Liệu VN có thể không vướng trong quan hệ với Mỹ và Nga?
Đó là các quan hệ “đối tác cùng chí hướng” hay “bạn cũ”? Chuyên gia Anton Tsvetov – nhà phân tích chính sách khu vực Đông Nam Á tại Nga,có bài viết riêng cho Tuổi Trẻ.
Liệu VN có thể không vướng trong quan hệ với Mỹ và Nga?
Đó là các quan hệ “đối tác cùng chí hướng” hay “bạn cũ”? Chuyên gia Anton Tsvetov – nhà phân tích chính sách khu vực Đông Nam Á tại Nga,có bài viết riêng cho Tuổi Trẻ.Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch (trái) và Bộ trưởng quốc phòng Nga Sergey Shoigu duyệt đoàn quân danh dự trong chuyến thăm của ông Shoigu tại Hà Nội – Ảnh: REUTERS
Tuần trước, Việt Nam chào đón liên tiếp bộ trưởng quốc phòng của hai đối tác trọng yếu: Bộ trưởng quốc phòng Nga Sergey Shoigu và Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis. Những nhà quan sát lâu năm về chính sách ngoại giao đã quen thuộc với việc cân bằng một cách cẩn trọng của Việt Nam.
Không lệ thuộc
Những ví dụ gần đây về chính sách ngoại giao cân bằng là các chuyến thăm xoay vòng của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau Hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng tháng 11-2017, hay chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Matxcơva vào tháng 5-2016 ngay thời điểm Việt Nam chuẩn bị đón tiếp Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Các chuyến thăm của ông Shoigu và ông Mattis phản ánh đúng phong cách và nội hàm như trên. Cả hai không chỉ gặp gỡ người đồng cấp là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch, mà còn gặp Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Điều này cho thấy chuyến thăm không chỉ đơn thuần là sự kiện quốc phòng, mà còn là sự tái cam kết về hợp tác chiến lược dài hạn.
Cả hai mối quan hệ hợp tác quốc phòng của Việt Nam vừa nêu lúc này đều dựa trên những kế hoạch hợp tác ba năm. Đối với Mỹ là cam kết đạt đồng thuận hồi tháng 10 năm ngoái, đối với Nga là kết quả từ chính lần ghé thăm này.
Hai chuyến thăm đều mang tới tin vui cho Việt Nam. Ông Mattis tái xác nhận ý định đưa tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam vào tháng 3 năm nay, còn ông Shoigu tuyên bố Nga đang thương lượng hợp đồng bán hệ thống tên lửa phòng không S-400 với “các nước Đông Nam Á”. Cần nhắc lại là lâu nay đã có những tin đồn về các cuộc thảo luận này.
Phong cách cân bằng chiến lược ấy đã trở nên quen thuộc trong chính sách ngoại giao của Việt Nam từ giữa những năm 1990. Đây có lẽ là cách duy nhất Việt Nam có thể duy trì sự tự chủ về chiến lược và không trở thành một nước lệ thuộc vào bất kỳ cường quốc nào trong khu vực hiện nay.
Thách thức mới
Khi căng thẳng giữa các cường quốc trên leo thang, chiến lược cân bằng dĩ nhiên trở nên phức tạp hơn. Ví dụ sống động cho trường hợp này là tuyên bố gần đây của Bộ Ngoại giao Mỹ, nói rằng các đơn hàng máy bay chiến đấu Su-30 của Nga bán sang Myanmar thì chắc chắn chúng sẽ được quân đội dùng trong các hoạt động chống lại cộng đồng Hồi giáo thiểu số tại bang Rakhine.
Mặc dù không có lý do để tin rằng các máy bay này sẽ (hoặc thậm chí có thể) dùng cho mục đích nêu trên, và ngay bản thân Myanmar cũng được biết có thể tự do mua những hệ thống vũ khí từ bất kỳ ai mà họ cho rằng phù hợp, thì đây là trường hợp đáng lo ngại khi căng thẳng Nga – Mỹ ở các lĩnh vực khác, khu vực khác đang tràn vào chính trị của khu vực Đông Nam Á.
Tác động theo kiểu lan tràn này phô bày sự nguy hiểm cho cả chính sách của Nga đối với Đông Nam Á lẫn sự tự chủ của Việt Nam trong khu vực.
