TP.HCM vẫn chưa hoàn tất chi tiền hỗ trợ dịch COVID-19 cho người khó khăn
TP.HCM vẫn chưa hoàn tất chi tiền hỗ trợ dịch COVID-19 cho người khó khăn
Dù dịch COVID-19 ở TP.HCM đã được kiểm soát trong thời gian qua nhưng đến nay TP vẫn chưa hoàn tất việc chi trả cho người có hoàn cảnh khó khăn thụ hưởng chính sách hỗ trợ, tiến độ giải ngân còn chậm.
Sáng 21-12, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có buổi làm việc với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP, Bảo hiểm xã hội TP và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (chi nhánh TP.HCM) về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Chiều cùng ngày, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cũng có buổi làm việc cùng nội dung trên với quận 7.
Mở đầu buổi giám sát, bà Huỳnh Lê Như Trang – phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP – cho hay công tác phòng chống dịch của sở được chú trọng, ưu tiên và đẩy mạnh từ khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại TP.
Trong năm 2020, các đơn vị trực thuộc sở thực hiện tự chi phòng chống dịch COVID-19 với tổng số tiền là hơn 1.000 tỉ đồng, còn năm 2021 là hơn 17.000 tỉ đồng. Trong năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước giao kinh phí cho 8 đơn vị trực thuộc sở là hơn 8,5 tỉ đồng.
Hai năm 2020 và 2021, sở đã quyết toán kinh phí phòng, chống dịch với tổng số tiền là hơn 18.000 tỉ đồng. Năm 2022, kinh phí phòng chống dịch COVID-19 là hơn 994 triệu đồng.
Về kinh phí hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn ảnh hưởng dịch COVID-19, tỉ lệ người nhận được hỗ trợ chỉ đạt 88,48% với số tiền hơn 6.500 tỉ đồng, còn lại 849 tỉ đồng cho người dân tại quận Bình Tân và huyện Củ Chi, Bình Chánh.
Cũng theo bà Trang, hiện TP.HCM chưa hoàn tất việc chi trả cho các đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ do một số địa phương thiếu kinh phí. Đồng thời công tác tổ chức thực hiện tại một số địa phương còn lúng túng, tiến độ giải ngân còn chậm, công tác quản nhân khẩu trên địa bàn chưa chặt chẽ.
Đại diện Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho biết, trước thực tế người dân bị mất việc hoặc giảm thu nhập đã ảnh hưởng đến việc đóng tái tục bảo hiểm y tế hộ gia đình. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình gặp nhiều khó khăn.
Sau khi nghe các bên báo cáo, một trong những điều mà ông Dương Ngọc Hải – chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM – lo lắng, cần sớm tìm ra giải pháp là sắp đến Tết nhưng nhiều doanh nghiệp cho công nhân nghỉ việc khá nhiều. Theo ông, nguyên nhân sâu xa của việc này là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Ông Hải cho rằng nguồn lực huy động từ xã hội và nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện các chính sách là rất lớn. Nhìn chung, đơn vị đã chi hỗ trợ ảnh hưởng đại dịch kịp thời, đúng quy định và đối tượng. Tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp chi chậm, chi sai đối tượng. Bên cạnh đó có trường hợp cá biệt, thực hiện hành vi vi phạm đã kịp thời xử lý.
“Tôi muốn đơn vị cung cấp thêm thông tin chi sai đối tượng có hợp lý không, phải lý do cụ thể hơn. Tỉ lệ người khiếu kiện, khiến nại có lớn hay không. Và phải báo cáo cụ thể hơn vì sao giải ngân chậm…”, ông Hải nói.
Cuối buổi giám sát, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết ghi nhận sự nỗ lực rất lớn của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP, Bảo hiểm xã hội TP và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nói chung và tại TP.HCM nói riêng.
Với những hạn chế các đơn vị đã báo cáo, đặc biệt là chậm chi trả tiền hỗ trợ dịch COVID-19 cho những đối tượng thụ hưởng theo chính sách, bà Tuyết đề nghị các đơn vị liên quan cần khẩn trương rà soát. Đồng thời cần có đánh giá thêm những tồn tại từ các chính sách hiện hành.