28/11/2024

Chính phủ Mỹ đóng cửa

Chính quyền liên bang Mỹ chính thức ngưng hoạt động từ 0 giờ ngày 20.1, đúng vào ngày kỷ niệm một năm nhậm chức của Tổng thống Donald Trump.

 

Chính phủ Mỹ đóng cửa

Chính quyền liên bang Mỹ chính thức ngưng hoạt động từ 0 giờ ngày 20.1, đúng vào ngày kỷ niệm một năm nhậm chức của Tổng thống Donald Trump.



 

Dự kiến sẽ có khoảng 850.000 công chức phải ngừng làm việc khi chính phủ đóng cửa	 /// AFP

Dự kiến sẽ có khoảng 850.000 công chức phải ngừng làm việc khi chính phủ đóng cửa

AFP

Bất chấp một loạt các nỗ lực chạy đua đến nghẹt thở trong những thời khắc cuối cùng, trong đó có cuộc thương thuyết vào giờ chót giữa Tổng thống Donald Trump và thủ lĩnh phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer, không có dự thảo bổ sung ngân sách nào được thông qua tại Thượng viện khi đồng hồ điểm 0 giờ ngày 20.1. Sau gần 2 giờ trì hoãn bỏ phiếu, kết quả cuối cùng lại là 50-49, trong khi phải cần ít nhất 60 phiếu để có thể bổ sung ngân sách cho phép chính phủ liên bang tiếp tục hoạt động cho đến ngày 16.2, theo Reuters. Hậu quả là chính phủ Mỹ chính thức đóng cửa, đánh dấu lần đầu tiên nước Mỹ trong thời hiện đại phải lâm vào tình trạng này khi một đảng kiểm soát được cả Nhà Trắng và Quốc hội.
Ngay lập tức Nhà Trắng lên tiếng đổ hoàn toàn trách nhiệm cho phe Dân chủ. “Đêm nay, họ (Dân chủ) đã đặt chính trị lên trên an ninh quốc gia, các gia đình quân nhân, những trẻ em dễ bị thương tổn, và cả năng lực của chúng ta trong việc phụng sự cho mọi công dân Mỹ”, Đài CNN dẫn lời thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders phát biểu trong cuộc họp báo ngay trước nửa đêm. Trước đó, phe thiểu số tại Thượng viện cương quyết không nhượng bộ vì dự luật do Hạ viện thông qua không đề cập đến việc bảo vệ hàng trăm ngàn người thuộc diện DACA, chương trình bảo hộ di dân nhập cảnh bất hợp pháp vào Mỹ từ nhỏ.
 

 
 

Hiện lãnh đạo đa số tại Thượng viện Mitchell McConnell đang tìm cách cứu vãn tình hình khi cho biết sẽ giới thiệu một dự thảo mới trong vài giờ tới, theo hướng cho phép chính phủ tiếp tục hoạt động đến ngày 8.2, phần nào đáp ứng yêu cầu của phe Dân chủ. Diễn biến xấu cũng đã buộc Tổng thống Trump hoãn lại kế hoạch bay đến Florida dự lễ ăn mừng kỷ niệm một năm nhậm chức, mà thay vào đó ở lại Washington để lèo lái chính phủ qua cơn bão. “Ông ấy sẽ không rời thủ đô cho đến khi chuyện này chấm dứt”, AFP dẫn lời Giám đốc Văn phòng quản lý và ngân sách Mick Mulvaney. “Hoàn toàn có cơ hội để điều chỉnh” trước khi các văn phòng chính quyền liên bang mở cửa làm việc vào ngày thứ hai (22.1), ông Mulvaney bổ sung. Hạ nghị sĩ John Yarmuth của đảng Dân chủ cho biết nội bộ đảng đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc đóng cửa, và dự kiến tình trạng này sẽ kéo dài ít nhất đến đầu tuần sau.
Trong trường hợp hai đảng Cộng hòa và Dân chủ không đạt được tiếng nói chung, nhiều công chức Mỹ sẽ buộc phải nghỉ làm từ ngày 22.1. Kể từ năm 1981 đã có 12 lần Mỹ buộc phải đóng cửa chính phủ, dao động từ 1 đến 21 ngày, theo Cơ quan Nghiên cứu quốc hội. Lần cuối cùng diễn ra vào năm 2013, kéo dài 16 ngày, gây tổn thất 24 tỉ USD. Ngoại trừ những bộ phận thiết yếu nhất, hầu hết công sở trong mọi bộ ngành đều phải đóng cửa, theo NBC News. Ước tính sẽ có khoảng 850.000 nhân viên bị buộc phải nghỉ làm mỗi ngày, bao gồm 1.056 trong số hơn 1.700 người thuộc biên chế Nhà Trắng và cả triệu người bị chậm lương. Trong khi đó, các chuyến công du nước ngoài của giới chức chính phủ Mỹ sẽ bị giới hạn, chẳng hạn như lịch trình làm việc tại châu Âu vào tuần sau của Ngoại trưởng Rex Tillerson đang được cân nhắc có nên tiếp tục triển khai hay không. Dù vậy, Tổng thống Trump sẽ vẫn đến Thuỵ Sĩ tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davis, kéo dài từ ngày 23 – 26.1.