Đưa di sản văn hoá vào học đường: Một cách làm mới môn văn
Đưa di sản văn hoá vào học đường: Một cách làm mới môn văn
Giáo dục học sinh trân trọng các di sản văn hóa của dân tộc là một trong những mục tiêu quan trọng của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trong chương trình ngữ văn 10, bộ sách Chân trời sáng tạo có bài học số 4 với tên gọi Di sản văn hóa. Bài học này có tính ứng dụng cao vì giúp học sinh cùng lúc có các kỹ năng: viết được một bản tin theo phong cách ngôn ngữ báo chí, viết một văn bản thuyết minh để giới thiệu một di sản văn hóa, biết cách nghiên cứu khoa học về một vấn đề khảo sát từ thực tiễn.
Học sinh giới thiệu mô hình di sản văn hóa trong tiết học văn T,N.T |
Giáo viên ngữ văn các trường phổ thông đã có nhiều sáng tạo khi giảng dạy bài học này nhằm đem đến sự hứng thú cho học sinh, giúp các em có các kỹ năng cần thiết về đọc, viết, nói và nghe. Đồng thời giúp các em biết trân trọng, yêu mến và có ý thức giữ gìn các di sản văn hóa dân tộc.
Vừa qua, thầy Trần Ngọc Tuấn cùng cô Huỳnh Thị Mộng Thư, giáo viên tổ ngữ văn, Trường THPT Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM, đã có buổi thao giảng cụm với mục đích đem di sản văn hóa dân tộc vào học đường.
Theo đó, các hoạt động chính của buổi thao giảng là học sinh trình bày sản phẩm nghiên cứu kết hợp với biểu diễn được giáo viên hướng dẫn về các di sản văn hóa dân tộc, như Nhã nhạc cung đình Huế, văn hóa đình thần, văn học dân gian, đờn ca tài tử Nam Bộ… Điểm nhấn của buổi thao giảng, theo thầy Trần Ngọc Tuấn, là sự kết hợp giữa giáo dục nhà trường với giáo dục địa phương – phóng sự về đình thần Tây Thạnh tại địa phương phường Tây Thạnh, quận Tân Phú. Sự gắn kết giữa giáo dục trong không gian lớp học và ngoài lớp học – học sinh thuyết trình về di sản văn hóa với bộ tranh tường rất ấn tượng trong khuôn viên trường.
Các mô hình di sản văn hóa do học sinh thiết kế T.N.T |
Buổi thao giảng giáo dục cho học sinh rất nhiều kỹ năng về quy cách viết một bài nghiên cứu, thuyết trình; kỹ năng nói và nghe; kỹ năng vận dụng các phương tiện hỗ trợ như quay phim, lồng tiếng, sử dụng các phần mềm trình chiếu, sử dụng đường link đưa sản phẩm lên YouTube, thiết kế các poster và quét QRcode Zalo để kết nối sản phẩm… Các kỹ năng ấy của học sinh gắn liền với các tên gọi của từng hoạt động: “Tìm về di sản văn hóa dân tộc” (nghiên cứu và thuyết trình về Nhã nhạc cung đình Huế), “Em làm nhà nghiên cứu văn học dân gian”, “Đưa đờn ca tài tử Nam Bộ vào học đường” (nghiên cứu, thuyết trình và biểu diễn về đờn ca tài tử Nam Bộ), “Sắc màu di sản quê hương” (qua tranh vẽ và mô hình sản phẩm của học sinh), “Em làm hướng dẫn viên du lịch” (học sinh thuyết minh về di sản qua tranh tường như một hướng dẫn viên du lịch)…
Các poster do học sinh thiết kế T.N.T |
Một nữ giáo viên nhiều năm kinh nghiệm phát biểu khi tham dự thao giảng: “Học sinh sẽ học được rất nhiều từ những tiết học như thế này. Môn văn sẽ khởi sắc, không còn buồn tẻ, lý thuyết ‘chay’ như thực tế tồn tại bấy lâu nay”.
TRẦN NHÂN TRUNG
TNO