Nguy cơ sạt lở nghiêm trọng vùng ven biển Mê Kông
Sụt lở khu vực ĐBSCL gây tác động từ lớn đến nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống và kinh tế vùng.
Nguy cơ sạt lở nghiêm trọng vùng ven biển Mê Kông
Sụt lở khu vực ĐBSCL gây tác động từ lớn đến nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống và kinh tế vùng.
Sạt lở đê biển ở Cà Mau ẢNH: CÔNG HÂN
Nhận định trên được đưa ra tại hội thảo tổng kết dự án “Nghiên cứu quá trình xói lở vùng ven biển hạ lưu sông Mê Kông (LMDCZ) và các biện pháp để bảo vệ vùng ven biển Gò Công và U Minh”, do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) – Liên minh Châu Âu (EU) và Viện Khoa học thuỷ lợi miền Nam (SIWRR) tổ chức hôm qua (26.1) tại TP.HCM. Hội thảo tập trung thảo luận kết quả 2 nghiên cứu khoa học về tình trạng xói mòn bờ biển tại tỉnh Cà Mau và Tiền Giang, do EU và AFD hỗ trợ.
Lượng phù sa mất đến 50%
Ông Alejandro Montalban, Trưởng ban Hợp tác và phát triển EU tại VN, nhấn mạnh: “Dựa trên các kết quả nghiên cứu, sẽ có một chương trình gồm các biện pháp thích ứng cứng và mềm, bao gồm xây dựng đê, phục hồi rừng ngập mặn và nâng cao năng lực để tăng cường phát triển bền vững và quản lý môi trường”.
Kết quả nghiên cứu cho thấy do tác động từ vùng thượng lưu như khai thác thủy điện và khai thác cát các cùng hạ lưu, khối lượng phù sa về vùng ĐBSCL chỉ còn khoảng 25 – 35% so với thời điểm trước những năm 90 của thế kỷ trước và so với vài năm trở lại đây, lượng phù sa cũng chỉ còn 50 – 60%. Dự báo trong tương lai gần, khi các đập thủy điện trên dòng chính của các nước được xây hoàn tất, lượng phù sa đổ về đồng bằng chỉ còn 10 – 20% so với thế kỷ trước.
Xói lở bờ biển tăng do lượng bùn cát đến các vùng ven biển hạ lưu sông Mê Kông giảm. TS Văn Phạm Đăng Trí, thuộc Đại học Cần Thơ, nhận định: “Tình trạng sụt lún vùng ven biển khu vực ĐBSCL đang diễn ra rộng khắp vùng, đặc biệt xảy ra nghiêm trọng tại các vùng đất thấp”.
Hiện tượng xói lở tại hai dòng sông Tiền và sông Hậu đã “gây tác động từ lớn đến nghiêm trọng” đến thu nhập của vùng. Cụ thể, tổng sản lượng cá đánh bắt của VN và Campuchia sẽ giảm từ 48 – 55%. Một số loài cá nước ngọt có thể bị diệt chủng như đã từng xảy ra với loài cá heo nước ngọt Irrawady tại sông Mê Kông. Sau khi đập thuỷ điện tại Lào hoàn tất, loại cá quý đó cũng “biến mất” luôn. “Bên cạnh đó, làm mất đi 10% tổng các loại cá trên dòng sông chính này”, một chuyên gia phân tích.
Thiệt hại 760 triệu USD mỗi năm
Từ các đánh giá tác động, các chuyên gia tính toán khoảng 1,6 triệu người dân trong khu vực đồng bằng sẽ bị tác động do gia tăng xâm nhập mặn. Đặc biệt, các tác động này ảnh hưởng lớn đến sinh kế của người dân, thu nhập của nhà sản xuất có thể giảm đến 50%. Ước tính, thiệt hại kinh tế hằng năm của VN khoảng 15.800 tỉ đồng (tương đương khoảng 760 triệu USD) do sụt giảm sản lượng nông nghiệp và thuỷ sản.
ĐBSCL hiện nằm trong nhóm những vùng đồng bằng trên thế giới chịu tác động mạnh nhất của hiện tượng nước biển dâng. Đánh giá về kết quả nghiên cứu, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng khẳng định nghiên cứu khoa học với sự hỗ trợ của AFD và EU là rất quan trọng. “Đằng sau việc sụt lún, ảnh hưởng lớn nhất là bị mất phù sa bồi đắp, khiến quá trình hình thành tiến ra biển của ĐBSCL bị buộc phải dừng lại. Chính vì vậy, chúng ta mới bị chịu tác động ngược lại như biến đổi khí hậu, biển lấn vào đất liền, mất đất đai và quá trình diễn ra quá nhanh…”, ông Thắng nói.
Tuy nhiên, ông Thắng cũng lưu ý, việc sụt lún nói trên có tác động từ nhiều nguyên nhân, mà phát triển thiếu bền vững từ thượng nguồn Mê Kông chỉ là một trong những nguyên nhân lớn. Sự phát triển thiếu bền vững ngay ở khu vực đồng bằng như khai thác cát bừa bãi, khai thác nước ngầm quá mức, xâm lấn vùng ngập mặn… rất đáng báo động nhưng đôi khi ít được đề cập trong nghiên cứu. Bên cạnh đó, lấy ví dụ từ vấn nạn xói lở thường xuyên các vùng rừng ngập mặn, đại diện Bộ NN-PTNT cho rằng cần có giải pháp phục hồi sớm một số rừng ngập mặn.
Theo Bộ NN-PTNT, một số vùng rừng ngập mặn đang “mỏng” như tại tỉnh Cà Mau đoạn Gành Hào đi xuống, vùng biển đang xói lở mạnh. Vùng Biển Tây của tỉnh Kiên Giang, vùng rừng ngập mặn U Minh, Cà Mau, Bạc Liêu, biển Gò Công… cần có giải pháp cấp bách.
Phát triển mô hình kinh tế “giữ” nước cho ĐBSCL
Ngày 26.1, tại H.Tháp Mười (Đồng Tháp) diễn ra hội thảo khởi động dự án “Thí điểm mô hình sinh kế dựa vào nước lũ nhằm hỗ trợ chiến lược trữ nước cho ĐBSCL”, do Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) và ngành nông nghiệp 3 tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Long An tổ chức.
Theo ông Andrew , Quản lý chương trình IUCN vùng ĐBSCL, dự án sẽ tập huấn và hỗ trợ cho nông dân 3 tỉnh trên để triển khai mô hình sinh kế dựa vào mùa lũ với chi phí thấp và hiệu quả về kinh tế, nhằm thay thế cho canh tác lúa vụ 3 không bền vững. Đặc biệt, dự án sẽ đầu tư vào diện tích đất khoảng 450 ha để làm mô hình sinh kế, từ đó giúp bảo tồn và phục hồi khả năng hấp thu lũ khoảng 6,7 triệu m3 nước mỗi năm. Dự án có tổng kinh phí 550.000 USD, sẽ được phân bổ thực hiện trong 3 năm.
Đình Tuyển
|