NASA lo lắng cho trạm không gian vì 400 mảnh vỡ từ vệ tinh bị Ấn Độ tiêu diệt
Giám đốc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) Jim Bridenstine nói việc Ấn Độ phá hủy vệ tinh là “khủng khiếp” vì đã tạo ra 400 mảnh vỡ trong quỹ đạo, đe doạ các phi hành gia trên Trạm Không gian Quốc tế (ISS).
NASA lo lắng cho trạm không gian vì 400 mảnh vỡ từ vệ tinh bị Ấn Độ tiêu diệt
Giám đốc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) Jim Bridenstine nói việc Ấn Độ phá hủy vệ tinh là “khủng khiếp” vì đã tạo ra 400 mảnh vỡ trong quỹ đạo, đe doạ các phi hành gia trên Trạm Không gian Quốc tế (ISS).Tên lửa A-SAT của Ấn Độ được phóng lên vào ngày 27.3 ẢNH CHỤP MÀN HÌNH RT
Ông Bridenstine đưa ra tuyên bố trên trong cuộc họp tại NASA, vài ngày sau khi Ấn Độ tuyên bố thực hiện thành công cuộc thử nghiệm phóng tên lửa tiêu diệt vệ tinh quỹ đạo thấp nhằm chứng minh năng lực của nước này trong lĩnh vực không gia vũ trụ, theo AFP.
“Chúng ta không thể theo dõi, truy vết tất cả mảnh vỡ trong không gian. Những gì chúng ta có thể theo dõi là mảnh vỡ có kích thước lớn hơn 10 cm và hiện chỉ có thể quan sát được 60 mảnh vỡ”, ông Bridenstine lưu ý.
Vệ tinh Ấn Độ bị phá hủy ở độ cao 300 km, thấp hơn so với vị trí của ISS và đa số vệ tinh khác trong quỹ đạo. Tuy nhiên, 24 mảnh vỡ vệ tinh Ấn Độ “vượt qua độ cao của ISS”, theo ông Bridenstine. “Đây là điều cực kỳ kinh khủng, không thể chấp nhận được và có nguy cơ đe doạ sự an toàn của các phi hành gia trên ISS”, giám đốc NASA cảnh báo.
Giám đốc NASA Jim Bridenstine lên án cuộc thử nghiệm diệt vệ tinh của Ấn Độ REUTERS |
Quân đội Mỹ đang quan sát các vật thể trong không gian và đánh giá nguy cơ va chạm đối với ISS cùng các vệ tinh của nước này. Hiện quân đội Mỹ theo dõi 23.000 vật thể lớn 10 cm trong không gian, trong đó có khoảng 10.000 mảnh vỡ. Trong số 10.000 mảnh vỡ này có 3.000 vật thể được tạo ra sau cuộc thử nghiệm diệt vệ tinh của Trung Quốc hồi năm 2007 ở độ cao 852 km.
Kết quả của cuộc thử nghiệm diệt vệ tinh từ Ấn Độ là nguy cơ mảnh vỡ va chạm ISS tăng 44% trong vòng 10 ngày tới, theo ông Bridenstine. Tuy nhiên, mối đe dọa này có thể giảm xuống qua thời gian do đa số mảnh vỡ sẽ bị thiêu rụi khi rơi vào bầu khí quyển trái đất.
Thủ tướng Narendra Modi ngày 27.3 tuyên bố Ấn Độ đã trở thành cường quốc không gian sau thử nghiệm thành công tên lửa bắn rơi vệ tinh trên quỹ đạo.
“Vào ngày 27.3, Ấn Độ đạt được thành tựu đáng kể và trở thành cường quốc không gian thứ 4 trên thế giới… Hệ thống vũ khí diệt vệ tinh A-SAT đã bắn trúng một vệ tinh đang bay trên quỹ đạo thấp của Trái đất”, ông phát biểu trực tiếp trên truyền hình và cho biết vệ tinh tham gia thử nghiệm ở độ cao 300 km.
Theo Thủ tướng Modi, Ấn Độ giờ đây có thể sánh vai cùng các cường quốc không gian khác gồm Mỹ, Nga và Trung Quốc. Ông cho biết vụ thử nghiệm mang tên Sứ mệnh Shakti đã hoàn tất trong vòng 3 phút, đồng thời nhấn mạnh rằng đây là bước tiến quan trọng nhằm đảm bảo an toàn, tăng trưởng kinh tế và phát triển công nghệ của đất nước.
Ông cũng trấn an cộng đồng quốc tế rằng “năng lực của chúng tôi sẽ không sử dụng để chống lại bất cứ ai… Chúng tôi chống lại việc đưa vũ khí lên không gian”.
PHÚC DUY