Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu xăng dầu
Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu xăng dầu
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu đích danh Bộ trưởng Bộ Công thương phải giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ, đảm bảo minh bạch, hiệu quả. Bởi tính đến hôm qua, tình trạng khan hiếm xăng dầu đã lan rộng ra nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Hết cả xăng lẫn dầu
Chiều qua (11.11), liên bộ Công thương – Tài chính đã điều chỉnh tăng giá xăng từ 840 – 1.110 đồng/lít, dầu diesel giảm 100 đồng/lít. Sau điều chỉnh tăng, các cửa hàng xăng dầu tại vùng 1 đã điều chỉnh giá xăng RON 95-V lên sát mốc 25.000 đồng/lít, vùng 2 là 25.500 đồng/lít. Đáng lưu ý, kỳ này liên bộ đã cộng thêm chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng VN để tính giá cơ sở theo công văn của Bộ Tài chính ban hành ngày 8.11. Theo đó, giá xăng E5 RON92 tăng thêm chi phí 22 đồng/lít, xăng RON95 149 đồng/lít, dầu diesel 726 đồng/lít, dầu hỏa 47 đồng/lít và dầu mazut 0 đồng/kg.
Xếp hàng mua xăng dầu tại một cửa hàng ở thủ đô Hà Nội PHAN HẬU |
Đáng nói trước giờ điều chỉnh giá mới, ghi nhận của phóng viên Báo Thanh Niên, tình trạng khan hàng, gãy nguồn cung xảy ra phổ biến hơn. Sáng 11.11, tại TP.HCM, cảnh người dân “rồng rắn” chờ mua xăng tăng đột biến. Đặc biệt, nhiều cây xăng rơi vào tình trạng “hết xăng, còn dầu” tăng mạnh. Cây xăng ở ngã ba Nguyễn Thượng Hiền – Điện Biên Phủ (Q.3, TP.HCM) ngay trung tâm đông đúc dán bảng phục vụ từ 6 – 18 giờ, chắn ngay bên ngoài là tấm bạt ghi nguệch ngoạc 4 chữ “hết xăng, còn dầu” nhưng không có người bán. Hỏi, một số nhân viên rửa xe trong khuôn viên thì được trả lời, cả xăng và dầu không về kịp, cửa hàng tạm ngưng bán hàng từ 2 bữa nay.
Xếp hàng chờ mua xăng tại Hà Nội ngày 11.11 NGỌC THẮNG |
Sau khi điều chỉnh giá, đến 16 giờ cùng ngày, cửa hàng này vẫn chưa mở bán trở lại. Trên địa bàn TP, hàng loạt cây xăng rơi vào tình trạng tương tự. Điều này khiến lượng khách dồn sang những cửa hàng xăng dầu lớn của Tập đoàn xăng dầu VN (Petrolimex), Công ty CP vật tư xăng dầu (Comeco), Công ty CP xăng dầu và dịch vụ hàng hải (S.T.S)… khiến việc mua xăng trở thành cực hình với nhiều người. Chưa kể một số cây xăng lớn cũng đóng bớt trụ bơm nên cảnh ùn ứ càng nghiêm trọng.
Tại Hà Nội còn mệt mỏi hơn. Các điểm bán lẻ xăng dầu ghi nhận cảnh tượng xưa nay chưa từng thấy khi người dân ùn ùn xếp hàng chờ mua xăng dầu. Cửa hàng xăng dầu số 60 thuộc Petrolimex (171 đường Xuân Thủy, Q.Cầu Giấy) với khu vực sân trước rộng như bãi đậu xe lấp đầy xe máy, ô tô xếp hàng chờ “nhích” từng tí vào gần cột bơm. Tập đoàn Petrolimex thông tin, trong những ngày đầu tháng 11, lượng xăng dầu xuất bán tại thị trường Hà Nội đã tăng trung bình từ 35 – 40% so với tháng 10. Cách đó không xa, Trạm xăng dầu số 8 của Mipecorp, số 125 đường Nguyễn Phong Sắc cũng đông nghịt phương tiện chờ mua xăng. Cửa hàng này đã dựng rào chắn, phân luồng đến các cột bơm nhưng lượng phương tiện quá đông, tràn cả xuống lòng đường.
