Tranh cãi việc học sinh mang điện thoại vào lớp: Cách nào vẹn cả đôi đường?

Tranh cãi việc học sinh mang điện thoại vào lớp: Cách nào vẹn cả đôi đường?

Nhiều góc nhìn cho rằng không phải cứ không quản lý được là cấm. Cần hướng dẫn cụ thể và có cách quản lý để việc học sinh mang điện thoại đi học ‘vẹn cả đôi đường’, vừa hỗ trợ quá trình học, cũng là lắng nghe nhu cầu thiết yếu của học trò.

 

 

Cần quy định hướng dẫn cụ thể

Một giáo viên giảng dạy cả cấp THCS và THPT một trường công lập tại TP.HCM cho hay trường của cô cho học sinh (HS) mang điện thoại vào lớp. Còn trong giờ học sẽ tùy nội dung bài giảng, tùy giáo viên (GV), có thể cho phép HS dùng điện thoại để phục vụ việc làm bài. “Quan điểm của tôi là với HS cấp THCS, THPT không nên cấm mang điện thoại đi học. HS cũng cần nghe và gọi điện tới phụ huynh (PH) hoặc khi có công việc quan trọng cần thiết. Quan trọng là hướng dẫn các em, để không lạm dụng điện thoại và yêu cầu các em không dùng trong giờ học khi chưa được phép”, GV này nói.

Tranh cãi việc học sinh mang điện thoại vào lớp: Cách nào vẹn cả đôi đường? - ảnh 1
Học sinh sử dụng điện thoại di động như một công cụ hỗ trợ học tập trong lớp  ĐÀO NGỌC THẠCH

Thầy Phùng Ân Hưng, GV vật lý Trường THCS – THPT An Đông, Q.5, TP.HCM, cho biết theo quan điểm của thầy việc cấm dùng điện thoại hay cho dùng điện thoại, dùng như thế nào trong trường học, vấn đề này tùy thuộc vào sự quản lý tốt và quy định cụ thể. Ví dụ tiết học nào được dùng, dùng như thế nào, hướng dẫn HS vào trang web nào, lấy tài liệu gì để phục vụ cho việc học chất lượng hơn… Còn nếu không, HS phải tắt máy, tập trung vào bài giảng, nếu không sẽ bị tính là vi phạm kỷ luật.

Do đó, trước khi quyết định cho HS dùng điện thoại hay không, việc quan trọng là phải xây dựng ý thức cho HS và thống nhất cách quản lý của thầy cô trong việc cho HS dùng điện thoại, để việc này thật sự hữu hiệu.

“Nếu quản lý tốt thì chiếc điện thoại thông minh phát huy tác dụng, còn không sẽ ngược lại. Nhiều HS chưa có ý thức tự giác, chưa sử dụng đúng mục đích dùng điện thoại để phục vụ cho việc mở rộng kiến thức, học hỏi khoa học thực tiễn trên thế giới mà lạm dụng điện thoại để làm việc riêng như nhắn tin cho bạn bè, chơi game, mua sắm quần áo, vật dụng… Vì vậy sẽ chẳng những không giúp gì cho việc học tập, mở rộng, bám sát kiến thức thực tế mà còn làm cho việc học tệ hơn vì mất tập trung và mất thời gian vào những việc vô bổ trên điện thoại”, thầy Hưng nói.

Từ góc độ người quản lý, anh Lê Vinh San, đại diện DOL English, cho biết trong giờ học nếu không có sự cho phép của GV, HS nên tuyệt đối không dùng điện thoại di động, bởi điều này gây mất tập trung, mất kiên nhẫn, tư duy phản biện bị ảnh hưởng. Còn GV thấy học trò nhìn chằm chằm điện thoại sẽ mất lửa nghề, cảm thấy không được tôn trọng hoặc nghi ngờ chất lượng bài giảng của mình.

Công nghệ chưa bao giờ là xấu, như con dao chưa bao giờ là xấu cả. Nhưng nếu trong trường học, HS chỉ nên dùng trong giờ ra chơi, tan học. Giải pháp để hạn chế điện thoại thông minh tránh lãng phí thời gian, tránh gây nghiện là cài phần mềm quản lý thời gian để biết mình đã dùng điện thoại di động bao nhiêu trong ngày”, anh Lê Vinh San nói.

Tiến sĩ Lê Bảo Thắng, Giám đốc Công ty tư vấn giáo dục quốc tế OSI Vietnam (PH của HS lớp 6 và lớp 10), cho biết quan điểm của anh là HS THPT có thể mang điện thoại tới trường và sử dụng nhưng giới hạn và nghiêm khắc trong việc áp dụng, như trong giờ học thì chỉ dùng khi GV cho phép.

Tranh cãi việc học sinh mang điện thoại vào lớp: Cách nào vẹn cả đôi đường? - ảnh 2
Thay vì cấm, nhiều trường hướng dẫn học sinh cách sử dụng điện thoại sao cho an toàn  ĐÀO NGỌC THẠCH

Không phải khó quản lý thì cấm

Ông Phạm Quang Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Tây Thạnh (Q.Tân Phú, TP.HCM), cho biết trước đây điện thoại chỉ là phương tiện nghe, gọi liên lạc, giải trí nên trong nội quy của các trường có ghi rõ cấm sử dụng điện thoại trong trường. Nhưng khi điện thoại phổ biến, các hoạt động giáo dục, các bài giảng, tiết dạy ứng dụng công nghệ nhiều như hiện nay thì nội quy cũng cần phải thay đổi. Nội quy đã mở, có nghĩa là có nhìn nhận đó là nhu cầu thiết yếu của học trò. Nên vào giờ chơi, ngoài giờ học, HS có thể sử dụng thoải mái, không cấm nhưng vào tiết học là phải nghiêm túc.