Đối với Nga, xuất khẩu vũ khí và hợp tác quân sự với Việt Nam không chỉ có giá trị thương mại, mà còn là cách thức quan trọng để chứng minh sự hiện diện có ý nghĩa của Nga trong khu vực, vốn dĩ là thành tố quan trọng trong chính sách châu Á của Nga.
Chuyến thăm của ông Shoigu tới Myanmar, Lào và Việt Nam cũng như việc ông tham gia các cuộc họp thuộc Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) ở Manila (Philippines) tháng 11 năm ngoái là tín hiệu mạnh mẽ cho thấy Nga dự định duy trì tư thế một nhân tố trong thị trường Đông Nam Á, xét về vũ khí và hỗ trợ quân sự trong việc cứu trợ thiên tai, xây dựng năng lực hàng hải và chống khủng bố.
Với Việt Nam, Nga lâu nay đã là đối tác thương mại vũ khí tin tưởng, có thể giúp họ tăng cường năng lực cho các vấn đề trên biển để ngăn các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, đơn cử là thông qua các hợp đồng tàu ngầm lớp Kilo hay tàu hộ vệ lớp Gepard.
Một đặc trưng quan trọng của Nga trong tư cách một nhà cung cấp vũ khí là Matxcơva không yêu cầu bất kỳ sự thay đổi nào từ phía Việt Nam. Đây cũng là một cách dàn xếp thoải mái cho bản thân Trung Quốc nữa, khi chiều hướng tích cực trong quan hệ Nga – Trung được coi như “sự đảm bảo” rằng Nga không đi quá xa.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (trái), chủ trì lễ đón chính thức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tại Hà Nội ngày 25-1 – Ảnh: REUTERS
Ba tình huống
Trong vài thập kỷ qua, các nghị sĩ Mỹ đều rất hiểu mối quan hệ quốc phòng đặc biệt mà Việt Nam đang có với Nga. Nhưng hiện nay có ba tình huống ảnh hưởng:
Thứ nhất, chính quyền Mỹ hiện tại không phải lúc nào cũng tôn trọng quan hệ Mỹ xây dựng trong quá khứ. Liệu ta có thấy sự thay đổi trong chiến lược quốc phòng của Mỹ đối với quan hệ Việt Nam – Nga không?
Nếu quan hệ giữa Việt Nam với Nga trở thành cản trở cho Hà Nội trong mắt người Mỹ, Washington sẽ thay đổi quan điểm chiến lược rất nhanh”
Anton Tsvetov – nhà phân tích chính sách khu vực Đông Nam Á tại Nga
Thứ hai, mô hình “bộ tứ” (gồm Mỹ – Ấn Độ – Nhật Bản – Úc) đang trỗi dậy trở lại, cho thấy ý định xây dựng một phản ứng mạnh mẽ và chủ động hơn đối với sự quyết đoán của Trung Quốc ở châu Á – Thái Bình Dương. Cả chiến lược an ninh quốc gia Mỹ lẫn việc nhìn nhận của ông Mattis về Việt Nam như “đối tác cùng chí hướng” đều cho thấy Việt Nam cùng các quốc gia Đông Nam Á sẽ được mời gọi tham gia vào sự bố trí mới này.
Thứ ba, quan hệ đi theo hình xoắn ốc của Nga và Mỹ tiếp tục, và nhiều khả năng năm 2018 không phải thời điểm dễ thở nhất trong lúc này. Cách mà câu chuyện về sự can thiệp bầu cử của Nga “gây rối” nội bộ Mỹ có thể đồng nghĩa một Washington sau thời ông Trump sẽ là chính quyền chống Nga nhất trong nhiều thập niên qua. Xét tới sự phát triển quan hệ Việt – Mỹ và sự cạnh tranh Mỹ – Trung, các nghị sĩ Mỹ trong tương lai có thể không thoải mái với quan hệ truyền thống Việt – Nga.
Hi vọng duy nhất ở đây là khi những suy nghĩ ấy sẽ lan truyền nơi Bắc Kinh, Matxcơva và Washington, thì Hà Nội sẽ làm tốt nhất để cho thấy chính sách của mình với cả ba chính quyền.
NHẬT ĐĂNG chuyển ngữ