Đan Mạch sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thành trung tâm điện gió của khu vực

Đan Mạch sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thành trung tâm điện gió của khu vực

Đó là khẳng định của Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz khi gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính chiều 28-11. Các chuyên gia và quan chức năng lượng Đan Mạch cũng khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ trước đó.

 

 

 

Đan Mạch sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thành trung tâm điện gió của khu vực - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Nicolai Prytz, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam chiều 28-11 – Ảnh: chinhphu.vn

Tại buổi tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác với Đan Mạch, đánh giá cao hợp tác sâu rộng giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực trong thời gian qua, đặc biệt sau khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2013.

Thủ tướng cũng đánh giá cao kết quả chuyến thăm Việt Nam vừa diễn ra của Thái tử kế vị Đan Mạch Frederik với nhiều thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa hai bên, trong các lĩnh vực tiềm năng là tăng trưởng xanh, năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả.

Về phần mình, Đại sứ Nicolai Prytz nhấn mạnh quan hệ kinh tế – thương mại – đầu tư song phương là ưu tiên và trọng tâm trong nhiệm kỳ của mình.

Ông khẳng định sẽ nỗ lực hết sức để góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Đan Mạch, trong các lĩnh vực Đan Mạch có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu nhất là năng lượng tái tạo, tăng trưởng xanh, kinh tế biển.

Đại sứ cũng tiết lộ các tập đoàn lớn của Đan Mạch đang rất quan tâm và sẵn sàng tham gia vào các dự án điện gió lớn tại Việt Nam, nhấn mạnh Copenhagen sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm quản lý, đào tạo nguồn nhân lực để giúp Việt Nam trở thành trung tâm cung ứng cho ngành điện gió ngoài khơi toàn khu vực.

Đây cũng là khẳng định của ông Stig Uffe Pedersen, phó giám đốc Cơ quan Năng lượng Đan Mạch (DEA), với Tuổi Trẻ Online, bên lề chuyến thăm Việt Nam của Thái tử Frederik hồi đầu tháng 11 này.

Theo ông Stig Uffe Pedersen, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển nên cần rất nhiều năng lượng, song việc loại bỏ nhiệt điện than và giảm dần sự phụ thuộc vào than là chìa khóa quan trọng cho phát triển bền vững.

Để làm được điều đó, Việt Nam có thể dựa vào nguồn năng lượng tái tạo như thủy điện và đặc biệt là điện gió ngoài khơi, một lĩnh vực mà Đan Mạch có thế mạnh và Việt Nam có thể tận dụng nhờ ưu thế đường bờ biển trải dài.

“Điều quan trọng hiện nay là Việt Nam không nên đầu tư vào nhiệt điện than nữa mà là các nhà máy năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi. 

Chi phí xây dựng điện gió rẻ hơn các nhà máy nhiệt điện than nên giá thành điện cũng sẽ thấp hơn”, ông Stig Uffe Pedersen nêu lập luận.

Về vốn đầu tư ban đầu, quan chức của DEA thừa nhận vấn đề cần hiện nay là xây dựng hệ thống dẫn điện từ các trang trại điện gió ngoài khơi. “Nếu Việt Nam có thể tạo ra môi trường đầu tư minh bạch và phù hợp, các nhà đầu tư sẽ đến đây”, ông Stig Uffe Pedersen gợi ý.

DUY LINH
TTO