Hệ quả của văn mẫu: Trong các loại người… em thích nhất là ‘Người lái đò Sông Đà’
Hệ quả của văn mẫu: Trong các loại người… em thích nhất là ‘Người lái đò Sông Đà’
Tôi từng nghe một giáo viên kể, có học sinh viết mở bài cho đề văn về Người lái đò Sông Đà (Nguyễn Tuân) theo kiểu: ‘Trong các loại người, người đẹp, người mẫu, người giàu… em thích nhất là Người lái đò Sông Đà’.
Mở bài máy móc theo văn mẫu
Nhiều trường THPT đã hoàn tất việc kiểm tra học kỳ 1 năm học 2022-2023. Trong quá trình chấm bài kiểm tra môn ngữ văn 10, giáo viên một địa phương phía bắc đã bắt gặp bài viết bàn về lòng biết ơn. Theo đó, nguyên văn một phần nội dung bài nghị luận xã hội như sau:
“Trong cuộc sống, chúng ta đã gặp rất nhiều thể loại lòng của con người. Ví dụ như: Người có nhiều bí mật khúc mắc ẩn giấu được gọi là “lòng trắc ẩn” hay người có nhiều âm mưu đáng sợ hơn cả sói, đen tối hơn cả hoàn cảnh của “chị Dậu” được gọi là “lòng lang dạ sói”. Nhưng “lòng trắc ẩn” hay “lòng lang dạ sói” đều không phải thứ lòng của con người mà tôi muốn nói tới. Mà tôi muốn nói đến “lòng biết ơn” của con người. Vậy lòng biết ơn là gì? Thì lòng biết ơn ám chỉ một…”.
|
Bài văn về lòng biết ơn của học sinh NVCC |
Có thể nhận thấy, phần mở bài của bài văn này mắc một số lỗi nghiêm trọng, đó là học sinh không hiểu nghĩa của một số từ ngữ đơn giản như lòng trắc ẩn. Thậm chí, học sinh này cũng không hiểu được hoàn cảnh đáng thương của chị Dậu (tác phẩm Tắt đèn, Ngô Tất Tố) cho dù đây là kiến thức sơ đẳng mà bất cứ học sinh THPT nào cũng biết.
Cùng với đó, học sinh dẫn dắt loanh quanh, dài dòng, làm mất thời gian, gây khó chịu thay vì đi trực tiếp vào lòng biết ơn hay phẩm chất con người. Tôi từng nghe một giáo viên khác kể, có học sinh viết mở bài cho đề văn về Người lái đò Sông Đà (Nguyễn Tuân) cũng lòng vòng theo kiểu: “Trong các loại người, người đẹp, người mẫu, người giàu… em thích nhất là Người lái đò Sông Đà”.
Tập cho học sinh có thói quen đọc sách là một trong những cách giúp cải thiện việc viết văn ĐÀO NGỌC THẠCH |
Vì sao học sinh viết văn yếu kém?
Có thể nhận thấy, học sinh học đến lớp 10 nhưng viết văn còn rất kém. Là một giáo viên bậc THPT, tôi nhận thấy, học sinh ngày càng yếu kém môn văn vì một số nguyên nhân chính như sau.
Thứ nhất, học sinh quá lười đọc sách nên vốn từ nghèo nàn. Nguyên nhân khiến học sinh lười đọc sách là do thời gian học tập chiếm quá nhiều. Các em phải đi học chính khóa, học thêm suốt ngày đêm, nhất là học sinh cuối cấp phải trải qua kỳ thi tuyển sinh, thi tốt nghiệp THPT không còn thời gian đọc sách.
Bên cạnh đó, trong đời đại công nghệ hiện nay, Facebook, TikTok lên ngôi, các phương tiện nghe nhìn hiện đại, game online phần nào khiến học sinh không mấy hứng thú với sách nữa. Sau bữa cơm tối, hầu hết thành viên trong gia đình ngày nay đều ôm điện thoại, hiếm có ai đọc sách làm gương cho con em.
Thứ hai, do hệ lụy của văn mẫu để lại nên học sinh thui chột khả năng sáng tạo, diễn đạt. Từ tiểu học, các em đã làm quen với những cách miêu tả “kinh điển” như: giờ ra chơi thì học sinh ùa ra lớp như ong vỡ tổ; tóc bà thì trắng như cước, da mặt nổi đồi mồi… Lên THCS, THPT, HS cuối cấp bị ép học những bài văn mẫu như phân tích thơ, văn xuôi để phục vụ cho các kỳ thi.
Đến khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 yêu cầu triệt tiêu văn mẫu thì đa số học sinh gặp khó khăn khi phải tự mình viết một bài văn, đoạn văn không có trong văn mẫu. Nhiều học sinh thiếu quan sát, liên tưởng, tưởng tượng nhưng lại thừa sự bịa đặt dẫn đến nói không thành có trong bài văn. Đó cũng là lý do vì sao học sinh viết “người có âm mưu đen tối hơn cả hoàn cảnh của chị Dậu là… lòng lang dạ sói”.
Làm sao để học sinh THPT viết được một bài văn đạt yêu cầu (chưa nói văn hay) luôn là câu hỏi đau đáu thường trực trong đầu mỗi giáo viên. Để dần khắc phục việc học sinh “chém gió” vô tội vạ trong bài văn thì ngay từ bậc tiểu học, giáo viên phải rèn cho các em nhiều kỹ năng.
Đó là, tập cho học sinh có thói quen đọc sách; nâng cao khả năng quan sát bằng cách trải nghiệm với môi trường tự nhiên để biết cỏ cây, hoa lá, chim muông, vật nuôi…; dứt khoát phải thoát ly văn mẫu; cần luyện tập viết hàng ngày, hàng tuần vì văn ôn võ luyện.
PHAN THẾ HOÀI
TNO