Hàng Việt ‘lột xác’, chinh phục thị trường khó tính
Sau trái vú sữa Lò Rèn, mới đây một doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu thành công sản phẩm sữa bột pha sẵn sang Mỹ, một trong những thị trường khó tính.
Hàng Việt ‘lột xác’, chinh phục thị trường khó tính
Sau trái vú sữa Lò Rèn, mới đây một doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu thành công sản phẩm sữa bột pha sẵn sang Mỹ, một trong những thị trường khó tính.
Một số loại trái cây xuất khẩu sang Mỹ hàng tuần, và “hàng sang tới đâu được tiêu thụ hết tới đó”.
Sữa bột pha sẵn lần đầu sang Mỹ
Ngày 18-1, Công ty CP thực phẩm dinh dưỡng NutiFood đã ký hợp đồng với Công ty thực phẩm Delori (Mỹ) để xuất khẩu sữa sang Mỹ. Theo đó, Công ty thực phẩm Delori sẽ nhập khẩu và phân phối sữa bột pha sẵn dành cho trẻ biếng ăn Pedia Plus vào khoảng 300 siêu thị tại bang Califonia (Mỹ).
Đây là doanh nghiệp (DN) đầu tiên của VN xuất khẩu thành công sữa bột pha sẵn vào thị trường Mỹ, quốc gia có ngành chăn nuôi bò sữa, chế biến và xuất khẩu sữa hàng đầu thế giới.
Ông Trần Thanh Hải, chủ tịch HĐQT NutiFood, cho biết để có được hợp đồng xuất khẩu sản phẩm này sang thị trường Mỹ, DN đã mất hơn một năm đàm phán với đối tác.
DN cũng phải đầu tư hàng loạt thiết bị, dây chuyền sản xuất công nghệ hiện đại nhằm đảm bảo sản phẩm được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn xuất khẩu vào Mỹ, được Tổ chức kiểm nghiệm độc lập Michelson Laboratories (Mỹ) kiểm nghiệm và chứng nhận tiêu chuẩn của FDA.
Theo ông Hải, dự kiến doanh thu xuất khẩu năm đầu tiên ước đạt 20 triệu USD và được phân phối vào hơn 300 siêu thị của Mỹ kể từ tháng 4-2018. Trong năm năm tới, DN kỳ vọng doanh thu sẽ tăng lên 100 triệu USD/năm cùng hệ thống phân phối được mở rộng khắp nước Mỹ.
Ngoài ra, ông Hải cho biết DN sẽ mở rộng các sản phẩm khác phù hợp để xuất khẩu qua thị trường Mỹ thông qua đối tác Delori.
Ông Jaime Brown, chủ tịch Công ty thực phẩm Delori, cho biết khi tìm hiểu về mặt hàng sữa, các dòng sản phẩm dinh dưỡng để mở rộng sản phẩm phân phối cho thị trường Mỹ, DN này rất ấn tượng khi biết đến NutiFood “như là một công ty sữa nội địa có thị phần số 1 trong ngành sữa đặc trị trẻ em VN với nhiều sản phẩm bổ sung dinh dưỡng, sữa đặc trị dành cho trẻ béo phì, biếng ăn…”.
Khi thử nghiệm tại Mỹ, sản phẩm PediaPLUS – dinh dưỡng đặc biệt dành cho trẻ biếng ăn của NutiFood – đã đáp ứng hàng loạt kiểm tra nghiêm ngặt về chất lượng theo tiêu chuẩn FDA, đánh giá của bộ phận khách hàng qua hệ thống siêu thị tại Mỹ và phản hồi tích cực từ người tiêu dùng sau khi được dùng thử sản phẩm…
“Chúng tôi đã tổ chức các buổi thử sản phẩm trực tiếp với người tiêu dùng Mỹ. Phản hồi nhận được rất tích cực, với lời khen tặng dành cho hương vị ngon và sản phẩm có chất lượng rất tốt” – ông Jamie Brown thông tin.
Hàng chủ lực đã có đơn hàng dài hạn
Trong khi đó, sau khi lô hàng vú sữa đầu tiên đi Mỹ vào cuối năm 2017, đến nay có thêm nhiều DN xuất khẩu loại trái cây này sang thị trường Mỹ.
Ông Nguyễn Đình Tùng, giám đốc Công ty TNHH Vina T&T, cho biết mỗi tuần công ty xuất khẩu 50-60 container (bằng máy bay) vú sữa sang Mỹ. Hàng sang tới đâu được tiêu thụ hết tới đó.
“Điều này có phần bất ngờ, bởi loại trái cây mới thường sẽ mất nhiều thời gian để người tiêu dùng Mỹ biết đến” – ông Tùng cho biết.
Cũng theo ông Tùng, Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu trái cây VN trong năm 2018 sau một năm 2017 thành công. Năm 2017, xuất khẩu các mặt hàng trái cây của DN này sang Mỹ đạt trên 20 triệu USD (gấp hơn 4 lần giá trị của năm 2016).
