Mông Cổ nổi tiếng với những thảo nguyên mênh mông xanh mát, nhưng mâu thuẫn là thủ đô Ulaanbaatar của nước này nằm trong số những thành phố có mức độ ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất thế giới.
Nồng độ hạt bụi siêu mịn PM2.5 (có đường kính dưới 2,5 micromet) tại Ulaanbaatar đo được ở mức 3.320 microgram/m3 vào tháng 1 vừa qua, cao gấp 133 lần ngưỡng an toàn mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra, theo AFP.
Thực trạng này khiến Mông Cổ đau đầu nhiều năm qua nhưng chưa thể khắc phục. Gần 1,5 triệu người sống tại Ulaanbaatar, chiếm gần 50% dân số Mông Cổ, trong đó có nhiều người di cư từ các vùng miền khác đổ về nhằm tìm một cuộc sống tốt hơn. Họ sống trong những chiếc lều truyền thống của dân du mục, gọi là ger, và khi mùa đông đến với “thủ đô lạnh nhất thế giới” – nhiệt độ xuống tới -40oC, họ đốt mọi thứ có thể để sưởi ấm, từ than đá cho đến rác thải nhựa. Trong số các nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí tại Ulaanbaatar, việc đốt than để sưởi ấm tại khu ger chiếm 80%, bên cạnh đó là do giao thông, nhà máy nhiệt điện và chất thải rắn, theo Tân Hoa xã.
|
|
Theo WHO, bụi siêu mịn đặc biệt nguy hiểm vì có kích thước quá nhỏ nên dễ dàng chui qua khẩu trang để đi qua phổi rồi vào máu. Tổ chức này xếp bụi siêu mịn vào danh sách một trong những tác nhân gây ung thư hàng đầu. Giới chuyên gia cảnh báo trẻ em sống trong môi trường không khí ô nhiễm nặng thường gặp vấn đề về hô hấp, bị chậm lớn. Thậm chí, việc hít thở không khí ô nhiễm lâu dài có thể khiến gia tăng nguy cơ mắc bệnh mãn tính sau này, theo Reuters. Đối với phụ nữ, khí độc và các hạt bụi mịn có thể đi vào cơ thể gây sẩy thai, sinh non hoặc em bé bị mắc các chứng bệnh bẩm sinh.
|
|
|
Khói độc hại gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em vì các cơ quan quan trọng như phổi, não, tim vẫn còn trong giai đoạn phát triển. Cô Erdene-Bat Naranchimeg, cư dân sống tại khu ger, nói rằng đứa con gái Amina của cô mắc đủ chứng bệnh từ khi mới lọt lòng và hệ miễn dịch của bé bị ảnh hưởng do không khí độc hại. “Chúng tôi phải vào bệnh viện suốt. Amina bị viêm phổi 2 lần khi mới 2 tuổi và uống nhiều thuốc kháng sinh”, cô Naranchimeg nói với tờ The Straits Times. Tuy nhiên, sau khi được đưa về quê sống cùng ông bà ở thị trấn Bornuur Sum (cách thủ đô 135 km), nơi có không khí trong lành hơn, cô bé Amina nay lên 5 tuổi không còn bị ốm nhiều nữa. Vợ chồng Naranchimeg gặp khó khăn trong những tháng đầu tiên khi phải sống xa con nhưng cũng như nhiều cặp vợ chồng khác, họ buộc phải chịu cảnh ly tán để bảo vệ con cái.
Tương tự, cô Buyan-Ulzii Badamkhand buộc phải gửi con trai 2 tuổi Temuulen về quê, cách Ulaanbaatar hơn 1.000 km để ở với ông bà vì cậu bé viêm phế quản kéo dài. “Vài giờ sau khi con trai đến nơi, tôi gọi cho mẹ để dặn dò chuyện thuốc thang nhưng bà nói nó không còn ho nữa”, cô Badamkhand nói. Reuters dẫn nghiên cứu do Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và Trung tâm y tế công quốc gia Mông Cổ thực hiện cho thấy trẻ em sống trong khu vực có nhiều khí thải ở Ulaanbaatar bị suy giảm chức năng phổi đến 40% so với những em ở vùng nông thôn.
Trong nỗ lực giải quyết tình trạng này, chính quyền địa phương năm 2017 cấm người di cư trong nước đến thủ đô Ulaanbaatar cho đến năm 2020, trừ những người cần điều trị y tế lâu dài hoặc đã mua nhà tại đây.
Bên cạnh đó, lệnh cấm các hộ gia đình sử dụng than sẽ có hiệu lực từ ngày 15.5 tới và chính quyền đã trợ giá cho các loại nhiên liệu khác nhằm giảm ô nhiễm không khí.
Trang Quartz dẫn kế hoạch phát triển bền vững của thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ không còn ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, mục tiêu này bị cho là khó thành hiện thực vì cần nhiều thời gian và ngân sách. Trong thời gian chờ đợi, giới chuyên gia cho rằng người dân Ulaanbaatar cần biết tự bảo vệ mình trước những mối đe dọa cho sức khoẻ.
BẢO VINH