Còn ở khu vực ven đô, ngoại thành Hà Nội đến chiều 11.11, nhiều cây xăng tư nhân tiếp tục trong tình cảnh hoặc “hết xăng” hoặc “hết dầu”, đa phần chỉ bán một loại sản phẩm để duy trì cửa hàng. “Thông tin chúng tôi được biết, phải đến hết tháng 11, nguồn hàng nhập khẩu mới về nhiều và hiện nay các đầu mối đang dồn hàng cho cửa hàng thuộc hệ thống của họ nên các cửa hàng nhượng quyền thương hiệu lại được cấp rất ít hàng. Ngày có xăng thì không có dầu, ngày có dầu thì không có xăng. Nguồn hàng ít nên cũng chỉ bán cho các doanh nghiệp (DN) vận tải, đội xe các công trường, nhà máy đã ký hợp đồng chứ ít bán lẻ ra ngoài”, ông N.V.S, chủ một DN bán lẻ xăng dầu tại H.Đông Anh (Hà Nội) nói.
Cùng ngày, ghi nhận trên tuyến QL38 đoạn từ cầu Yên Lệnh (TP.Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) sang nút giao Vực Vòng, cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ (H.Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) không chỉ thiếu xăng mà nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu dọc tuyến này đã treo biển “hết dầu”. Chia sẻ với chúng tôi về tình hình kinh doanh những ngày qua, ông Đoàn Lam Sơn, Trưởng cửa hàng xăng dầu Thụy Hương, gần đầu cầu Yên Lệnh, lắc đầu ngao ngán: “Khi xăng chưa đủ lại hết cả dầu”. Trực tiếp dẫn chúng tôi khảo sát, ông Sơn chỉ vào 4 cột bơm dầu đã bơm cạn. Trước đó, sáng ngày 10.11, cửa hàng này được “chia” 1/4 xe dầu và chỉ đủ bán đến chiều cùng ngày lại phải dán biển thông báo “hết dầu”. “Đối với xăng, hiện tại cửa hàng còn không nhiều nên chỉ bán theo định mức từ 30.000 – 50.000 đồng/xe máy.Mù mờ số liệu
Nguyên nhân chính đẩy thị trường xăng dầu phập phù liên tục trong thời gian qua theo lý giải của các DN đầu mối, thương nhân phân phối và nhà bán lẻ là do lỗ.
Thế nhưng, điều kỳ lạ là trong Công văn 11575 về chi phí định mức để tính giá cơ sở xăng dầu do Bộ Tài chính gửi Bộ Công thương mới đây, trong số 28/33 DN đầu mối gửi báo cáo về Bộ Tài chính, chỉ có 2 đơn vị báo cáo số liệu tăng chi phí kinh doanh trong 9 tháng đầu năm nay là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và Công ty Dầu khí Nam Sông Hậu. 2 đơn vị báo cáo chi phí tăng nhưng do sản lượng tăng nên chi phí bình quân của DN vẫn giảm là Tổng công ty Dầu VN có chi phí bình quân giảm 6 đồng/lít và Công ty Anh Phát giảm 136 đồng/lít.
Ngoài ra, cũng theo Bộ Tài chính, có 3 đơn vị là Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM, Tổng công ty thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ và Công ty TNHH xăng dầu Tây Nam S.W.P báo cáo không có biến động bất thường. Đặc biệt, 21 đơn vị (chiếm 75% số đơn vị có gửi báo cáo) không có số liệu cụ thể về chi phí kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022. Đáng nói là trước đó, tại các hội nghị, cuộc họp với các bộ ngành trước đây nhằm tháo gỡ cho nguồn cung xăng dầu, rất nhiều DN đầu mối than trời vì chi phí đưa xăng dầu về nước, chi phí đưa xăng dầu từ cảng về… đều tăng chóng mặt, gây khó khăn cho họ. Trong đó, có cả những DN đầu mối lớn như Saigon Petro, Thanh Lễ, S.W.P… Nhưng đây cũng là những công ty theo Công văn 11575 của Bộ Tài chính nêu là “báo cáo không có biến động”.
