70% vốn mạo hiểm rót vào lĩnh vực công nghệ
Ông Trần Nhật Khanh, Giám đốc quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital Ventures, cho biết theo nghiên cứu của Bain & Company – một công ty nghiên cứu về quản lý vốn trên thế giới – ước tính trong vòng từ 3-5 năm tới sẽ có khoảng 70 tỉ USD vốn đầu tư trên thế giới sẽ đổ vào thị trường Đông Nam Á. Có đến 90% nhà đầu tư trên thế giới xác định Việt Nam và Indonesia là 2 điểm đến quan trọng nhất. Trong đó 70% số vốn đầu tư sẽ tập trung vào lĩnh vực công nghệ hoặc giải pháp công nghệ sẽ làm thay đổi các hoạt động kinh doanh truyền thống.
Ông Trần Nhật Khanh, Giám đốc quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital Ventures KHẢ HOÀ
|
Còn theo dự báo của HSBC trong vòng 12 năm tới, từ 2019 – 2030 sẽ có khoảng 300 tỉ USD giá trị được tạo ra từ những thay đổi đó tại thị trường Việt Nam. Hiện nay công nghệ 4.0 đang được nhắc đến khá nhiều. Tuy nhiên từ trước đến nay, khi nói về công nghệ của Việt Nam, nhiều nhà đầu tư ngoại vẫn cứ nghĩ đó là công xưởng công nghệ giá rẻ. “Chúng tôi mong muốn xóa đi suy nghĩ đó và góp phần đưa đội ngũ kỹ sư Việt Nam đi ra biển lớn với sản phẩm của chính mình”, ông Trần Nhật Khanh nhấn mạnh.
Chỉ rót vốn cho đội ngũ có tâm, có tầm
Chia sẻ về việc tiêu chí nào để quyết định rót vốn đầu tư? Ông Trần Nhật Khanh cho biết quỹ sẽ nhìn về thị trường với câu hỏi: Liệu sản phẩm của bạn khởi nghiệp có tạo được ra thị trường đủ lớn hay không? Sản phẩm đó ngoài việc kiếm tiền có tạo ra giá trị xã hội không. Quan trọng nhất là có tiềm năng để mang sản phẩm ra khỏi Việt Nam có hay không?
Thứ hai là đội ngũ sáng lập có tâm và tầm. Đó là có tầm nhìn rộng và có khả năng thực thi để phát triển ra toàn cầu. Tiêu chí cuối cùng là công ty có những thế mạnh cạnh tranh nào? Tại sao bạn và những đồng nghiệp sẽ chiến thắng so với những người khác?
“Chúng tôi thích đội ngũ sáng lập có 2-3 người, và mỗi người có kỹ năng khác nhau về công nghệ, về tài chính, về số hóa, bán hàng hơn là công ty chỉ có 1 người làm tất cả mọi thứ. Chúng tôi nói nhiều nhưng tóm lại tìm đội ngũ sáng lập có tâm và có tầm. Nói đơn giản là muốn có tầm nhìn rộng đi rất xa nhưng không quên trách nhiệm xã hội, mang lại giá trị cho con người và cộng đồng Việt Nam”, ông Trần Nhật Khanh nhấn mạnh.
Một số lĩnh vực mà quỹ VinaCapital Ventures tập trung đầu tư gồm lĩnh vực tài chính khi hơn 60% dân số Việt Nam vẫn không có tài khoản ngân hàng. Quỹ này cho rằng nếu có những giải pháp công nghệ tốt sẽ giúp giảm tỷ lệ này xuống và đưa mọi người tham gia nhiều hơn vào hệ sinh thái số hoá và quản lý nhiều thứ hiệu quả. Quỹ này đánh giá trong vòng 10-12 năm tới giá trị tăng thêm trong lĩnh vực tài chính sẽ đạt khoảng 78 tỉ USD.
Lĩnh vực thứ hai là liên quan đến sức khỏe khi hiện nhiều hoạt động liên quan đến hệ thống bệnh viện, nhà thuốc vẫn chưa có hiệu quả. Lĩnh vực thứ ba là bán lẻ, trong đó thương mại điện tử là một giải pháp hữu hiệu. Việt Nam đã bắt đầu có những sàn lớn của Việt Nam như Tiki cạnh tranh trực tiếp với nước ngoài. Lĩnh vực cuối cùng là logistics và vận chuyển. Chi phí logistics của Việt Nam lên gần 25% GDP gần như lớn nhất thế giới, trong khi Trung Quốc chi phí này là 15% và các nền kinh tế phát triển như Singapore, Hồng Kông là dưới 10%.
Theo ông Trần Nhật Khanh, thủ tục đăng ký doanh nghiệp của Việt Nam hiện còn kéo dài. Chúng tôi có những khoản đầu tư nhưng quá trình xin giấy phép đầu tư mất cả tháng. Một tháng có thể không quá lâu với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn nhưng có thể giết chết những đơn vị khởi nghiệp. Vì vậy quỹ hy vọng việc này sẽ được thay đổi để các đơn vị tiếp cận vốn nhanh hơn.
|
MAI PHƯƠNG