Chúa Nhật XV TN A 2023: Lời Chúa hôm nay
Chúa Nhật XV TN A 2023
Lời Chúa hôm nay
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Nói đến việc rao giảng Lời Chúa là chúng ta thường nghĩ ngay đến cuốn Thánh Kinh, đến việc giải thích những từ ngữ của Chúa nói với ta qua ngôn ngữ người Do Thái, rồi đến ngôn ngữ Hy Lạp, La Tinh để ta hiểu được nghĩa đen và nghĩa bóng. Hơn nữa, bài giảng trong thánh lễ là một công việc khó khăn để làm sao giúp cho người nghe hiểu được Lời sống động của Thiên Chúa. Nhưng trong Giáo hội Công giáo, càng ngày người ta càng muốn rút ngắn thời gian giảng dạy, từ 20 phút vào khoảng năm 1975, xuống còn 15 phút vào khoảng năm 2000 và hiện nay còn khoảng 10 phút. Trong khi anh chị em thuộc các giáo hội khác như Chính Thống giáo, Anh giáo, Tin Lành vẫn giảng dạy hàng tiếng đồng hồ. Không tìm hiểu Lời Chúa thì làm sao ta có thể nói Lời Chúa cho con người?
Vậy chúng ta phải làm gì để giống như Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay (Mt 13,1-9): “Dân chúng tụ họp bên Người rất đông đến nỗi Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn dân chúng đứng trên bờ để nghe Người giảng dạy”.
1. Lời Chúa trong lịch sử Do Thái
Trước hết, ta thử xem người Do Thái hiểu Lời Chúa như thế nào.
Chúng ta vừa nghe trong Bài đọc I (x. Is 55,10-11): Lời Chúa như mưa tuyết từ trời sa xuống, làm cho cây cỏ xanh tươi, đem lại cơm bánh cho con người. “Lời Ta cũng vậy, một khi phát xuất từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mệnh Ta giao phó”. Như thế, Lời Chúa chính là một con người sống động đem lại những kết quả kỳ diệu vì thực hiện ý muốn, hay kế hoạch, của Thiên Chúa là cứu độ muôn loài, là đem lại niềm vui, bình an, hạnh phúc để cho tất cả được thông phần vào sự sống nhiệm mầu của Thiên Chúa.
Tuy nhiên, kết quả này chưa đạt được, có lẽ vì chính người Do Thái hiểu sai Lời Chúa. Họ nghĩ Lời Chúa là những âm thanh vang vọng đến tai họ qua miệng các tổ phụ, tiên tri, tư tế chứ không phải là một con người thi hành sứ mệnh được Thiên Chúa giao phó.
Thiên Chúa nói với dân Do Thái qua ông Abraham, nhất là qua ông Môsê, bằng những lời rất cụ thể và mãnh liệt đến nỗi cả núi Sinai bốc khói và tiếng vang như sấm khiến người Do Thái phải nói với Môsê rằng: “Xin ông đừng để Thiên Chúa nói trực tiếp với chúng tôi, kẻo chúng tôi chết mất” (x. Xh 20,1-21). Theo ý muốn của họ, Môsê viết ra những Lời Chúa trên hai bia đá kèm theo những luật lệ giải thích từ Mười Điều răn. Người Do Thái rất trân trọng Lời Chúa đến nỗi làm hòm bia bằng vàng cất giữ các bia đó cẩn thận. Vua Salomon còn xây một đền thờ hết sức tráng lệ để cất giữ hòm bia và mỗi năm vị thượng tế được cử đến xông hương trước hòm bia một lần. Tuy nhiên, đền thờ Giêrusalem bị vua Nabuchodonosor phá huỷ vào thế kỷ VI trước Công nguyên, hòm bia cũng không còn. Nhưng Lời Chúa trở thành miếng đá, hòm vàng, đền thánh chứ không phải là Lời sống động của một Thiên Chúa vô hình. Người Do Thái tưởng rằng mình đã đánh mất Lời Chúa.
2. Người Công giáo chúng ta đón nhận Lời Chúa như thế nào?
Trong suốt dòng lịch sử, Thiên Chúa nói với con người và qua con người nói với toàn thể vũ trụ. Vào thời cuối cùng, Thiên Chúa nói với chúng ta qua Người Con Một là Đức Giêsu Kitô (x. Hb 1,1-2). Người là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người (Ga 1,14). Vì thế, từ nay, lời Chúa không còn chỉ là những âm thanh vang đến tai con người, không còn là những chữ viết ghi trong cuốn sách Thánh Kinh, mà là một con người sống động để ta gặp gỡ, tiếp xúc, yêu mến và hoà nhập thành một với Ngôi Lời.
