Ngày 7.4, lực lượng của tướng Haftar, tự xưng là Quân đội quốc gia Libya (LNA) và kiểm soát miền đông nước này, tiến hành không kích dữ dội vào nhiều địa điểm phía nam thủ đô Tripoli. Reuters dẫn các nguồn tin tại chỗ cho hay hành động này nhằm “chia lửa” với các tay súng đang cố gắng giành quyền kiểm soát sân bay quốc tế Tripoli ở rìa phía nam thành phố.
Về phần mình, dù bị vây hãm từ cuối tuần trước nhưng quân đội thuộc chính phủ lâm thời do LHQ ủng hộ (GNA), phản công quyết liệt bằng súng cối và đạn pháo, đồng thời không kích một số điểm tập kết của LNA bên ngoài thủ đô. Phi trường quốc tế Tripoli đã đóng cửa vì tan hoang sau các trận đánh giữa nhiều phe phái vào năm 2014 nhưng GNA quyết không thể mất sân bay về tay tướng Haftar để tránh nguy cơ nơi này bị biến thành bàn đạp của phe đối thủ.
Kể từ khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ vào năm 2011, Libya rơi vào tình trạng chia năm xẻ bảy. Hiện 2 thế lực lớn nhất là GNA kiểm soát khu vực tây nam đất nước cùng thủ đô Tripoli, còn LNA thành lập một chính quyền song song ở phía đông, theo AFP. Người đứng đầu LNA, tư lệnh Khalifar Haftar, đóng vai trò lớn trong cuộc lật đổ ông Gaddafi và được coi là chỉ huy quân sự mạnh nhất ở Libya.
Hồi cuối tháng 2, viên tướng này và Thủ tướng Libya được LHQ công nhận Fayez al-Sarraj đã đối thoại ở Abu Dhabi. Khi đó, hai bên nhất trí tổ chức tổng tuyển cử và tiến hành các bước đi nhằm mang lại ổn định. Tuy nhiên, tình hình đột ngột leo thang vào ngày 4.4, khi tướng Haftar ra lệnh cho lực lượng miền đông kéo quân về phía thủ đô. Ở phía bên kia, hàng trăm xe tải chở các tay súng từ nhiều phe phái khác nhau ở miền tây Libya kéo về Tripoli để tiếp viện cho GNA, theo Đài Al Jazeera.
Trong bài phát biểu trên truyền hình hôm qua, Thủ tướng al-Sarraj cáo buộc tướng Haftar là “kẻ phản bội” vì không những không tuân thủ cam kết đạt được ở UAE mà còn bác bỏ “những nhượng bộ” do GNA đề xuất nhằm tránh đổ máu. Chính trị gia này khẳng định LNA “sẽ vấp phải sự kháng cự quyết liệt” từ các lực lượng trung thành với chính phủ, đồng thời cảnh báo về “cuộc chiến không có người thắng cuộc” tại Libya.
Diễn biến tại Libya đang khiến cộng đồng quốc tế hết sức quan ngại. Trong cuộc điện đàm hôm qua, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh tầm quan trọng của một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng hiện nay, tôn trọng luật pháp quốc tế và các nghị quyết của HĐBA.
Nga lên tiếng kêu gọi tất cả lực lượng ở Libya kiềm chế, đồng thời phản đối mọi sự can thiệp từ bên ngoài. Bên cạnh đó, AFP dẫn lời Đặc phái viên LHQ về Libya Ghassan Salame khẳng định sự kiện mang tên Hội nghị dân tộc Libya vẫn sẽ diễn ra đúng kế hoạch từ ngày 14 – 16.4 tại TP.Ghadames, tây nam nước này, nhằm thảo luận về khả năng tổ chức bầu cử và tìm lối thoát cho tình trạng bất ổn kéo dài suốt 8 năm qua.
THUỴ MIÊN