BOT nóng trong hội thảo về kinh tế Việt Nam
Đó là nội dung đáng chú ý tại hội thảo ‘Kinh tế VN và triển vọng 2018: Vững bước cải cách’ diễn ra ngày 25.1, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) phối hợp với Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế VN tổ chức.
BOT nóng trong hội thảo về kinh tế Việt Nam
Đó là nội dung đáng chú ý tại hội thảo ‘Kinh tế VN và triển vọng 2018: Vững bước cải cách’ diễn ra ngày 25.1, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) phối hợp với Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế VN tổ chức.
Nền kinh tế của VN còn nhiều rào cản, đặc biệt là đầu tư BOT bị biến tướng ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG
Chủ trương đúng nhưng triển khai, thực hiện không đúng
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM, nhìn nhận về khía cạnh của đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo hình thức xây dựng, kinh doanh, chuyển giao (BOT), năm 2018, Chính phủ vẫn sẽ phải giải quyết các vấn đề nóng. Chính sách về BOT như chỉ định đầu tư, cho thu phí đường này để bù đường khác, cho trải thảm đường BOT mới trên con đường cũ là sai từ đầu, chứ không phải giữa chừng. “Khi huy động tư nhân đầu tư BOT, đáng lẽ ra chỉ nên coi đây là hình thức bổ sung cho ngân sách, chứ không thể thay thế ngân sách cho nhà nước được. Tuy nhiên, nhiều nơi chúng ta làm thay thế, như vậy là sai”, ông Cung khẳng định.
Lãnh đạo CIEM phân tích thêm, phí BOT bản chất là dùng cái gì thì người dân trả phí cái đó, không thể bắt người dân trả tiền thứ người ta không dùng. Song, ngành giao thông lại dùng khái niệm phí “trong phạm vi dự án” là thuật ngữ tù mù, sai lệch gây tác động xấu. Ông Cung dẫn chứng, cách đánh thuế và phí đường này để bù đắp đường kia là sai, việc cho phép đánh thuế và phí phải là quyền của Quốc hội, ở VN không ai có quyền đánh thuế và phí đường cả.
“Những việc này cần thay đổi, theo hướng cải cách chính sách, còn giải quyết các hệ lụy của BOT hiện tại chỉ là bổ sung. Thu phí đường này để bù đường kia vì nhà đầu tư BOT phải huy động vốn chẳng khác nào bắt dân mình là “con tin của BOT”, ông Cung chỉ trích.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng chỉ ra các nút thắt từ điểm nóng BOT và cho rằng chủ trương đúng nhưng triển khai, thực hiện không đúng, thu phí chưa hợp lý khiến người dân bức xúc. Bên cạnh đó, bà Lan đặt vấn đề, năm 2017 đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhưng lợi ích cho người lao động được bao nhiêu? Thách thức giữa doanh nghiệp (DN) với người lao động, chia sẻ lợi ích giữa nhà nước với DN giải quyết như thế nào? Bên cạnh đó là việc đề xuất tăng thuế, phí bị phản đối nhiều, nhưng có lẽ ngành tài chính vẫn muốn thu thêm, cũng gây lo ngại đến tâm lý xã hội.
Xuất khẩu hộ, gia công, may vá
Đặc biệt, theo bà Lan, năm 2018, một trong những điều nên quan tâm là quy luật chu kỳ 10 năm của nền kinh tế được lặp lại. Liệu các cú sốc nền kinh tế năm 2018 – 2019 có trở lại như chu kỳ 2008 – 2009 hay không? “Năm 2017, tôi vẫn lo ngại về thành tích xuất khẩu. Tôi rất sợ nói VN đã xuất siêu, vì Hàn Quốc bao nhiêu năm người ta mới nói họ là nước xuất khẩu. Trong khi đó, VN xuất khẩu xuất phát từ làm gia công, công nghiệp phụ trợ chưa đóng góp được ngành công nghiệp trong nước, thành tích đó nằm trong tay nhà đầu tư nước ngoài”, chuyên gia Phạm Chi Lan cảnh báo.
Cũng theo bà Lan, VN làm gia công 70% cho bên ngoài nên vốn chỉ được xem như một quốc gia xuất khẩu hộ. Do đó, cần hiểu rõ vấn đề này để không bị chạy theo thành tích ảo, không thực chất của nền kinh tế. “Trung Quốc là nơi xuất khẩu nhiều sang VN, họ không cần tham gia TPP hay ký FTA với EU, trong khi đó, VN là người tham gia vào các hiệp định này. Cái bất lợi thì chúng ta hứng chịu, nhưng lợi họ được hưởng”, bà Lan chia sẻ.
Đồng tình quan điểm trên, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng CIEM, cho rằng xuất khẩu của VN chủ yếu may vá, giá trị gia tăng rất kém. Bên cạnh đó, nhiều DN vẫn cho biết chi phí không chính thức mà DN bỏ ra không những không giảm, mà còn có dấu hiệu tăng lên. Cùng với đó là tiến trình cải cách khu vực DN nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công còn nhiều hạn chế. Để đạt được mức tăng trưởng cao và bền vững hơn trong năm 2018, VN cần tích cực hơn nữa trong cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí không chính thức cho khu vực DN. Cùng với đó, cần thúc đẩy nền kinh tế thị trường và khuyến khích khu vực DN đầu tư cho khoa học công nghệ, tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Trạm BOT Quảng Trị giảm giá, dân vẫn né, đi đường vòng
Sáng 25.1, Trạm thu phí BOT Quảng Trị (đóng trên QL1, đoạn qua xã Triệu Giang, H.Triệu Phong) đã chính thức giảm giá vé cho các phương tiện mà chủ sở hữu có hộ khẩu cách trạm 10 km (giảm trung bình 50% cho các phương tiện). Dù vậy, tại con đường làng đi qua xã Triệu Giang (H.Triệu Phong) vẫn có khá đông xe ô tô chạy vào để né trạm thu phí. Hiện tại, con đường này lổm chổm ổ gà vì lâu nay phải hứng chịu lượng ô tô khủng, khoảng 1.000 lượt/ngày né trạm.
Tương tự, Trạm thu phí BOT Tam Kỳ (xã Tam Xuân 1, H.Núi Thành, Quảng Nam) đã có thông báo tiếp tục giảm giá dịch vụ qua trạm từ ngày 1.2. Theo đó, các xe dưới 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn đến dưới 4 tấn sẽ được giảm 5.000 đồng/lượt so với mức giá hiện tại; xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe có tải trọng từ 4 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 20 feet, 40 feet giảm 10.000 đồng/lượt so với giá hiện tại.
Nguyễn Phúc – Mạnh Cường
|