Nhờ đó, chúng ta trở thành lời cụ thể của Thiên Chúa nói với muôn loài trong trái đất và vũ trụ này “đang lâm vào cảnh hư ảo, lệ thuộc vào cảnh hư nát, để được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (x. Rm 8,20-21). Đó là lịch sử Lời Chúa mà mỗi tín hữu Kitô cần phải hiểu biết và cũng là sứ mệnh phải thi hành.
Chúng ta được Đức Giêsu, là Ngôi Lời Thiên Chúa, đến nói với ta bằng tất cả đời sống của Người, bằng những lời uy quyền và phép lạ, bằng cái chết và sống lại của Người. Người đang ở giữa chúng ta, đang sống động giữa chúng ta vì Người nói với chúng ta rằng: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Nhưng thử hỏi chúng ta đã nghe được những gì từ Người?
Rất nhiều tín hữu đã nghĩ rằng Lời Chúa ghi trong cuốn Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước, rồi nghiên cứu, tìm hiểu và lặp lại từng dấu chấm, dấu phẩy, qua những lời giải thích của thầy dạy. Nhưng những lời giải thích đó chỉ là lời của con người. Rồi mỗi lần đọc Lời Chúa trong thánh lễ, chúng ta giơ cao cuốn sách, hôn kính rất trang trọng. Chúng ta xây những đền thờ nguy nga để chứa đựng Lời Chúa, làm những hệ thống âm thanh rất mạnh để giảng Lời Chúa. Anh em Tin Lành còn phát tặng những cuốn Thánh Kinh để phổ biến Lời Chúa. Những điều này tuy thật cần thiết, nhưng hình như ta đang đóng kín Lời Chúa thành những âm thanh, chữ viết và quên mất một người sống động đang ở giữa chúng ta! Chúng ta có lẽ cũng đang rơi vào tình trạng của người Do Thái!
Chúng ta xây những đền thờ nguy nga hàng chục tỉ dồng, nhưng quanh ta, hàng trăm ngàn đứa trẻ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao nguyên, đang cần những ngôi trường giá vài trăm triệu để học hành! Quanh ta hàng triệu bệnh nhân nghèo đang cần những viên thuốc và sự chăm sóc, nhưng chẳng mấy ai quan tâm. Chúng ta bỏ mất con người, trong khi Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành người, cho nên Lời Chúa mà chúng ta loan báo không vang vọng được đến tai con người.
Tình trạng của chúng ta bây giờ cũng vậy. Chúng ta quên đi Chúa Giêsu là một con người sống động đang ở giữa chúng ta, đang nói với ta những lời rất yêu thương, đầy quyền năng và nhất là ban Thánh Thần để giúp ta hiểu được Lời Người. Thế nhưng, bộ não của ta lại chứa đầy những lời vô nghĩa của con người, những hình ảnh dâm đãng, bạo lực, ma quái, hoang tưởng qua các phương tiện truyền thông, chứ không phải là Lời Chúa. Thiên Chúa đã quảng đại gieo hạt giống Lời Chúa ở khắp nơi, dù mảnh đất lòng người có chai cứng như vệ đường, có khô cằn như sỏi đá, có rậm rạp như bụi gai thì Thiên Chúa vẫn chủ ý gieo hạt giống Nước Trời vào đó (x. Mt,13,1-9).
Vì thế, chúng ta đang được kêu mời để trở lại với Chúa Giêsu, Lời sống động và linh nghiệm của Chúa Cha.
Qua Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới năm 2012 với chủ đề: “Tân Phúc Âm hoá để thông truyền đức tin”, Đức Thánh Cha Bênêđictô nhắc nhở chúng ta rằng: “Lời Chúa không phải là những âm thanh, những chữ viết ghi trong một cuốn sách nào đó, nhưng là một con người sống động, là Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người”. Khi kết hợp với Chúa Giêsu chúng ta mới có thể lắng nghe được lời của Người, hiểu được lời của Người và trở nên Lời của Người, vì chúng ta là chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Người. ĐTC Phanxicô, ngày 25 tháng 3 năm 2019, cũng gửi cho chúng ta Tông huấn Đức Giêsu đang sống để mời gọi ta lắng nghe Đức Giêsu vì Người đang nói trong ta và ta hãy nói trong Người.
Lời kết
Hôm nay, chúng ta hãy tìm về với Chúa Giêsu để xin Người ban Chúa Thánh Thần cho ta như đã ban cho các tông đồ, và giúp ta thở được Thần Khí của Người để nói được Lời Người cho thế giới. Amen.
HKK