằng học dốt lắm tiền” thì sẽ tạo ra nhiều hệ lụy lắm.

Ông BẠCH NGỌC CHIẾN (phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định)

Ở khu vực thành phố, việc đọc sách có thể khả quan hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng vẫn bày tỏ lo ngại về chất lượng đọc và cảnh báo về những xu hướng đọc mới đáng quan ngại.

GS.TS Đinh Xuân Dũng cho biết ngày càng nhiều cá nhân có nhu cầu trang bị tủ sách cá nhân, không chỉ mua sách phục vụ nghề nghiệp của mình là một xu hướng phát triển rất đáng mừng. 

Tuy nhiên cũng có một xu hướng coi sách là vật trang trí hoặc xu hướng đọc lệ thuộc vào Internet, hình thành thói quen “đọc nhanh, biết nhanh, truyền tin nhanh, quên cũng nhanh”. 

Vị giáo sư này khuyến cáo nếu người dân không chịu đọc, cập nhật kiến thức sẽ “dẫn đến hẫng hụt tri thức, về lâu dài dẫn tới sự mù chữ hiện đại” (chỉ những người không chịu học, bổ sung, cập nhật kiến thức lỗi thời của mình).

Đầu tư cho những đầu sách giàu tri thức

Trong khi một số địa phương than khuyến đọc khó, ngành thư viện ì ạch tiếp cận với người đọc thì một số cá nhân, địa phương đã cho thấy mọi việc hoàn toàn có thể thay đổi nếu biết cách. Nam Định là một tỉnh rất thành công trong việc phát triển tủ sách trường học.

“Sau khi áp dụng mô hình Sách hóa nông thôn, tỉnh đã xây dựng website phát triển tủ sách. Chúng tôi tạo ra một sân chơi, không có quỹ quản lý, sách được chuyển thẳng đến tay người nhận. Năm 2016, đúng ngày khai trường, đồng loạt mười mấy trường nhận hơn 11 tấn sách từ các nhà hảo tâm. Bưu điện Việt Nam thì nhận tài trợ vận chuyển. 

Chỉ trong hai năm, Nam Định đã gây dựng được số lượng tủ sách mà cá nhân ông Nguyễn Quang Thạch phải mất công vận động trong 20 năm mới đạt được” – Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Bạch Ngọc Chiến chia sẻ. Sách về tới trường rồi, để học sinh có thể tiếp cận sách, lãnh đạo tỉnh Nam Định giao nhiệm vụ cho phòng giáo dục của quận, huyện và hiệu trưởng các trường triển khai, khuyến khích các giải pháp sáng tạo.

Sự đọc ở nông thôn đang ở mức cận con số 0, một con số báo động và ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển đất nước.

Ông NGUYỄN QUANG THẠCH (người sáng lập chương trình Sách hoá nông thôn)

Trong hội thảo, ngoài việc chia sẻ những kinh nghiệm khuyến đọc, nhiều đơn vị cùng cho rằng cần có những thay đổi về chính sách. Ông Nguyễn Quang Thạch cho biết vẫn còn tồn tại những quy định vô lý, như quy định của Bộ GD-ĐT về số đầu sách ở thư viện trường cho học sinh thành phố nhiều hơn nông thôn.

GS.TS Đinh Xuân Dũng cho rằng ngoài việc đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú của người đọc, các nhà xuất bản cũng cần có ý thức ấn phẩm của mình góp phần định hướng nhân cách người đọc để từ đó bớt phát hành những sách nhảm nhí. Đặc biệt, cần có định hướng đầu tư tài lực, trí lực cho những đầu sách giàu tri thức góp phần phát triển đất nước.

 

NGỌC DIỆP