“HS có thể sử dụng điện thoại trong lớp nếu GV cho sử dụng để phục vụ mục đích học tập thì được. Còn ngoài ra GV không đồng ý thì không được phép sử dụng. Tiết học đó không sử dụng thiết bị mà HS lấy điện thoại ra sử dụng lén là vi phạm nội quy”, ông Đạt nói.

Hay ông Nguyễn Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), cũng nói hiện nay trong nhiều tiết dạy, GV có tổ chức các hoạt động có sự hỗ trợ của thiết bị để hoàn thành các nhiệm vụ học tập. Ngoài ra GV còn liên hệ với học trò tất cả từ liên lạc, chuyển bài tập, giao nhiệm vụ học tập… bằng điện thoại. Nên như vậy giờ cấm thì phi lý.

Còn hiệu trưởng một trường THPT tại Q.1 (TP.HCM) thì nói: “Người lớn thường hay có quan điểm không quản lý được thì cấm và thường chăm chăm nhìn vào yếu tố tiêu cực. Trong một tập thể lớp, ví dụ chỉ có khoảng 10% HS sử dụng chưa đúng mục đích, nếu chỉ nhìn tỷ lệ đó để cấm thì thiệt thòi cho 90% HS còn lại. Trong việc quản lý HS nên định hướng giáo dục hơn là việc đi cấm bởi khi cấm thì đâu còn tính đến định hướng, giáo dục HS cách sử dụng”.

Bà Nguyễn Thanh Ngân, đại diện Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN), cho biết trường này không cấm HS sử dụng điện thoại di động dù ở độ tuổi nào. Thay vào đó, hướng dẫn HS cách sử dụng điện thoại an toàn trên môi trường không gian mạng phức tạp hiện nay. Đó là tận dụng những ưu điểm phục vụ cho học tập và cuộc sống, bảo vệ bản thân trước những mối hiểm nguy rình rập như bạo lực mạng, quấy rối ẩn danh…

Để việc HS sử dụng một cách an toàn, đại diện của trường này cho hay luôn có bộ phận tư vấn sức khỏe tâm lý học đường để đồng hành và hỗ trợ các em trong mọi tình huống khó giải quyết hoặc vướng mắc chưa chia sẻ được với ai. Ngoài ra, PH cũng được nhận những chia sẻ để biết cách giám sát sự an toàn của con mình khi sử dụng điện thoại.

 

Dùng điện thoại an toàn

Thầy Lê Văn Kết, quản lý trung tâm kỹ năng sống Việt Đăng Quang, Q.5, TP.HCM, người dạy kỹ năng sống trong nhiều trường học, cho biết điều quan trọng mà PH và nhà trường cùng phải song hành, đó là hướng dẫn, giáo dục cho HS những kỹ năng sử dụng điện thoại thông minh an toàn, hiệu quả, hỗ trợ tích cực việc học, lành mạnh trên môi trường mạng, không bị kẻ xấu lợi dụng, lừa đảo trên mạng xã hội… Đáng chú ý, theo thầy Kết, có khá nhiều HS vừa sạc pin vừa dùng, điều này tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ điện thoại rất cao, rất nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra, do đó càng cần tăng cường các hoạt động giáo dục kỹ năng dùng thiết bị số.

“Để tránh lạm dụng điện thoại, sa đà, quên công việc chính, tôi thấy có một cách hay mà nhiều HS và ngay cả các PH, GV cũng dùng, đó là đặt cho mình các mục tiêu như khi hoàn thành xong bài tập thì được cầm điện thoại trong bao nhiêu phút. Như vậy vừa đảm bảo công việc, vừa có thời gian giải trí hợp lý”, thầy Kết nói.

 

Bộ GD-ĐT quy định như thế nào?

Tại điểm 4, điều 37 của Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15.9.2020 của Bộ GD-ĐT có quy định điều HS không được làm là “Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được GV cho phép”.

Để hướng dẫn GV, nhà trường quản lý, khai thác và sử dụng thiết bị dạy học (trong đó có điện thoại di động), Bộ GD-ĐT có Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18.12.2020. Trong công văn này cũng ghi: “Không bắt buộc HS phải trang bị điện thoại di động để phục vụ học tập. Việc cho phép HS sử dụng điện thoại di động trong lớp học để hỗ trợ hoạt động học do GV trực tiếp giảng dạy môn học quyết định; được GV hướng dẫn cụ thể trong các hoạt động đã được thiết kế trong kế hoạch bài dạy sao cho không yêu cầu tất cả HS phải có điện thoại để sử dụng và bảo đảm yêu cầu phù hợp với nội dung học tập. GV thông báo cụ thể yêu cầu HS chỉ được sử dụng điện thoại như là một thiết bị hỗ trợ hoạt động học và những điều HS không được làm khi sử dụng điện thoại trên lớp, trong giờ học”.

 

THUÝ HẰNG – BÍCH THANH

TNO