26/12/2024

Chúa Nhật 23.07.2023
Kiên Nhẫn Và Khoan Dung Để Phát Triển Và Lan Tỏa

Chúa Nhật Tuần XVI – Mùa Thường Niên

Kn 12,13.16-19 • Tv 85,5-6.9-10.15-16a (Đ. c.5a) • Mt 13,24-43

Bài hát và Suy niệm (19.07.2020 – Chúa Nhật XVI Thường Niên Năm A) – HUYNH ĐOÀN GIÁO DÂN ĐA MINH

Lời Chúa
✠ Bài trích Phúc Âm theo thánh Mát-thêu

24 Khi ấy, Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe dụ ngôn sau đây: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. 25 Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. 26 Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. 27 Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: ‘Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?’ 28 Ông đáp: ‘Kẻ thù đã làm đó!’ Đầy tớ nói: ‘Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?’ 29 Ông đáp: ‘Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. 30 Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: Hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi’.”

31 Đức Giê-su còn trình bày cho họ nghe một dụ ngôn khác. Người nói: “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. 32 Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ rau lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được.”

33 Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác: “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”

34 Tất cả các điều ấy, Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói với đám đông; và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn, 35 hầu ứng nghiệm lời ngôn sứ đã nói: Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa.

36 Bấy giờ, Đức Giê-su bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe.” 37 Người đáp: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. 38 Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. 39 Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là quỷ dữ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên sứ. 40 Vậy, như người ta gom cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. 41 Con Người sẽ sai các thiên sứ của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, 42 rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng. 43 Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.”

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)

Suy niệm
Kiên Nhẫn Và Khoan Dung Để Phát Triển Và Lan Tỏa

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta nhiều bài học thiết thực về Chúa, về Nước Trời và Hội Thánh, cũng như về thái độ và cách sống của chúng ta trong đời sống đạo hằng ngày.

  1. Kính sợ Chúa là đầu mối của khôn ngoan. Đó là khẳng định của nền văn chương Khôn ngoan Do Thái. Dân Chúa cần ghi khắc điều đó vì Thiên Chúa là Chúa duy nhất, toàn năng và đầy sức mạnh, tạo dựng và quan phòng, công minh và nhân ái. Thiên Chúa đầy sức mạnh, nên Ngài có thể dùng quyền năng, nhưng Ngài lại nhân ái, nên dùng lượng từ bi cao cả mà cai quản dân và xét xử khoan hồng những ai kính sợ Chúa (Bài độc I). Nhờ kính sợ Chúa, chúng ta sẽ học được nhiều bài hay.
  2. Dân Chúa gồm nhiều thành phần. Dân Cựu ước được gọi là Dân Thánh, hay cộng đoàn Kitô hữu thời Tân ước được gọi là Hội Thánh: “Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa” (1 Pr 2,9). Thánh ở đây là tự bản chất, do “được tách biệt để thuộc về Chúa”, chứ không phải về mặt “luân lý”. Trong cánh đồng, lúa mì và cỏ lùng mọc xen lẫn nhau thế nào thì trong thế giới ta đang sống, ánh sáng và bống tối đan xen nhau, thiện và ác cùng tồn tại (Bài Phúc Âm). Trong Hội Thánh cũng thế, nơi lòng mỗi người có sự thánh thiện pha trộn với tội lỗi; nơi mỗi cộng đoàn, có chính nhân xen lẫn với tội nhân. 
  3. Chúa cần ta kiên nhẫn và khoan dung. Thiên Chúa là Đấng kiên nhẫn và khoan dung. Người kiên nhẫn chờ đợi và khoan dung tha thứ tội lỗi nếu ta biết sám hối ăn năn. Nhiều khi ta khó chịu, bất mãn về những điểm tiêu cực nơi anh chị em, nên muốn loại trừ. Dụ ngôn cỏ lùng cho thấy: Chúa cũng muốn ta kiên nhẫn và khoan dung như Chúa. Đây không phải là sự cam chịu, đè nén hay dung túng gây thất vọng. Một mặt, Chúa ghét tội lỗi nhưng lại yêu tội nhân, nên kiên nhẫn đợi chờ để tội nhân có cơ hội hoán cải. Mặt khác, Chúa không muốn để người công chính bị ảnh hưởng do sự nóng vội, vì “sợ rằng khi nhổ cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa”.
  4. Nước trời nhỏ bé nhưng có sức lan tỏa. Nước Trời là của Chúa, nên Chúa có cách khác với chúng ta để mở rộng Nước của Ngài. Các dụ ngôn cho thấy: Dù hạt giống Nước Trời rất khiêm tốn và nhỏ bé khi gieo, những sẽ phát triển, lớn mạnh và sinh hoa kết quả mà không sức mạnh nào có thể ngăn cản hay tiêu diệt, vì có Chúa Thánh Thần hoạt động trong đó (Bài đọc II). Vì thế, dù gặp nhiều khó khăn nhưng ta cần để hạt giống Nước trời đã được gieo trong hồn ta nảy mầm và tăng trưởng từng ngày. Nước Trời cần được giéo, nên ta cần tìm cách gieo hạt giống Nước Trời nơi tâm hồn người khác. Một chút men không đáng kể nhưng có sức lan tỏa làm cả khối bột dậy men. Men Tin Mừng cũng cần được hòa trộn vào trong khối bột thế giới để đến thời đến buổi, khối bột đó có thể dậy men Nước Trời.

Lm. Giuse Ngô Ngọc Khanh, OFM

Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam