22/01/2025

Thị trường xăng dầu cần ổn định lâu dài

Thị trường xăng dầu cần ổn định lâu dài

 Ghi nhận những ngày qua và cho đến chiều 21-11, các cây xăng đã dần kinh doanh ổn định, không còn cảnh hàng loạt cây xăng kinh doanh cầm chừng, treo biển “hết xăng” và không còn cảnh xếp hàng dài đổ xăng như trước.

 

Thị trường xăng dầu cần ổn định lâu dài - Ảnh 1.

Nhân viên thay đổi giá xăng giảm 40 – 80 đồng/lít tại cây xăng trên đường Nguyễn Khoái, quận 4, TP.HCM, chiều 21-11 – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Tuy nhiên, để ổn định lâu dài, các doanh nghiệp (DN) cho hay cần phải giải quyết triệt để bài toán chi phí của DN đầu mối cũng như chiết khấu cho hệ thống bán lẻ bởi đây là những mầm mống của bất ổn.

 

Nguồn cung khôi phục nhưng chiết khấu thấp

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 21-11, ông Nguyễn Anh Lèo – giám đốc Hợp tác xã Xe du lịch và vận tải số 4 (TP.HCM) – cho biết phía thương nhân phân phối hiện vẫn duy trì mức chiết khấu quá thấp, chỉ 180 đồng/lít xăng. Theo ông Lèo, tuy chiết khấu đã tăng khá song với chi phí kinh doanh, mặt bằng, nhân viên, điện nước… thì mức chiết khấu này chưa thấm vào đâu.

Tương tự, ông Giang Chấn Tây – giám đốc Công ty Bội Ngọc – cho biết hiện mức chiết khấu lấy tại kho đầu mối là 200 đồng/lít xăng, nếu để phía đầu mối vận chuyển, phía cửa hàng bán lẻ phải chịu 100 đồng/lít. Theo ông Tây, mức chiết khấu này thấp, cần phải có các giải pháp để nâng chiết khấu, đảm bảo các hệ thống bán lẻ có kinh phí hoạt động ổn định.

Trong khi đó, giám đốc một hệ thống bán lẻ xăng dầu tại TP.HCM cho biết so với giai đoạn trước đây các thương nhân phân phối, đầu mối cung cấp xăng nhỏ giọt thì hiện các DN này đã cấp xăng dồi dào hơn, cây xăng có thể mua hàng tối đa. 

Tuy nhiên, mức chiết khấu phổ biến 200 – 300 đồng/lít xăng vẫn là bài toán chi phí nan giải đối với các cây xăng. Vị này nhẩm tính nếu thuê mặt bằng mở cửa hàng xăng, riêng chi phí cứng cho mặt bằng đã 100 – 150 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền lương nhân viên, các chi phí khác để vận hành cây xăng…, với mức chiết khấu như trên thì DN lỗ.

“Cây xăng chỉ có hai vấn đề cần giải quyết là nguồn và hoa hồng. Nguồn đến bây giờ coi như tạm ổn nhưng chiết khấu vẫn thấp lẹt đẹt như thế sẽ khó khăn trong dài hạn. Giải được hai điều mấu chốt này, chúng tôi không có cớ gì để bán buôn cầm chừng cả”, vị này nói.

Trong khi đó, giám đốc của một chuỗi cây xăng khác ở TP.HCM cũng cho biết xăng dầu là ngành rất đặc thù, các DN bán lẻ phải tốn rất nhiều chi phí “không tên” mà không thể hạch toán vào hóa đơn, sổ sách. Do đó DN chỉ mong muốn có lợi nhuận đủ để hoạt động và không còn trường hợp phải ngưng hoạt động do thiếu hàng. 

Vị này cũng mong muốn hệ thống bán lẻ được tiếp cận nguồn hàng một cách chủ động hơn thay vì phụ thuộc vào một đầu mối hoặc thương nhân phân phối như hiện nay.

Thị trường xăng dầu cần ổn định lâu dài - Ảnh 2.

Người dân không còn xếp hàng đổ xăng tại cửa hàng xăng dầu trên đường Nguyễn Khoái, quận 4, TP.HCM chiều 21-11 – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Khơi thông chi phí để tăng nhập khẩu xăng dầu

Lãnh đạo DN đầu mối xăng dầu cho hay trước đây Bộ Tài chính dự kiến điều chỉnh các chi phí, phụ phí nhập khẩu xăng dầu vào kỳ điều hành ngày 21-11. Bộ đã yêu cầu các DN báo cáo chi phí nhập khẩu từ ngày 20-10 đến 14-11, các DN đã báo cáo song kỳ điều hành ngày 21-11 chưa có điều chỉnh mới các chi phí, phụ phí xăng dầu nhập khẩu.

