24/11/2024

Nên bỏ thuế bảo vệ môi trường với xăng?

Nên bỏ thuế bảo vệ môi trường với xăng?

Bộ Tài chính vừa đề xuất Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn cho năm 2023 như năm 2022.

 

 

 

Cụ thể, giữ nguyên mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng 1.000 đồng/ lít, dầu diesel 500 đồng/ lít… Để đảm bảo tính kịp thời, Bộ Tài chính đề nghị Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2023. Thế nhưng theo các chuyên gia, năm 2023 được dự báo còn nhiều khó khăn hơn hiện nay, vì thế nên bỏ thuế BVMT với xăng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN).

Nên bỏ thuế bảo vệ môi trường với xăng? - ảnh 1
Nhiều chuyên gia kiến nghị tiếp tục giảm hoặc bỏ thuế bảo vệ môi trường để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong năm 2023  CHÍ NHÂN

Thuế BVMT vẫn chưa khoa học

Đề xuất lần này được đánh giá là có tiến bộ so với đề xuất của Bộ Tài chính hồi cuối tháng 11. Cụ thể, theo đề xuất hồi tháng 11, thuế BVMT với xăng dầu gồm 4 mức theo diễn biến giá xăng dầu thế giới. Ở bước 1, khi giá xăng dầu xuống thấp dưới 70 USD/thùng, thuế sẽ áp dụng theo Nghị quyết số 579 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội áp dụng thuế BVMT với xăng là 4.000 đồng/lít; nhiên liệu bay 3.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn 2.000 đồng/lít; dầu hỏa 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn 2.000 đồng/kg. Khi giá xăng dầu tăng, thuế BVMT sẽ giảm tương ứng theo từng bước 2 và 3… Ở bước 4 là trường hợp giá dầu vượt mốc 100 USD/thùng, mức thuế BVMT áp dụng với xăng, nhiên liệu bay cùng là 1.000 đồng/lít, dầu diesel 500 đồng/lít…

Theo các chuyên gia, điểm tiến bộ của đề xuất mới là thống nhất áp dụng một mức “sàn” thuế BVMT với mặt hàng xăng dầu mà không phụ thuộc vào diễn biến giá. Như vậy, khi giá dầu thế giới giảm, đồng nghĩa người tiêu dùng trong nước cũng được hưởng lợi. Tuy nhiên, đề xuất này vẫn chưa làm rõ tính khoa học của việc thu thuế cũng như sự tương quan của nó với vấn đề BVMT.

Xăng dầu vẫn là mặt hàng thiết yếu liên quan đến tất cả mọi thành phần trong xã hội. Thế nên dù thuế và giá tăng hay giảm người dân và DN vẫn phải sử dụng. Việc duy trì sắc thuế này vẫn là để bảo vệ nguồn thu chứ chưa thật sự có cơ sở khoa học. Đặc biệt, việc đánh thuế BVMT cao không mang ý nghĩa để người dân giảm sử dụng và môi trường được bảo vệ tốt hơn. Hiện tại người dân chưa (hoặc rất ít) có sự lựa chọn thay thế.

TS Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế, cho rằng xăng dầu là nguồn nhiên liệu phục vụ cho giao thông để duy trì mạch máu của nền kinh tế. Đánh thuế xăng dầu sẽ ảnh hưởng đến hoạt động giao thông vận tải. Nhưng giao thông không phải là lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường nhiều nhất. Lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường lớn nhất chính là công nghiệp chế biến chế tạo, trong đó các DN đầu tư nước ngoài chiếm số lượng lớn. Nếu BVMT, nên đánh thuế thật mạnh với các đối tượng gây ô nhiễm. Còn đối với xăng dầu, nên bỏ hẳn thuế BVMT để hỗ trợ người dân và DN vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay vì hiện tại giá xăng dầu của VN vẫn cao hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực và thế giới.

 

Cần hỗ trợ người dân và DN vượt khó

Đây cũng là quan điểm của TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư, khi cho rằng nhà nước cần xem xét bối cảnh chung của nền kinh tế và hoạt động của DN. Bối cảnh chung hiện nay của kinh tế thế giới đang trên đà suy giảm. Các thị trường lớn và quan trọng của VN như Mỹ, EU hay Nhật Bản chịu tác động khá nặng nề từ cuộc suy thoái. Ngay cả thị trường Trung Quốc gần đây cũng sụt giảm mạnh. Hầu hết các thị trường lớn đều rơi vào tình trạng đơn hàng sụt giảm mạnh do sức mua yếu. Bên cạnh đó, tình hình xung đột và bất ổn một số nơi vẫn đang tiếp diễn. Giá xăng dầu gần đây tương đối ổn định so với đầu năm nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều bất ngờ. Trong bối cảnh đó, hoạt động xuất khẩu của các DN VN thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn. VN là một nền kinh tế mở, lại phụ thuộc nhiều vào hoạt động xuất nhập khẩu nên nhà nước cần tạo điều kiện để hàng hóa thêm sức cạnh tranh. Giải pháp cho vấn đề này là hỗ trợ tiết giảm các chi phí làm tăng giá thành sản phẩm.

“Nhà nước nên xem xét hỗ trợ thêm cho DN trong điều kiện khó khăn chung hiện nay. Hỗ trợ DN để họ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, làm ăn hiệu quả, giải quyết vấn đề lao động việc làm, ổn định thu nhập cho người lao động. Có thể nhiều DN không trực tiếp sử dụng xăng dầu trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng khi giá xăng dầu tăng hoặc giảm đều tác động rất lớn đến các DN và toàn bộ nền kinh tế”, TS Doanh nói.

Cùng quan điểm, PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nhận định: Giá dầu thô trên thế giới vẫn còn biến động phức tạp, tình hình kinh tế trong nước mới chỉ vừa bước vào giai đoạn hồi phục. Trong năm 2023 dự báo tình hình vẫn còn những khó khăn, giá năng lượng, giá xăng dầu vẫn còn khả năng biến động tăng cao, nên chăng chúng ta cần “khoan sức dân” trong lúc này. Cần tiếp tục có những chính sách thuế thông thoáng hơn để DN, người dân có thể vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Với mức thuế BVMT như hiện tại, giá xăng dầu trong nước vẫn còn ở mức cao.

 

Cần phải có sự cân nhắc thận trọng

Ở một góc độ khác, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng: Thời gian qua, nhà nước đã giảm thuế BVMT để hỗ trợ người dân và DN phục hồi kinh tế. Bối cảnh chung vẫn còn nhiều khó khăn nhưng hiện nay nền kinh tế cơ bản đang phục hồi khá tốt. Điều này có sự đóng góp từ việc giảm thuế xăng dầu hồi giữa năm. Nếu nhà nước có thể hỗ trợ thêm bằng cách bỏ thuế BVMT thì nền kinh tế càng có thêm nhiều cơ hội vượt qua các thử thách được dự báo là rất cam go trong năm 2023.

Tuy nhiên, theo ông Thịnh, nếu nhìn ở bức tranh chung thì nhà nước vẫn cần có nguồn thu và nguồn thu từ xăng dầu là một trong số đó. Nếu không có nguồn thu thì các hoạt động chi sẽ bị thiếu hụt và để bù đắp có thể phải đi vay từ các tổ chức bên ngoài. Điều này cũng sẽ là khó khăn về lâu dài. Chính vì vậy, cần phải có sự cân nhắc thận trọng từ nhiều phía và đặt trong bức tranh tổng thể của đất nước.

 

CHÍ NHÂN – QUANG THUẦN

TNO