Người dân quá thiếu thông tin khi mua căn hộ dự án
Những ngày qua, thông tin hơn 100 dự án bất động sản ở TP.HCM bị “đóng băng”, rồi lại đến tin 124 dự án được tháo gỡ, có khi là 160 dự án vướng mắc… khiến những người đã và đang có ý định mua căn hộ càng lo lắng.
Người dân quá thiếu thông tin khi mua căn hộ dự án
Những ngày qua, thông tin hơn 100 dự án bất động sản ở TP.HCM bị “đóng băng”, rồi lại đến tin 124 dự án được tháo gỡ, có khi là 160 dự án vướng mắc… khiến những người đã và đang có ý định mua căn hộ càng lo lắng.
Người dân cần được cung cấp một kênh thông tin tin cậy để theo dõi các dự án – Ảnh minh hoạ: GIA TIẾN
Dự án nào đang vướng thủ tục pháp lý, dự án nào bị tạm ngưng hoặc ngưng vô thời hạn, dự án nào sẽ tiếp tục lẽ ra là thông tin cần được công khai từ những năm trước – khi bắt đầu có những tin tức về việc ngưng trệ này.
Người mua thiệt đủ đường
Thế nhưng, thực tế chỉ có người mua căn hộ, người đã đóng tiền cọc hoang mang tự đi liên hệ chủ đầu tư, tự tìm hiểu trên các phương tiện truyền thông rồi tự quyết định số phận căn hộ tương lai.
Thậm chí người dân kéo đến công ty bất động sản giăng băng rôn đòi trả lại tiền cọc, hoặc đòi một câu trả lời minh bạch nhiều khi cũng không có hoặc có nhưng không rõ ràng, như trường hợp xảy ra với dự án An Sinh (Q.8), Charmington Iris (Q.4), Botanica Premier (Q.Phú Nhuận)…
Trình tự mua căn hộ của một người dân bình thường sẽ như thế này: người mua tự tìm kiếm dự án nào đang chào bán ở khu vực mình muốn mua; liên hệ số điện thoại trên web; được thuyết phục bằng những mỹ từ như view đẹp, nhiều tiện ích, kết nối giao thông hoàn hảo, giá rẻ không đâu bằng; ký giấy giữ chỗ với dịch vụ môi giới.
Nhiều khi tới ngày đặt cọc 10% giá trị căn hộ, người mua cũng chỉ cần chuyển tiền qua ngân hàng trực tuyến cho chủ đầu tư là xong. Hai bên cũng không cần gặp nhau. Nếu phía người mua không yêu cầu đưa ra hồ sơ pháp lý, phía bán nhiều khi cũng “lơ” luôn.
Nếu mua trót lọt thì không sao, nhưng nếu vướng dự án mới xây móng thì ngưng, dự án “vẽ” (tức chưa có gì nhưng chủ đầu tư vẫn nhận đặt tiền giữ chỗ), dự án vi phạm pháp luật… thì coi như tiền đặt cọc (ít gì cũng trên dưới trăm triệu với căn hộ diện tích nhỏ) bị giam lại, căn hộ mơ ước trở nên xa vời.
Người mua khi đó cũng không biết tính thế nào: bỏ tiền tìm mua căn hộ khác hay là ráng đợi xem sao. Trong khi đó, họ có thể vẫn đang phải ở trọ để chờ. Và lòng tin bị mất. Ước mơ an cư bị đe dọa. Trong khi họ đang sống ở một đô thị phát triển nhất nhì Việt Nam.
Việc quản lý, công khai thông tin các dự án căn hộ cho người dân có khó không? – Ảnh minh hoạ: GIA TIẾN
Khi nào có kênh thông tin tin cậy?
Vậy việc quản lý, công khai thông tin các dự án căn hộ vướng mắc tại TP.HCM cho người dân có khó không? Xin thưa không, chỉ cần các đơn vị “chịu khó” vì người dân một chút. Còn đằng này, thực tế lại là tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, không giải quyết nhanh chóng dự án vướng mắc khiến doanh nghiệp và người dân cứ mãi chịu thiệt.
Vừa qua, dù có thông tin Sở Xây dựng TP.HCM đang tiến hành xây dựng một ứng dụng di động (dù khá muộn màng khi 4.0 đã bắt đầu từ lâu và người mua căn hộ đã quá thiệt thòi) giúp theo dõi tiến độ các dự án trên địa bàn và cho biết sẽ ra mắt vào cuối tháng 2-2019 nhưng đến nay vẫn chưa thấy đâu.
Mà không phải ai cũng rành rẽ chuyện sử dụng công nghệ trên điện thoại. Vậy tại sao Sở Xây dựng, các hiệp hội như Hiệp hội Bất động sản TPHCM không tạo một trang web, trên đó người dân muốn biết thông tin về dự án nào chỉ cần gõ tên. Tất tần tật thông tin chủ đầu tư, tiến độ, giấy phép, vướng mắc, điện thoại liên hệ… sẽ được cập nhật để người dân có thông tin kịp thời.
Như vậy, nguồn dữ liệu sẽ được cung cấp từ những cơ sở nhỏ hơn như đơn vị địa chính của phường xã, phòng tài nguyên môi trường của quận. Đừng để hoạt động mua bán bất động sản của thành phố cứ mãi như cái chợ, đẩy thiệt thòi về phía người mua trong khi các cấp quản lý mãi đưa ra viễn cảnh thành phố thông minh, thân thiện.