29/11/2024

Học sinh đi làng gốm, Viện Pasteur… chọn nghề

Đưa học sinh về làng gốm, thực tập hè tại Viện Pasteur, diễn kịch, kể chuyện… là cách một số trường giúp học sinh tìm hiểu ngành nghề sẽ chọn trong tương lai.

 

Học sinh đi làng gốm, Viện Pasteur… chọn nghề

 Đưa học sinh về làng gốm, thực tập hè tại Viện Pasteur, diễn kịch, kể chuyện… là cách một số trường giúp học sinh tìm hiểu ngành nghề sẽ chọn trong tương lai.

 

 

Học sinh đi làng gốm, Viện Pasteur... chọn nghề - Ảnh 1.

Học sinh Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) được các kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn cách chăm sóc cây, chiết cành – Ảnh: HUY TRẦN

Ở Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), ngoài việc tư vấn cho học sinh, phụ huynh về chọn ngành nghề còn có những hội thảo để phụ huynh học sinh đồng hành cùng con trong việc hướng nghiệp, theo tinh thần “nuôi dưỡng những mơ ước”.

Thực tập hè ở Viện Pasteur

Theo thầy Đỗ Văn Giảng – phụ trách tư vấn hướng nghiệp Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, có những học sinh đã kể về bất đồng với cha mẹ trong việc chọn nghề. Hành trình thuyết phục cha mẹ đã được các thầy cô vạch ra để các em minh chứng cho sở trường, đam mê của mình.

Còn ở Trường phổ thông liên cấp Olympia Hà Nội, giáo dục hướng nghiệp bắt đầu thực hiện từ tiểu học, với việc tiếp cận các khái niệm nghề nghiệp và giới thiệu một số loại hình ngành nghề qua các hoạt động. Tới THPT, học sinh sẽ được tư vấn chuyên sâu hơn về các nhóm ngành nghề khác nhau, cùng với đó là các hoạt động trải nghiệm. 

 

 

Theo cô Nguyễn Thị Mai Hà – thành viên ban giám hiệu trường này, trải nghiệm của học sinh không dừng ở mức quan sát, tiếp cận tài liệu, hình ảnh, mà học sinh được thực hành, thực tập trong môi trường công việc thật, hoặc qua cách tổ chức sự kiện, hoạt động của trường.

Cao Quý Bảo Trân, học sinh lớp 12 Trường Olympia Hà Nội, có sở thích đặc biệt với nghiên cứu khoa học, đã được tư vấn và hỗ trợ để lựa chọn Viện Pasteur TP.HCM (khoa sinh học phân tử) cho kỳ thực tập hè của mình. 

Tại đây, Trân đã được hướng dẫn sử dụng các thiết bị nghiên cứu hiện đại của khoa và cách viết báo cáo khoa học theo tiêu chuẩn quốc tế. Bảo Trân chia sẻ: “Kỳ thực tập đã mang đến cho em những trải nghiệm thú vị. Em học được tính tỉ mỉ trong công việc, khả năng tự lập và thích nghi với môi trường mới”.

“Đóng vai” nhà kinh tế

Một học sinh khác của Trường Olympia Hà Nội, em Đặng Minh Quân đã chọn ngành truyền thông và được trường tạo điều kiện cho làm thực tập sinh tại phòng truyền thông của trường. 

Không chỉ tạo điều kiện cho học sinh trải nghiệm ước mơ nghề nghiệp, Trường Olympia còn thiết kế các tiết học tự chọn có định hướng nghề nghiệp từ lớp 9-12. Học sinh được đến các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, các cơ quan thuộc nhiều ngành nghề khác nhau để tìm hiểu về quy trình làm việc, yêu cầu công việc, điểm thú vị của mỗi nghề nghiệp. 

Nhà trường cũng thường tổ chức các sự kiện nghề để học sinh được thực tập. Ví dụ, tổ chức một hội thảo về kinh tế cho những học sinh muốn học ngành kinh tế, quan hệ công chúng, báo chí cùng thực tập, “nhập vai” với các vị trí công việc khác nhau khi tham gia sự kiện…

Cô Nguyễn Thị Thu Anh, hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), cho biết hình thức sinh hoạt câu lạc bộ và học trải nghiệm nằm trong kế hoạch các môn học của trường, hướng học sinh đến các nghề nghiệp khác nhau. 

