22/11/2024

Giảm tải một hồi, học sinh vẫn ‘khổ vì học’, do đâu?

Giảm tải một hồi, học sinh vẫn ‘khổ vì học’, do đâu?

Ngày học hai buổi ở trường, tối làm bài tập ở nhà đến khuya hoặc đi học thêm khiến học sinh hầu như không còn thời gian ăn uống, nghỉ ngơi, tập luyện thể dục thể thao. Chuyện học hành thật quá vất vả!

 

 

 

Giảm tải một hồi, học sinh vẫn khổ vì học, do đâu? - Ảnh 1.

Những chiếc cặp “quá khổ” đè nặng vai học sinh ngày nay – Ảnh: TỰ TRUNG

Con mình hiện học lớp 4, mình thấy chương trình vừa nặng vừa khó. Mà thực là mình chả thích cho con học thêm, ba năm vừa qua toàn tự học – không hiểu thì mẹ giảng. Hiện mình cũng không yêu cầu con 9, 10 điểm – cứ đủ điểm lên lớp là được. Ép quá sau này chả biết làm nên được trò trống gì không mà hiện tại thì cảm thấy tội chúng nó.

Cachiusa (một phụ huynh)

Một phụ huynh có con gái học lớp 12 tại một trường THPT có tiếng ở quận 1 (TP.HCM) cho hay gần đây con của bà bỗng chán ăn, mệt, cứ buồn ói, nôn nao khi đến trường và đặc biệt nghiêm trọng trong thời điểm phải làm bài tập, thi cử. Bà đã đưa con đi khám nhưng hiện chưa ra được bệnh gì.

“Mặc dù gia đình không có bất cứ áp lực nào với con phải đạt điểm số này, điểm số kia nhưng do bài tập ở trường ra quá nhiều. Nhiều năm liền là học sinh giỏi, con tôi là đứa có trách nhiệm thì nó muốn cố gắng làm và cố gắng có điểm cao. Vì vậy nên giờ con bị bệnh mà nguyên nhân chắc chắn là do áp lực bài vở quá nhiều”, bà N.T.T. chia sẻ.

 

Lịch học kín mít cả ngày

Em P.N.V., học sinh lớp 8 tại một trường THCS ở TP.HCM, cho biết lịch học hai buổi kín các môn. “Em không đi học thêm nhưng mỗi ngày em phải giải quyết bài tập đến khoảng 11h đêm may ra mới xong. Những đợt thi giữa kỳ, học kỳ, chúng em còn phải làm bài tập trên phần mềm học trực tuyến rất nhiều. Có nhiều hôm 9h tối cô giáo, thầy giáo còn ra bài mà sáng mai phải nộp rồi. Nhiều bữa em mệt lắm mà phải cố gắng làm xong bài tập, nếu không lên trường cô sẽ la”, V. kể.

Ở trường rất nhiều môn em thấy quá khó, khó không cần thiết, không có ứng dụng gì. Học nặng ở trường, làm bài tập ở trường cả tuần em còn phải đi học thêm đến 10h tối mới về. Em rất mệt mỏi, áp lực nhưng cha mẹ em không hiểu. Đến giờ em không ngồi ăn cơm với cha mẹ em luôn nhưng cha mẹ em vẫn chấp nhận và vẫn cố gắng bắt em học.

T.T. (một học sinh lớp 12)

Một phụ huynh có con học lớp 6 chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết lịch học của các em không có gì khác nhiều so với các chương trình trước đây. 

“Cũng là các môn học đó, giờ gọi khác tên ở một số môn. Con tôi vẫn phải làm khối lượng lớn bài tập về nhà dù đã học hai buổi/ngày ở trường. Tôi không hiểu chương trình mới giảm tải ở chỗ nào”, ông Linh (quận 7) thắc mắc.

Đối với học sinh THPT, số lượng bài tập còn lớn hơn rất nhiều. “Em học trên trường hai buổi/ngày, đi học thêm đến 9h tối và gần 1h sáng hôm sau mới đi ngủ. Do thức khuya nên mặt em đầy mụn. Sáng hôm sau em buồn ngủ lắm nhưng vẫn phải cố gắng dậy để đi học” – em T.D., một học sinh THPT tại TP.HCM, tâm sự.

Có hai con học lớp 4 và lớp 12, bà Nguyễn Thị Thanh Phương (quận Bình Thạnh) cho rằng hiện nay học sinh bị học hành quá tải, gây áp lực nhưng không đạt được mục tiêu giáo dục mà nguyên nhân là do chương trình quá nặng. 

