Giá trị đất nông nghiệp thấp, người nông dân khó giàu
Giá trị đất nông nghiệp thấp, người nông dân khó giàu
Nhiều nguyên nhân khiến kinh tế vùng ĐBSCL ngày càng tụt hậu, người nông dân trồng lúa bao năm vẫn nghèo đã được ông Võ Hùng Dũng, nguyên Giám đốc VCCI Cần Thơ phân tích chi tiết tại Hội thảo “Phát triển ĐBSCL, giải pháp từ cây lúa”.
Hội thảo do Báo Thanh Niên phối hợp UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức đang diễn ra tại Đồng Tháp.
Mở đầu bài phát biểu, ông Võ Hùng Dũng trăn trở kinh tế vùng ĐBSCL ngày càng giảm, mức tăng trưởng ngày càng thấp. So với trước đây, đời sống của bà con nông dân các tỉnh miền Tây tuy đã bớt khó khăn nhưng vẫn nghèo tương đối.
Ông Võ Hùng Dũng, nguyên Giám đốc VCCI Cần Thơ ĐỘC LẬP |
Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Làm sao để có được nền nông nghiệp phát triển, vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa giúp đời sống người nông dân ổn định và giàu có?”, ông Dũng khẳng định không thể trông chờ tăng giá lúa bởi Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo, không thể tùy tiện nâng giá bán vì sẽ ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh. Ngược lại, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, người nông dân buộc phải hạ giá bán nên đời sống ngày càng khó khăn, không thể khá lên được.
Vì thế, chỉ có thể cải thiện bằng nhiều giải pháp, trong đó quan trọng nhất là giúp người nông dân được định giá tài sản cao hơn.
Bài học từ những địa phương có kinh tế phát triển nhất trong vùng cho thấy: Một khi có thể thu hút đầu tư, chuyển đổi mục đích đất trồng lúa và kết hợp chuỗi ngành lớn thì tài sản của người dân có thể tăng lên.
Đơn cử, Long An có nhiều vùng đất xấu không thể trồng lúa đã chuyển sang nuôi cá; An Giang trước đó phát triển kinh tế nhờ con cá, sau đó chuyển về Đồng Tháp, kết hợp cùng các vựa trái cây lớn; hoặc Tiền Giang, Cần Thơ phát triển phần chế biến tốt. Đây đều là những tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế dẫn đầu toàn vùng.
Theo ông Võ Hùng Dũng, thu hút đầu tư vào vùng ĐBSCL phải tập trung thu hút từ cả bên ngoài và bên trong. Trong đó, nguồn lực đầu tư từ bên ngoài đòi hỏi có hạ tầng giao thông, logistics được cải thiện; nguồn lực từ bên trong quan trọng nhất là cần thay đổi cơ chế từ đất đai để khuyến khích người nông dân tiếp tục trồng lúa, có thể làm giàu từ cây lúa.
Hiện nay, các Luật, quy định về đất đai đối với vùng ĐBSCL còn khắt khe trong vấn đề chuyển đổi từ đất nông nghiệp, đất trồng lúa sang mục đích khác. Tỉ lệ đất phi nông nghiệp quá thấp khiến đất làm khu công nghiệp rất đắt, chi phí đề bù giải phòng mặt bằng cao, cản trở thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài. Trong khi đó, giá trị đất nông nghiệp của người nông dân thì thấp, họ không có tài sản để thế chấp ngân hàng, không có cơ hội để đẩy mạnh đầu tư nên mãi nghèo tương đối.
“4 triệu hộ khu vực nông dân trong vùng hiện không có nguồn lực, qua mỗi chu kỳ, giá trị đất nông nghiệp của họ lại hao mòn dần thì tài sản tiếp tục xuống thấp hơn. Nếu có thể sửa đổi thế chế, đặc biệt là luật Đất đai về tỷ lệ chuyển đổi đất nông nghiệp thì sẽ có hàng triệu hộ dân có thêm tiền, thêm vốn để đầu tư. Giá đất nông nghiệp tăng là cơ hội tăng giá trị tài sản, tăng thu nhập cho người nông dân, cũng là cơ hội tái cấu trúc ngành kinh tế nông nghiệp vùng ĐBSCL” – vị này nhấn mạnh.
HÀ MAI
TNO