Theo DN này, thời gian qua nhiều DN đầu mối không nhập khẩu xăng dầu do chi phí, phụ phí nhập khẩu tăng quá cao dẫn đến chi phí báo cáo cho bộ sẽ thiếu vắng phần thực tế của không ít DN. Như đối với DN này, cách đây vài ngày đã tính toán để mở thầu nhập khẩu xăng, song phụ phí dao động từ mức 7 – 12 USD/thùng. 

Dù Bộ Tài chính đã điều chỉnh chi phí, phụ phí nhập khẩu tăng mạnh, song do cách tính giá cơ sở được tính theo tỉ trọng nhập khẩu và tỉ trọng xăng dầu trong nước, nên hiện tỉ trọng nhập khẩu chỉ chiếm 20% trong giá cơ sở. Như vậy các DN nhập khẩu vẫn lỗ khi chi phí được tính trong giá cơ sở thấp hơn so với chi phí khi nhập của DN.

Theo DN này, những ngày qua thị trường ổn định là do các DN san sẻ nguồn hàng, còn bản chất vẫn là chủ yếu lấy nguồn hàng trong nước. Tuy nhiên, nhiều DN tư nhân nhỏ sẽ khó mua hàng trong nước bởi muốn mua hàng từ hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Bình Sơn thì phải mua hàng theo hợp đồng định hạn, ký cả năm (hợp đồng term). 

Trong khi đó, các đầu mối nhỏ, không có kho bãi phải đi thuê và doanh số bán hàng không ổn định sẽ không thể đi ký hợp đồng định hạn với các nhà máy lọc dầu trong nước. Do đó DN này cho rằng điểm mấu chốt vẫn là khơi thông các chi phí để DN nhập khẩu, tăng nguồn cung cho thị trường xăng dầu nội địa. 

Bên cạnh đó DN này cũng cho biết cần sàng lọc các DN đầu mối và thương nhân phân phối không đủ đáp ứng được các yêu cầu đảm bảo nguồn cung, không có kho bãi bởi phía sau họ là hàng loạt các cây xăng buộc phải ngưng bán hàng bởi khâu đầu vào ngưng thì khâu sau cũng “đứt” nguồn.

Thị trường xăng dầu cần ổn định lâu dài - Ảnh 3.

Đến nay hầu hết các cây xăng ở TP.HCM hoạt động trở lại bình thường. Trong ảnh: người dân đổ xăng ở đường Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình, TP.HCM – Ảnh: HỮU HẠNH

Trong khi đó, một DN khác cho biết thời gian qua các DN nhập khẩu chủ yếu mua hàng theo hình thức giao ngay, tức là mua lẻ theo từng lô, trong khi mua theo hình thức này các chi phí, phụ phí cao hơn so với trường hợp mua theo hợp đồng kỳ hạn nên chi phí nhập khẩu hiện là khó khăn lớn nhất của DN.

Đối với các giải pháp tăng nguồn cung, các DN cho hay dù thuế ưu đãi nhập khẩu xăng cũng được điều chỉnh giảm từ 20% xuống còn 10% thực hiện từ tháng 8-2022 để đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu nhưng thực tế rất khó để DN mở rộng nguồn cung sang các khu vực khác ngoài Đông Nam Á và Hàn Quốc. 

Một DN đầu mối nhẩm tính thuế suất nhập khẩu với các nước Đông Nam Á là 8%, trong khi các thị trường khác là 10%. Trong khi đó càng nhập hàng của các quốc gia ở xa thì chi phí, phụ phí nhập khẩu cũng tăng mạnh nên về bản chất rất khó để DN đa dạng nguồn cung.

 

TP.HCM đề nghị chiết khấu tối thiểu 500 đồng/lít

Ngày 21-11, UBND TP.HCM đã có văn bản đề xuất Thủ tướng ba nhóm vấn đề để tháo gỡ khó khăn và đảm bảo cung ứng xăng dầu hiện nay. Cụ thể:

– Cần điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định các ngày 1, 11, 21 hằng tháng, không lùi sang ngày làm việc tiếp theo nếu vào ngày nghỉ lễ và để phù hợp hơn với tình hình thực tế, kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính được chủ động quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu phù hợp.

– Chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức áp dụng để tính giá cơ sở xăng dầu có từ năm 2014, không còn phù hợp với hiện tại. Đồng thời xem xét nâng tỉ trọng sản lượng xăng dầu từ nguồn nhập khẩu để tính giá cơ sở. UBND TP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo tính toán các phương án hỗ trợ doanh nghiệp có lợi nhuận hợp lý trong chuỗi cung ứng.

– Đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các thương nhân đầu mối chia sẻ nguồn lợi nhuận cho các đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu một cách hợp lý. Trong đó, đảm bảo mức chiết khấu tối thiểu 500 đồng/lít để các cửa hàng có thể duy trì.

Ngoài ra, UBND TP cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét gia hạn nộp thuế cho các doanh nghiệp trong một giai đoạn nhất định do hiện nay nhiều đơn vị có số nợ thuế lớn.

T.LÊ

Logistics lo lắng dịp cuối năm

Tình hình thiếu hụt xăng dầu đã tạm thời khắc phục nhưng doanh nghiệp chưa bớt lo vì sợ tình trạng thiếu xăng dầu có thể tái diễn, nhất là trong những tháng cuối năm – thời gian cao điểm của hoạt động logistics. Ông Lê Duy Hiệp – chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam – chia sẻ những tháng cuối năm, doanh nghiệp cần sự ổn định trong việc cung cấp đủ nguồn nhiên liệu để tăng cường hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đặc thù của logistics gắn liền với các phương tiện xe, trang thiết bị cầu trục cẩu… đều sử dụng nhiên liệu xăng dầu nên nếu đứt nguồn cung ứng hoặc chậm là ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí phải tạm dừng hoạt động. Các doanh nghiệp cảng biển cũng thấp thỏm với tình hình cung ứng xăng dầu trong thời gian tới khi mỗi doanh nghiệp này sử dụng vài tỉ đồng làm chi phí nhiên liệu.

C.TRUNG

Kiến nghị linh hoạt thuế bảo vệ môi trường

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi các bộ, ngành đề nghị có ý kiến dự án nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (gọi chung là xăng dầu) áp dụng cho năm 2023.

TD-211122-4-muc-thue-bao-ve-moi-truong-theo-gia-xang-dau

Nguồn: kiến nghị của Bộ Tài chính – Đồ họa: TẤN ĐẠT

Lo ngại giá dầu thô thế giới vẫn có diễn biến phức tạp, Bộ Tài chính xây dựng bốn kịch bản giá dầu thô thế giới để áp dụng thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu cho năm 2023.

 

Từ năm 2023, thuế xăng dầu trở lại như cũ

Theo Bộ Tài chính, từ ngày 1-1-2023, các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ hết hiệu lực. Như vậy mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu quay trở lại như năm 2019.

Trong khi đó, năm 2023, giá dầu thô thế giới và giá xăng dầu thành phẩm thế giới được dự báo vẫn có những diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn rủi ro đến ổn định kinh tế – xã hội cũng như sự tác động đến thị trường xăng dầu trong nước.

“Việc thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu quay lại mức kịch trần theo khung thuế từ ngày 1-1-2023 sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến tâm lý, đời sống sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Xăng dầu vừa là mặt hàng chiến lược, quan trọng vừa là mặt hàng thiết yếu, có tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân”, Bộ Tài chính nhấn mạnh trong văn bản gửi các bộ, ngành.

 

Đề xuất linh hoạt điều chỉnh thuế

Để đảm bảo tính linh hoạt, kịp thời trong việc áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu phù hợp với tình hình thực tế, góp phần ổn định giá bán mặt hàng này trong nước, hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính kiến nghị bốn mức thuế áp dụng trong năm 2023 theo diễn biến giá dầu thô mà không cần trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết (xem đồ họa).

Bộ Tài chính cho biết thêm việc áp dụng linh hoạt mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu phù hợp với biến động của giá dầu thô thế giới sẽ đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Theo đề xuất nêu trên, Bộ Tài chính ước tính với mức giá dầu thô 70 USD/thùng sẽ không làm giảm thu ngân sách nhà nước. Dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu bình quân một tháng đạt khoảng 5.130 tỉ đồng. Kịch bản giá dầu thô lên 70 – 80 USD/thùng, 80 – 100 USD/thùng và trên 100 USD/thùng, số thu thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu ước giảm tương ứng 1.282 tỉ đồng, 2.565 tỉ đồng và 3.838 tỉ đồng.

Về việc áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính đề nghị nghị quyết quy định mức thuế này từ 1-1 đến hết ngày 31-3, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tại phiên họp thông qua nghị quyết trên cơ sở giá dầu thô thế giới được xác định theo nguyên tắc bình quân giá dầu thô thế giới 10 ngày gần nhất được giao dịch trên thị trường Singapore do Hãng tin Platt’s công bố trước phiên họp hai ngày.

Đối với mức thuế áp dụng từ 1-4 đến hết ngày 31-12, Bộ Tài chính cho rằng điều chỉnh định kỳ ba tháng/lần nhằm đảm bảo vừa tạo tính linh hoạt. Giá dầu thô thế giới dùng để áp dụng mức thuế cũng được xác định như trên.

Mức thuế từ năm 2024 được thực hiện theo quy định nghị quyết số 579 năm 2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghĩa là 4.000 đồng/lít xăng và 2.000 đồng/lít dầu diesel…

LÊ THANH

NGỌC HIỂN – NHẬT XUÂN