“Sáng học, chiều học, tối đi học thêm nhưng trẻ không phát triển gì, chỉ như những cỗ máy làm bài tập. Với lịch học như vậy thì đến lớp đã mệt nhoài rồi, không thể học thêm được gì nữa”.

Bà Phương cho hay không phản đối học hai buổi/ngày nhưng ngành giáo dục cần phải thiết kế một buổi học chương trình căn bản, buổi thứ hai dành phát triển thể chất, năng khiếu học sinh. 

Buổi thứ hai nên là buổi tự chọn cho phụ huynh học sinh và được thiết kế theo hình thức các câu lạc bộ (CLB). Ví dụ trẻ thích học toán thì học CLB toán, thích học văn thì vào CLB văn, thích học vẽ thì theo CLB mỹ thuật, thể thao, âm nhạc…

“Chúng ta đi làm còn không khổ bằng các con đi học hiện nay. Một ngày học mười mấy tiếng, vừa khổ đầu óc, vừa khổ thể chất, vừa khổ tinh thần, người đi kiếm tiền, đi làm việc cũng không khổ như học sinh đi học đâu” – bà Lan Hương, quận Tân Phú, có con đang học lớp 10, nói.

Giảm tải một hồi, học sinh vẫn khổ vì học, do đâu? - Ảnh 5.

Nguồn: Nghiên cứu sinh Giang Thiên Vũ (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) – Đồ họa: T.ANH

Áp lực từ đâu?

Ông Trần Văn Luyện, hiệu trưởng Trường THCS Hồng Bàng, quận 5, cho rằng việc quá tải hay không, quyết định chính vẫn là ở giáo viên, phụ huynh và học sinh. 

“Phụ huynh muốn con được điểm 9 thì phải học cho được điểm 9, vậy con sẽ quá tải. Giờ học sinh được điểm 5 môn văn thì về cha mẹ nhất định phải la mắng. Điều đó sẽ dẫn đến áp lực cho cả học sinh, cho cả giáo viên”, ông Luyện nói.

Bà Trần Thúy An, hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức, quận 1, cũng cho rằng áp lực việc học do nhiều phía. Chương trình nào đi chăng nữa mà bản thân học sinh hay phụ huynh kỳ vọng quá cao thì sẽ thành áp lực, còn ngược lại người học muốn nhẹ nhàng thì sẽ nhẹ nhàng. 

“Ở trường chúng tôi để bài kiểm tra không gây áp lực cho học sinh, chúng tôi thống kê các bài kiểm tra giữa kỳ, tỉ lệ không được tốt để tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục. Sau đó trường yêu cầu giáo viên ra đề kiểm tra cuối học kỳ, bài kiểm tra thường xuyên theo hướng nhẹ nhàng, chuẩn kiến thức, kỹ năng thôi”, cô An nói.

Trong khi đó, nhiều phụ huynh và giáo viên khác có nhận định khác. Rất nhiều phụ huynh than chương trình quá nặng, học quá nhiều. Họ từng hy vọng chương trình phổ thông mới sẽ giảm tải so với chương trình phổ thông cũ nhưng đến nay sau khi triển khai đến khối lớp 3 ở bậc tiểu học, lớp 7 bậc THCS, lớp 10 bậc THPT thì nhận thấy thậm chí chương trình mới còn nặng nề hơn.

Một hiệu trưởng trường THCS (đề nghị không nêu tên) tại TP.HCM khẳng định: “Chương trình phổ thông mới ở bậc THCS thậm chí còn nhiều môn hơn cả chương trình phổ thông cũ, lên khoảng 15 môn học, tùy lớp. Chương trình chúng ta vẫn nặng, vẫn chưa thay đổi nổi đâu”.

Các môn trong chương trình THCS mới gồm: toán, văn, Anh, khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh), sử, địa (dồn vào môn sử – địa), còn có các môn mới: ngoại ngữ 2, môn trải nghiệm (ngoài giờ lên lớp – trước đây). “Bây giờ học sinh đi học khác thời chúng tôi đi học ngày xưa. Ngày xưa chỉ chú trọng các môn chính thôi, các môn phụ thì vừa vừa.

Hiện nay, giáo viên nào cũng coi môn của mình là môn chính, là môn quan trọng. Kiến thức vì thế đè lên học sinh. Tôi cho rằng cần phải có những môn học cơ bản và những môn học các em chỉ cần học như chơi, học qua các hoạt động mới giảm tải được cho các em”, vị hiệu trưởng này nói với Tuổi Trẻ.