Việc tiếp cận với môi trường công việc khác nhau sẽ giúp học sinh có những khái niệm chung về nghề, từ đó sự yêu thích sẽ hình thành ở học sinh.

Theo cô Thu Anh, tư vấn hướng nghiệp cần được hiểu rộng và mềm dẻo hơn: “Nếu không bị áp lực cộng điểm nghề phổ thông như hiện nay, tôi nghĩ trong môn nghề phổ thông, các nhà trường đã có thể sáng tạo rất nhiều, không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu một nghề cụ thể, mà hơn thế đó thực sự là giáo dục chung về các nghề nghiệp. 

Những ước mơ về nghề của học sinh có thể được nuôi dưỡng từ những điều tưởng như không liên quan khi xem một quy trình sản xuất, đưa sản phẩm ra thị trường, quảng bá nó thế nào…”.

“Mắt thấy tai nghe” nghề nghiệp

Ông Nguyễn Đức Chính – hiệu trưởng Trường THPT Trần Văn Giàu, quận Bình Thạnh, TP.HCM – thông tin: “Trước khi đưa học sinh đi thực tế để hướng nghiệp, chúng tôi làm khảo sát xem các em đang quan tâm đến những ngành nghề nào. 

Sau đó, nhà trường sẽ mời các trường ĐH đến để nói chuyện và tư vấn. Đây thực sự là những buổi tư vấn chuyên sâu, vì chúng tôi đặt hàng mỗi trường sẽ nói về một số ngành nghề mà học sinh của trường đang quan tâm. 

Ví dụ, ngành A sẽ đào tạo như thế nào, học sinh cần có năng lực gì, ra trường sẽ làm việc trong môi trường ra sao… chứ không nói tràn lan, giới thiệu chung chung về trường ĐH”.

Ngoài ra, theo ông Chính, khi học sinh đã hiểu hết về những ngành nghề mình thích về mặt lý thuyết, Trường Trần Văn Giàu mới tiếp tục đưa các em đến trường ĐH, nhà máy, xí nghiệp để các em “mắt thấy tai nghe” về nghề nghiệp tương lai của mình.

Đa dạng hóa công tác hướng nghiệp

“Đây là Long. Long ước mơ làm bác sĩ. Để làm bác sĩ, Long phải học rất nhiều. Long học toán, Long hiểu toán. Long học sinh, Long hiểu sinh. Nhưng Long học hoá, Long lại không hiểu hóa…”. Đó là đoạn mở đầu vở kịch ngắn giới thiệu về CLB H học trong chương trình ra mắt các CLB ở Trường THPT Lương Thế Vinh, quận 1, TP.HCM. Hơn 10 CLB thuộc dạng học thuật, văn – thể – mỹ ở trường này đã có một buổi ra mắt đầy ấn tượng vào đầu năm học 2017-2018.

“CLB không chỉ là nơi sinh hoạt, trao đổi, học tập của những học sinh có cùng sở thích, mà đây chính là nơi ươm mầm cho những kỹ sư, bác sĩ, nhà báo… trong tương lai” – một thành viên ban giám hiệu Trường THPT Lương Thế Vinh cho biết.

 

Hiện đa số trường trên địa bàn TP.HCM đều đa dạng hoá các hình thức hướng nghiệp cho học sinh: hướng nghiệp trực tiếp thông qua các nhà tư vấn, hướng nghiệp gián tiếp thông qua các CLB trong nhà trường, cho học sinh đi thực tế, trải nghiệm. Ngoài ra, không chỉ hướng nghiệp cho học sinh mà còn hướng nghiệp cho cả phụ huynh, nhiều trường còn mời các cựu học sinh về trường chia sẻ kinh nghiệm học tập, làm việc cho đàn em…

V.HÀ – H.HƯƠNG