28/11/2024

Mạnh dạn chọn ngành mình yêu thích

Đó là thông điệp mà các thầy cô trong ban tư vấn tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2018 ở TP.HCM gửi đến các thí sinh.

 

Mạnh dạn chọn ngành mình yêu thích

Đó là thông điệp mà các thầy cô trong ban tư vấn tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2018 ở TP.HCM gửi đến các thí sinh.
 

 

 

Mạnh dạn chọn ngành mình yêu thích - Ảnh 1.

Các bạn học sinh thử trải nghiệm chơi cờ tướng với robot của Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TP.HCM – Ảnh: HỮU THUẬN

Ngày hội diễn ra trong ngày 28-1, thu hút hơn 20.000 lượt thí sinh, phụ huynh, giáo viên ở TP.HCM và các tỉnh thành như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Lâm Đồng, Tiền Giang, Tây Ninh, Đồng Tháp, An Giang… tham dự.

Ngày hội do báo Tuổi Trẻ, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) phối hợp tổ chức, với sự hỗ trợ của Bộ GD-ĐT, sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup. Dịp này Trường ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM và ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) cũng đã hỗ trợ đưa thí sinh vùng sâu, vùng xa về dự ngày hội.

“Đừng từ bỏ ước mơ”

Sân Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) trong ngày 28-1 đầy sắc màu của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trung tâm đào tạo nghề…

Các trường kỹ thuật mang đến ngày hội robot, máy in 3D, xe tự động, mô hình máy bay, máy phun thuốc tự động; các trường du lịch lại trình diễn pha chế nước trái cây cho thí sinh thưởng thức tại chỗ; các trường đào tạo ngành sức khoẻ trưng bày mô hình người, hướng dẫn các bước lấy máu xét nghiệm để thí sinh… thử làm điều dưỡng. Gian nào cũng đầy các thí sinh đến tìm hiểu ngành nghề.

Xen giữa 200 gian tư vấn của 150 trường là ba khu vực tư vấn nhóm ngành khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, kinh tế và tư vấn tâm lý, sức khoẻ mùa thi. Tại các gian này, thí sinh, phụ huynh liên tục giơ tay đưa ra thắc mắc của mình.

Mạnh dạn chọn ngành mình yêu thích - Ảnh 2.

Ban tư vấn nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, nông lâm…đang giải đáp thắc mắc của thí sinh – Ảnh: NHƯ HÙNG

 

Ở khu vực tư vấn nhóm ngành khoa học tự nhiên – kỹ thuật – nông lâm – công nghệ…, một thí sinh THPT Chợ Gạo (Tiền Giang) giơ tay nói bạn thích ngành công nghệ thông tin, nhưng chỉ có một cánh tay thì có thể theo học ngành này không? 

PGS.TS Hồ Thanh Phong – hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) – trả lời: “Trường tôi có một sinh viên khiếm thị học ngành công nghệ thông tin và học rất giỏi. Bạn vừa tốt nghiệp đã ứng tuyển và qua Singapore làm việc. 

Em có một tay, đừng lo, hãy mạnh dạn đăng ký học ngành này. Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ của mình. Khi mình yêu ngành nghề thì ngành nghề mới yêu mình và gắn bó”.

Chia sẻ thêm với bạn này, ông Đỗ Văn Giang – phó vụ trưởng Vụ đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp – cho biết các bậc học đều có chính sách hỗ trợ người khuyết tật. “Em hãy tự tin và mạnh dạn đăng ký học theo sở thích của mình, để có nghề nghiệp lập thân lập nghiệp sau này” – ông Giang nói.

Quan tâm tiếng Anh, du lịch

Tại ngày hội, rất nhiều thí sinh đặt câu hỏi liên quan đến tiếng Anh. Trong khu vực tư vấn nhóm ngành khoa học xã hội, bạn Phan Duy Khánh (học sinh Trường THPT Chu Văn An) thắc mắc việc học tiếng Anh lĩnh vực du lịch ở trường ĐH. 

TS Phạm Tấn Hạ – phó hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho biết tại trường này có đào tạo ngành du lịch, với các chuyên ngành: hướng dẫn du lịch, quản trị nhà hàng khách sạn, quản trị lữ hành. 

Mạnh dạn chọn ngành mình yêu thích - Ảnh 3.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tại gian tư vấn của các trường ĐH, CĐ… tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2018 tại TP.HCM – Ảnh: N.HÙNG

 

“Đây là ngành có điểm chuẩn rất cao của trường. Trong chương trình đào tạo ngành này có đào tạo tiếng Anh du lịch. Riêng nhóm ngành quản trị nhà hàng khách sạn, chúng tôi đang hướng tới đào tạo thực hành để cung cấp nguồn nhân lực cho các khách sạn 5 sao. 

Nếu em thực sự yêu thích ngành học này, cảm thấy mình đủ năng lực theo học, có thể lựa chọn hướng đi trên” – thầy Hạ chia sẻ.

Trong khi đó, một cô giáo đặt câu hỏi: với nhóm học sinh trung bình yếu, tiếng Anh không tốt, nên hướng các em ra sao? Chia sẻ với cô giáo, PGS.TS Nguyễn Văn Thư – hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM – cho rằng học ĐH rất khác so với phổ thông. 

Kiến thức nền tảng bậc ĐH khá khó, nên những thí sinh có học lực trung bình không nên đăng ký học ĐH, nhất là nhóm ngành kỹ thuật. Bởi thời gian qua nhiều sinh viên đã bị đình chỉ học do kết quả không đạt yêu cầu.

“Với những học sinh có học lực trung bình yếu như vậy, tôi chân thành khuyên các em nên chọn học cao đẳng, trung cấp. Hiện nay, nhiều trường ĐH tuyển đầu vào khá dễ, nhưng nếu có học lực trung bình và yếu, khi trúng tuyển rồi vẫn có nguy cơ bị đình chỉ học tập do kết quả kém. 

Hơn nữa, các trường ĐH đều có chuẩn đầu ra tiếng Anh. Nếu các em không có kiến thức nền tảng tiếng Anh, khi vào ĐH sẽ khó đáp ứng chuẩn đầu ra. Như thế sẽ rất lãng phí cho chính các em và gia đình” – thầy Thư nói thêm.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc:

Giúp thí sinh tìm hiểu sâu ngành yêu thích

Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ tổ chức luôn là sự kiện được đông đảo thí sinh, phụ huynh cả nước quan tâm, chờ đợi trước mỗi kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ. Bên cạnh những nội dung trên, thí sinh còn có thể tìm hiểu sâu về các ngành nghề mà mình yêu thích, các nghề đang có sức hút lớn trên thị trường lao động. Đó là những thông tin rất bổ ích, hỗ trợ các em trong chọn trường, chọn ngành phù hợp.

TS Nguyễn Hồng Minh (tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH):

Cử chuyên gia am tường tư vấn cho thí sinh

Năm 2018 Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tiếp tục cử các chuyên gia về giáo dục nghề nghiệp, am tường nhu cầu thị trường lao động, xu hướng lựa chọn ngành nghề trực tiếp tư vấn cho thí sinh, phụ huynh trong tất cả các chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ tổ chức.

Mạnh dạn chọn ngành mình yêu thích - Ảnh 5.

MINH GIẢNG – TRẦN HUỲNH