Giảm tải một hồi, học sinh vẫn khổ vì học, do đâu? - Ảnh 7.

Các thầy cô phòng tham vấn tâm lý Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Q.Tân Bình, TP.HCM) lắng nghe và giải đáp những vướng mắc của học sinh – Ảnh: DUYÊN PHAN

Hà Nội: ôn tập cho học sinh dựa vào nội dung cốt lõi

Ông Phạm Xuân Tiến, phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết trường học các cấp ở Hà Nội đang tổ chức cho học sinh kiểm tra cuối học kỳ 1. Theo hướng dẫn từ đầu năm học của sở, các trường chủ động tổ chức cho học sinh ôn tập dựa vào nội dung cốt lõi và yêu cầu cần đạt, tùy theo mỗi lớp và môn học.

Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đề nghị các nhà trường tổ chức cho học sinh ôn tập trong giờ học chính khóa, hướng dẫn học sinh cách tự học. Với học sinh tiểu học học hai buổi/ngày, giáo viên hướng dẫn ôn tập tại lớp, không yêu cầu học sinh làm đề cương, bài tập tại nhà. Học sinh cuối cấp được hướng dẫn làm quen với các đề thi theo bốn cấp độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.

Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ tiếp tục chấn chỉnh các nhà trường nếu để xảy ra tình trạng gây quá tải cho học sinh vì áp lực điểm số, thành tích.

VĨNH HÀ

 

Khổ, quá tải là do cách giảng dạy

DP_apluc_Nguyenbinhkhiem (13) 1(Read-Only)

Thầy cô Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM) luôn tạo không khí thoải mái, quan tâm đến học sinh – Ảnh: DUYÊN PHAN

* Chương trình phổ thông 2018 bậc THCS, THPT đã giảm tải so với chương trình phổ thông cũ. Nếu thực hiện đầy đủ, tốt nhất thì sẽ giảm tải vì chương trình mới có mục tiêu tăng cường phẩm chất, năng lực của học sinh, tăng tính phản biện, tính thực tế… Trong khi đó chương trình cũ nặng tính hàn lâm, gây áp lực cho học sinh.

Tôi đánh giá chương trình THCS, THPT mới học sinh sẽ học nhẹ nhàng. Học sinh bị áp lực, bài vở có thể do giáo viên chưa thay đổi phương pháp giảng dạy. Nếu giáo viên đã thay đổi phương pháp giảng dạy thì học sinh sẽ học nhẹ nhàng với chương trình mới.

Thầy Hà Hữu Thạch
(hiệu trưởng Trường THCS – THPT Lương Thế Vinh, quận 1, TP.HCM)

* Trước đây có chương trình dạy học một buổi/ngày. Chúng ta đang phấn đấu dạy học cho học sinh hai buổi/ngày. Phần lớn các nước đều là chương trình dạy cả ngày. Thường trong chương trình cả ngày bao gồm kiến thức cơ bản học sinh cần biết, có rèn luyện thể chất, chương trình hỗ trợ về sinh hoạt kỹ năng, hoạt động ngoài giờ lên lớp để đáp ứng mục tiêu giáo dục hiện nay.

Tôi cho rằng chương trình phổ thông 2018 vẫn bị kêu ca là do cách thức giáo viên chuyển từ dạy học truyền thống sang dạy học phát triển phẩm chất, năng lực hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu. Các trường chưa tổ chức dạy học tốt nên học sinh đi học hai buổi/ngày, về nhà vẫn phải làm bài tập và học thêm như trước khiến việc học hành của học sinh bị quá tải.

TS Nguyễn Kim Dung (viện trưởng Viện khoa học giáo dục Nam Việt)

Mời bạn đọc tham gia diễn đàn “Giảm tải chương trình như thế nào?”

Sau bài viết “Con mệt mỏi lắm rồi” và “13% học sinh TP.HCM trầm cảm vì bài vở: Chừng nào chúng em mới có ngày cuối tuần ra hồn?“, Tuổi Trẻ nhận được nhiều ý kiến, câu chuyện của học sinh, phụ huynh, giáo viên về tình trạng học sinh đang quá tải với việc học.

Học sinh đang phải học hành căng thẳng như thế nào, các phụ huynh lo lắng ra sao, chương trình học mới có khiến áp lực học sinh thêm nặng và giải pháp nào để học sinh thoải mái, hạnh phúc hơn với việc học? Từ số này, Tuổi Trẻ mở diễn đàn “Giảm tải chương trình như thế nào?”. Mong bạn đọc góp ý kiến gửi về [email protected].

TUỔI TRẺ

MỸ DUNG
TTO