Cân nhắc thêm cơ hội giảm phí BOT
Tuổi Trẻ chia sẻ góc nhìn của một nhà nghiên cứu quốc tế về vấn đề làm sao giải quyết hạ tầng vốn đòi hỏi ngày càng cao, trong khi người dân muốn giảm gánh nặng phí BOT.
Cân nhắc thêm cơ hội giảm phí BOT
Tuổi Trẻ chia sẻ góc nhìn của một nhà nghiên cứu quốc tế về vấn đề làm sao giải quyết hạ tầng vốn đòi hỏi ngày càng cao, trong khi người dân muốn giảm gánh nặng phí BOT.Cũng như nhiều quốc gia đang phát triển khác ở châu Á, Việt Nam rơi vào tình trạng giao thông quá tải trong các thành phố, sự thiếu hụt các tuyến cao tốc hiệu quả…
Ước tính khu vực Đông Nam Á cần thêm khoảng 8 tỉ USD mỗi năm để hỗ trợ phát triển hạ tầng, Việt Nam cũng đang thiếu hụt kinh phí công để đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng của đất nước.
Phát triển hệ thống hạ tầng là một trong ba “bước đột phá” trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Nếu Chính phủ phải dành nhiều ngân sách cho đầu tư hạ tầng thì việc phát triển bền vững sẽ là một câu hỏi lớn. Vì vậy, kêu gọi tổ chức, nhà đầu tư tư nhân tham gia quá trình này là hết sức cần thiết.
Đã có nhiều tranh chấp, mâu thuẫn diễn ra liên quan các dự án BT hay BOT mà nguyên nhân chủ yếu là lợi nhuận của cơ sở hạ tầng phụ thuộc chủ yếu vào phí sử dụng, như giá vé tàu và phí đường cao tốc. Điều này khiến việc thu hồi vốn cho nhà đầu tư tư nhân quá nhiều rủi ro.
Người dân luôn mong muốn trả một mức giá thấp nhất, trong khi các nhà đầu tư lại thích thu hồi vốn nhanh. Nên vấn đề là làm sao giữ được một mức giá hợp lý cho người sử dụng, hài hòa được lợi ích cho nhà đầu tư.
Theo nghiên cứu của tôi, các nhà đầu tư tư nhân sẽ được khuyến khích đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng nếu họ có thể hưởng lợi từ “doanh thu thuế lan tỏa” thay vì chỉ dựa vào phí người dùng.
Việt Nam nên xem xét chia sẻ các khoản thu thuế bổ sung được tạo ra từ hoạt động kinh tế gia tăng mà một dự án hạ tầng mới mang lại, giảm gánh nặng hoàn vốn phụ thuộc vào việc thu phí của nhà đầu tư.
Từ trước đến nay, các khoản thu được sau khi đường sá mở ra đều vào thẳng lại Nhà nước mà cơ bản không có sự chia sẻ ngược lại.
Chủ đầu tư tuyến đường cao tốc không thể chỉ có nguồn thu duy nhất là thu phí cầu đường.
Đường cao tốc mang đến nhiều lợi ích khác cho nơi nó đi ngang qua như kết nối giao thông tốt hơn, giúp người nông dân, nhà sản xuất đưa hàng hóa của họ ra thị trường nhanh hơn, trong khi các ngành công nghiệp mới tạo ra việc làm, và các nhà hàng, khách sạn mọc lên.
Tại Ấn Độ, ngay khi hình thành những tuyến cao tốc, nhà quản lý đã hình dung những công trình, dự án đi theo các tuyến đường này như các trung tâm mua sắm, nhà hàng, khu giải trí…
Nhà nước thu thuế của các mô hình kinh doanh phát triển nhờ việc hưởng lợi từ đường sá này và tính toán các giá trị gia tăng được tạo thêm, sau đó họ trích ngược hỗ trợ nhà đầu tư hạ tầng tư nhân.
Theo tôi, để tăng tỉ lệ lợi nhuận của cơ sở hạ tầng, Nhà nước có thể trích khoảng 50% “doanh thu thuế lan toả” có được nhờ sự phát triển cơ sở hạ tầng cho các công ty xây dựng và nhà đầu tư.
Cùng với đó, các nhà đầu tư cũng cần minh bạch và công bố ngay từ đầu quá trình phát triển dự án. Minh bạch là yếu tố quan trọng để nhà đầu tư tìm được sự cảm thông, hợp tác từ người dân.
Chẳng hạn câu chuyện BOT của Việt Nam, cần phải lắp đặt máy đếm lượt và có công khai rõ ràng doanh thu, số xe để người dân giám sát.