“Cùng với trái xoài sắp được vào Mỹ, các mặt hàng như chôm chôm, nhãn, thanh long… của VN vẫn được thị trường tiêu thụ tốt. Chúng tôi đặt kế hoạch tăng trưởng 60% vào thị trường Mỹ trong năm nay” – ông Tùng nói.
Ông Phạm Xuân Hồng, chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM (Agtek), cho biết gần 100% hội viên của Agtek đã có đơn hàng cho quý 1-2018, thậm chí hơn 60% có được thỏa thuận hợp đồng cho quý kế tiếp, trong đó trên 70% đơn hàng được thực hiện cho thị trường Mỹ.
Theo ông Hồng, các nhà đặt hàng đều đã “nhìn quanh” trước khi chọn VN là điểm đến đặt hàng, dù chi phí đầu vào sản xuất tại VN từ chi phí nhân công, lương cơ bản, mức đóng bảo hiểm xã hội, tiền thuê đất, nhà xưởng… đều tăng so với năm ngoái.
Giám đốc một DN giày dép xuất khẩu cũng cho biết gần 20 nhà máy vệ tinh của DN này đều đã có đơn hàng cho hai quý đầu năm 2018, thậm chí đàm phán xong cho cả quý 3-2018. “Sự thuận lợi này có được một phần từ các hiệu ứng tích cực của năm 2017, khi tăng trưởng xuất khẩu của ngành da giày nói chung đều vượt chỉ tiêu đề ra” – vị này nhận định.
Theo ông Diệp Thành Kiệt – phó chủ tịch Hiệp hội Da giày – túi xách VN (Lefaso), trong năm 2018, ngành da giày VN đặt mục tiêu tăng trưởng kim ngạch thêm 10% so với con số 14,3 tỉ USD xuất khẩu của năm trước, tương ứng trên 16 tỉ USD. Trong đó Mỹ – chiếm đến 42,53% kim ngạch xuất khẩu giày dép VN năm 2017 – vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành hàng này.
“Đơn hàng vẫn đổ vào chỗ trũng, mà VN vẫn là một trong những lựa chọn hàng đầu của các nhà đặt hàng lớn, uy tín của thế giới” – ông Kiệt khẳng định.
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh:
Cần nhiều doanh nghiệp thuần Việt
Con số 400 tỉ USD kim ngạch xuất nhập khẩu của VN đạt được trong năm 2017 là một thành tựu. Tuy vậy, trong những mặt hàng đóng góp cho kim ngạch xuất khẩu như linh kiện điện tử, máy tính hay hàng may mặc… thì hàm lượng giá trị giữ lại, hay nói cách khác là giá trị mà DN trong nước được hưởng và đóng góp ngân sách chỉ là một ít bao bì và gia công. DN có vốn nước ngoài đang “gánh” tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Để kim ngạch xuất khẩu có ý nghĩa, đã đến lúc nền kinh tế VN phải vượt lên, chứ không phải chỉ dựa vào đầu tư nước ngoài. VN cần có chiến lược về thu hút vốn nước ngoài hiệu quả và hữu ích hơn trong thời gian tới, trong đó sự đi lên của các DN nội, thuần Việt cần được nhân rộng và khích lệ.
Ông Phạm Quốc Liêm (tổng giám đốc Công ty CP Unifram):
Thay đổi để tham gia chuỗi cung ứng
Trong năm 2017, chúng tôi đã ký hợp tác và trở thành đơn vị độc quyền tại VN trồng và cung cấp chuối cho Tập đoàn Dole Asia, để xuất khẩu mặt hàng chuối cao cấp mang nhãn hiệu Dole sang các thị trường. Để có được hợp đồng độc quyền có thời hạn ban đầu là 10 năm với tập đoàn này, DN chúng tôi phải có sự thay đổi toàn diện, tuân thủ những điều kiện bắt buộc về vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa sử dụng thuốc hoá học và tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật trồng trọt theo yêu cầu của Dole Asia.
Dù đã có hơn 10 năm kinh nghiệm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao tại Bình Dương, chuyên cung cấp chuối và dưa lưới cho thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc…, nhưng việc hợp tác với Dole Asia sẽ giúp chúng tôi có thêm kinh nghiệm và công nghệ để tiếp tục mở rộng mô hình trái cây công nghệ cao. Với hàng ngàn hecta bưởi, cam, quýt… đang được canh tác, chúng tôi hi vọng không chỉ có chuối, mà những sản phẩm này cũng sẽ được lựa chọn để đưa vào chuỗi cung ứng của Dole Asia.
Tuy nhiên, để thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao phát triển và nhân rộng, Chính phủ cần hỗ trợ các DN xuất khẩu bằng những cơ chế, chính sách thuận lợi, chẳng hạn như miễn giảm tiền thuê đất nông nghiệp, ưu đãi về thuế, hỗ trợ vốn đầu tư… thay vì để các DN tự bơi như thời gian qua.