24/11/2024

Tự sát ở thanh thiếu niên: Trẻ hoá và có dấu hiệu gia tăng

Tự sát ở thanh thiếu niên: Trẻ hoá và có dấu hiệu gia tăng

Sáng 15-12, Phòng GD-ĐT quận 3 (TP.HCM) tổ chức tọa đàm ‘Nâng cao năng lực chăm sóc sức khoẻ tinh thần học sinh’ với sự tham dự của hơn 500 nhà tâm lý, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên làm công tác phụ trách Đội…

 

 

Tự sát ở thanh thiếu niên: Trẻ hóa và có dấu hiệu gia tăng - Ảnh 1.

Tại buổi tọa đàm, nghiên cứu sinh Giang Thiên Vũ – giảng viên khoa tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM – cho biết tình trạng tự sát ở thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 15 – 24 đã tăng hơn 40% trong thập niên qua. 

 

Số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết thực trạng tự sát ở Việt Nam ngày càng trẻ hóa, có dấu hiệu gia tăng.

 

Muốn tự tử vì bị ép học

Theo ông Vũ: “Chúng tôi đã làm một cuộc khảo sát ngẫu nhiên với 400 học sinh từ 12 – 16 tuổi ở TP.HCM về thực trạng hành vi tự sát. Kết quả cho thấy việc tự sát không chừa một ai. 

Những em có hành vi tự sát ở mức độ nặng không chỉ có học lực trung bình mà cả những học sinh khá, giỏi; không chỉ những học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn mà cả những học sinh có điều kiện về kinh tế…”.

Trong khi đó, ông Đoàn Hữu Khánh – hiệu trưởng Trường THCS Hai Bà Trưng, quận 3 – nêu ý kiến: “Mỗi khi có học sinh trầm cảm, tự tử, nhiều người thường cho rằng do học sinh phải chịu áp lực học tập quá căng thẳng từ trường. Song trên thực tế, trường học chỉ là nơi truyền dạy kỹ năng và kiến thức, trong khi nhận thức, tính cách của học sinh bị ảnh hưởng rất lớn từ gia đình. 

Từ đầu năm học 2022 – 2023 đến nay, phòng tư vấn tâm lý của trường tôi đã đón tiếp và tham vấn cho 30 học sinh, trong đó có hai học sinh tiết lộ là em không muốn sống nữa, em muốn tự tử. Khi tìm hiểu thì được biết học sinh muốn tự tử do bị phụ huynh ép học quá nhiều, em thường bị đánh mắng vì học không tốt…”.

Qua thực tế triển khai công tác tư vấn tâm lý, thầy Khánh cho rằng ban đầu học sinh sẽ có tâm trạng rụt rè, ngại tìm đến phòng tư vấn tâm lý. Nhưng chỉ cần thầy cô tạo được sự tin tưởng cho các em sẽ giúp các em cảm thấy yên tâm và sẵn sàng tìm đến khi có trở ngại về tâm lý.

3 nhóm học sinh cần quan tâm

TS tâm lý Nguyễn Hữu Long – giảng viên Trường ĐH Mở TP.HCM – cho rằng có ba nhóm học sinh cần được quan tâm đặc biệt về sức khỏe tinh thần. 

“Đó là nhóm học sinh gặp khó khăn trong học tập, cuộc sống; nhóm học sinh có nhu cầu đặc biệt cần được giải đáp, giải tỏa về giới tính, tình bạn – tình yêu…; nhóm học sinh cần được định hướng về học tập, nghề nghiệp. Trong đó, nhóm học sinh có nhu cầu đặc biệt khá nhiều, không được giải tỏa kịp thời sẽ gây ra những hậu quả khó lường”.

Theo TS Phạm Đăng Khoa, trưởng Phòng GD-ĐT quận 3, hiện ngành giáo dục quận đang nỗ lực hướng đến mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc với ba tiêu chí yêu thương – an toàn – tôn trọng. Để đạt được mục tiêu này, không chỉ học sinh mà cả cán bộ quản lý, giáo viên cần có đời sống tinh thần tích cực, được giải tỏa áp lực và căng thẳng trong công việc, học tập và sinh hoạt. 

“Mục tiêu lý tưởng là ở mỗi trường học xây dựng một phòng tư vấn tâm lý học đường nhằm kịp thời hỗ trợ học sinh khi gặp các vấn đề về tâm lý cũng như khó khăn trong học tập. Tuy nhiên, trong điều kiện cơ sở vật chất trường học còn hạn chế, quận 3 bước đầu triển khai phòng tư vấn tâm lý theo cụm trường” – TS Phạm Đăng Khoa chia sẻ.

Không những thế, ông Vũ Bá Luận – hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Sơn Hà, quận 3 – nêu ý kiến: “Trong bối cảnh xã hội nhiều thay đổi, trường học cần quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tinh thần của người học, mở rộng đối tượng quan tâm cả cha mẹ học sinh. Đây là nhóm đối tượng ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hình thành và phát triển tâm lý, tính cách của học sinh”.

 

Tư vấn tâm lý trực tiếp và trực tuyến

Cùng ngày, Phòng GD-ĐT quận 3 phối hợp với một đơn vị về tâm lý triển khai chương trình chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh thông qua hai hình thức trực tiếp và trực tuyến. Với tư vấn trực tiếp, quận 3 triển khai phòng tư vấn tâm lý theo cụm trường (đặt tại ba trường THCS gồm Bạch Đằng, Hai Bà Trưng và Colette).

Với tư vấn trực tuyến, mỗi học sinh tiểu học và THCS sẽ được cung cấp một tài khoản đăng nhập để được trao đổi với các chuyên gia tư vấn tâm lý qua website quan3.tamlyhocduong.org.

HOÀNG HƯƠNG
TTO