23/12/2024

EVN sẽ được lợi nhuận định mức trên 6.500 tỉ đồng/năm?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Anh Tuấn, cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), cho rằng việc đưa lợi nhuận định mức công thức tính giá bán lẻ điện là để đảm bảo tạo nguồn đầu tư cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

 

EVN sẽ được lợi nhuận định mức trên 6.500 tỉ đồng/năm?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Anh Tuấn, cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), cho rằng việc đưa lợi nhuận định mức công thức tính giá bán lẻ điện là để đảm bảo tạo nguồn đầu tư cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
 
 
 


EVN sẽ được lợi nhuận định mức trên 6.500 tỉ đồng/năm? - Ảnh 1.

EVN được tính toán để có lợi nahuận định mức 3% nhằm thu hút đầu tư. Trong ảnh: tại một nhà máy bán điện cho EVN – Ảnh: THANH HƯƠNG

Theo đó, Bộ Công thương vừa đưa ra dự thảo quyết định sửa đổi, bổ sung quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Trong đó, điểm đáng chú ý nhất là thay đổi lại công thức tính giá bán lẻ điện bình quân trên cơ sở đưa lợi nhuận định mức của EVN là một khoản cố định trong công thức tính, là 3% trên vốn chủ sở hữu.

Vốn chủ sở hữu năm 2018 theo báo cáo của EVN là 218.091 tỉ đồng, nên với lợi nhuận định mức tối thiểu 3%, EVN sẽ có trên 6.542,7 tỉ đồng lợi nhuận định mức.

Ông Tuấn xác nhận có sự khác biệt của công thức tính giá bán lẻ điện bình quân trong dự thảo so với quy định cũ.

Tại quyết định số 24/2017, lợi nhuận định mức ở từng khâu (truyền tải điện, phân phối – bán lẻ điện, quản lý ngành và phụ trợ), thực tế, ông Tuấn thừa nhận đã được tính cùng với chi phí của từng khâu.

Có nghĩa là thành phần các khâu trong công thức tính giá bán lẻ điện bình quân đều bao gồm chi phí và lợi nhuận định mức của khâu đó.

Tuy nhiên, trong công thức tại dự thảo quyết định, lợi nhuận định mức của các khâu được tách riêng ra khỏi chi phí và gộp vào, gọi chung là lợi nhuận định mức của EVN.

Ông Tuấn cho rằng cách tính này là để phù hợp với thực tế mô hình hoạt động hiện nay của EVN khi các đơn vị này thuộc EVN.

Khi thay đổi công thức tính, ông Tuấn cho biết về bản chất sẽ không làm thay đổi giá bán lẻ điện bình quân. Việc đưa mức lợi nhuận định mức cũng để đảm bảo phát triển, thu hút vốn đầu tư vào ngành điện.

 

“Lợi nhuận định mức của đơn vị hoạt động điện lực, trong đó có EVN, cần được xác định phù hợp để thu hút đầu tư nước ngoài và các thành phần kinh tế trong nước, đồng thời có tính đến tác động của điều chỉnh giá điện tới các chỉ tiêu phát triển kinh tế vĩ mô và đời sống sinh hoạt của nhân dân” – ông Tuấn nói.

Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cũng cho biết trong các phương án điều chỉnh giá điện năm 2017 và 2019, trên cơ sở xem xét các điều kiện thực tế, Bộ Công thương, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép lợi nhuận định mức của EVN ở mức khoảng 3%.

Ngoài ra, một điểm mới trong dự thảo quyết định được Bộ Công thương đưa ra gắn với việc điều chỉnh chi phí phát điện.

Theo đó, từ đầu năm 2019 thị trường bán buôn đã được vận hành, cho phép các bên mua điện bao gồm EVN và 5 tổng công ty điện lực sẽ mua điện trực tiếp từ các đơn vị phát điện với chi phí được xác định theo quy định vận hành thị trường và hợp đồng mua bán điện đã ký kết.

Theo ông Tuấn, việc thay đổi quy định này nhằm để phù hợp với thực tế vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

Các lần tăng giá điện vẫn cách nhau tối thiểu 6 tháng

Ngoài ra, dự thảo quyết định cũng quy định rõ hơn cơ chế EVN báo cáo định kỳ Bộ Công thương, Bộ Tài chính phục vụ công tác điều hành giá điện. Đặc biệt là các báo cáo cập nhật giá bán lẻ điện bình quân theo biến động các thông số đầu vào của khâu phát điện.

Tuy nhiên, thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân vẫn giữ ở mức tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá bán điện bình quân gần nhất.

 

NGỌC AN