Ngày 27.3, Tập đoàn điện lực VN (EVN) ra Công văn 1532 hướng dẫn thực hiện đối với các dự án điện mặt trời trên mái nhà (ĐMT TMN). Theo đó, đối với chủ đầu tư ĐMT TMN là hộ gia đình, cá nhân không phát hành hóa đơn; hằng tháng bộ phận kinh doanh của công ty điện lực lập bảng kê thanh toán tiền điện trên hệ thống (CMIS), trình lãnh đạo đơn vị phê duyệt và chuyển sang bộ phận tài chính kế toán để thanh toán tiền điện cho chủ đầu tư. Nói một cách dễ hiểu là cá nhân và hộ gia đình bán điện cho EVN không cần có hóa đơn.
Điểm nghẽn đã được tháo
Công văn hướng dẫn trên đã giải quyết được hai vấn đề quan trọng là xem xét đến bên thứ 3 đầu tư cho các dự án ĐMT TMN và cơ chế ký kết hợp đồng (mua ĐMT TMN), cũng như thanh toán tiền điện cho khách hàng. Việc đo đếm sản lượng ĐMT TMN được thực hiện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ điện đo đếm hai chiều.
Nhiều hộ gia đình quan tâm tới mô hình này cho biết rất phấn khởi. GS-TS Lê Anh Tuấn (ĐH Cần Thơ) là một nhà đầu tư ĐMT TMN vừa nghiên cứu về năng lượng tái tạo, nói: “Chúng ta đã mất khá nhiều thời gian để giải quyết khó khăn về hóa đơn, điểm nghẽn quan trọng cho mô hình ĐMT TMN phát triển, và tôi đánh giá cao việc này”. TS Nguyễn Duy Khiêm (ĐH Quy Nhơn, Bình Định), nhận xét: “Đây là điều các hộ gia đình rất mong chờ”. Bởi theo TS Khiêm, thời gian qua, ông trực tiếp tham gia lắp đặt ĐMT TMN cho các hộ gia đình. Nhưng do vướng cơ chế hóa đơn nên họ chỉ lắp đặt công suất vừa đủ dùng trong gia đình mà không muốn đầu tư thêm để bán lên lưới. Chính vì vậy nếu có cơ chế trả tiền cho người dân thì mô hình này có thể sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.
Ông Trần Đình Sính, Phó giám đốc Trung tâm phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), nhận xét: Gỡ vướng hóa đơn cho ĐMT TMN không chỉ gỡ khó cho các hộ gia đình mà cả EVN. Ngay ở miền Bắc, nơi có lượng bức xạ thấp hơn các tỉnh miền Trung và Nam bộ cũng có nhiều người quan tâm và có nhu cầu lắp ĐMT TMN.
Vẫn tranh cãi về giá
Dù vui mừng vì tháo gỡ được vướng mắc hóa đơn nhưng nhiều người lại lo đến giá. Bởi hướng dẫn của EVN thực hiện cho cơ chế giá của Quyết định 11 của Thủ tướng Chính phủ (ban hành ngày 11.4.2017). Theo đó cơ chế giá mua ĐMT TMN là 9,35 UScent/kWh, sẽ hết hiệu lực vào ngày 30.6.2019. Theo Quyết định 11, chỉ những dự án lắp đặt và vận hành thương mại trong thời gian này mới được hưởng cơ chế giá nêu trên.
Sau thời điểm 30.6.2019, giá bán ĐMT TMN như thế nào vẫn phải chờ. Đáng quan tâm, theo dự thảo mới về cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT tại VN, giá bán điện sẽ được phân theo vùng. Cụ thể các tỉnh phía bắc giá tăng từ 9,35 UScent/kWh lên tới 10,87 UScent/kWh và giảm dần khi vào khu vực miền Nam chỉ còn 7,89 UScent/kWh. TS Lê Anh Tuấn lo ngại cơ chế phân vùng giá như dự thảo thay thế Quyết định 11 sẽ không khuyến khích được mô hình này phát triển ở những vùng có tiềm năng lớn. TS Nguyễn Duy Khiêm bổ sung: Dự thảo ưu tiên giá cao cho vùng có bức xạ thấp nhằm mục tiêu phát triển ĐMT phát triển hài hoà khắp cả nước. Đây có thể xem là kiểu phát triển cào bằng, không dựa trên tiềm năng lợi thế của từng vùng.
TS Tô Vân Trường (chuyên gia độc lập) lại cho rằng, phân cấp giá theo vùng là đúng, nếu không các nhà đầu tư chỉ quan tâm đầu tư ở trong nam. Mức giá ngoài bắc có thể cao hơn để bù lại những ngày tháng không có nhiều ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên theo TS Trường, nhà nước nên khuyến khích ưu tiên ĐMT cho từng hộ gia đình, như thế phù hợp với khả năng của nhà nước. Trung Quốc, Đức, Ấn Độ cũng làm như vậy.
CHÍ NHÂN