Nằm trong số 2 DN đầu mối báo cáo số liệu tăng chi phí kinh doanh 9 tháng đầu năm, ông Phan Văn Quang, Phó tổng giám đốc Công ty CP thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu, cho biết giá xăng dầu thế giới hiện nay không còn quá cao và đang trở về mức giá tương đương tháng 2 – 3 sẽ giúp các DN đầu mối thuận lợi hơn trong nhập khẩu. Đối với hạn mức nhập khẩu 200.000 m3/tấn xăng, dầu được Bộ Công thương phân giao, DN này đã ký xong hợp đồng với đối tác. Dự kiến bắt đầu từ tháng 12, các lô hàng đầu tiên sẽ cập cảng VN. Còn từ nay đến hết tháng 11, DN vẫn còn đủ hàng cầm cự để cân đối chia sẻ đến các cửa hàng trong hệ thống. Về chi phí đưa xăng dầu về nước, ông Quang cho rằng tùy vào lượng hàng nhập, thuê tàu lớn hay nhỏ để vận chuyển xăng dầu thì mỗi DN đều có mức chi phí kinh doanh khác nhau. Nhưng đối với mức điều chỉnh chi phí định mức để tính vào giá cơ sở xăng dầu Bộ Tài chính đưa ra vừa qua là “tạm ổn” so với thị trường hiện nay. “Đề nghị của Bộ Tài chính thực sự đã chia sẻ khó khăn với DN nhập khẩu xăng dầu hiện nay điều mà trước đây chưa có”, ông Quang nói.
Thiết lập lại thị trường, công cụ trong tay Bộ Công thương
Ngày 10.11 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đích danh Bộ trưởng Bộ Công thương phải giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ, đảm bảo minh bạch, hiệu quả. Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường – giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng muốn trị “dứt điểm” bệnh khan hàng cục bộ, phải sắp xếp lại tình trạng khá lộn xộn của thị trường mà nguyên nhân chính do những sai lầm về điều hành trong thời gian qua. Đó là khi chúng ta có một thị trường cạnh tranh hoàn hảo giữa các DN đầu mối, thì lại quên sự cạnh tranh giữa các cây xăng bán lẻ hay còn gọi là hệ thống cuối cùng. DN bán lẻ không thể chuyển sang mua hàng từ DN đầu mối khác khi bị ép chiết khấu, hết hàng. Vô hình trung chính sách lại dung túng cho một thị trường xăng dầu có sự độc quyền, sự thống lĩnh thị trường của một số đầu mối. Sự phụ thuộc này gần như một dạng quan hệ “mẹ – con” giữa các DN đầu mối và các cây xăng bán lẻ khiến cho thị trường không có sự cạnh tranh giữa các cây xăng bán lẻ với nhau. Chính cơ chế phân phối áp sự độc quyền nên nhà bán lẻ bị động hoàn toàn khi phía đầu mối cung cấp bị đứt hàng, cho dù là đứt hàng cục bộ.
Giải pháp cấp bách là cơ quan quản lý nhà nước phải thiết lập lại thị trường xăng dầu, công cụ có trong tay Bộ Công thương, kể cả thị trường bán buôn. Tức là những DN đầu mối, hệ thống phân phối, đại lý lớn cũng như thị trường bán lẻ làm sao đảm bảo tính cạnh tranh của các DN đầu mối và đảm bảo tính linh hoạt của hệ thống bán lẻ xăng dầu khi có biến động từ phía DN đầu mối. Ông Ánh cho rằng thị trường xăng dầu chúng ta đang vận hành được đặt trên nền tảng cũ, hệ thống phân phối được thiết kế khi chúng ta nhập khẩu 100% xăng, khi VN chưa tự chủ được nguồn sản xuất xăng dầu trong nước lên đến 70 – 80% như hiện nay. Vai trò của VN bây giờ là vừa sản xuất vừa tiêu thụ, không phải là nhà nhập khẩu và tiêu thụ như trước. Vị thế của DN đầu mối cũng khác, là đối tác của các nhà sản xuất xăng dầu trong nước. Thế nên, việc can thiệp vào thị trường xăng dầu của nhà nước cũng khác. Nên Bộ Công thương thiết lập lại thị trường xăng dầu là đảm bảo tính cạnh tranh; quyền lực quản lý của nhà nước và cơ chế điều hành. Về lâu dài, đã đến lúc VN cần đặt ra vấn đề dự trữ chiến lược, dự trữ quốc gia. Đây không chỉ là một công cụ can thiệp của cung – cầu, can thiệp về giá cực kỳ quan trọng mà còn góp phần ngăn chặn đứt gãy nguồn cung xăng dầu.
Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, TS Nguyễn Quốc Việt bổ sung việc trị dứt điểm tình trạng đứt gãy nguồn cung không phải tăng chi phí cho đầu mối đưa hàng về nước là đủ. Còn phía bán lẻ vẫn đang “kêu gào” thì làm sao bảo đảm hết nạn khan hàng cục bộ, gián đoạn nguồn cung… được? Thủ tướng chỉ đạo cũng nhấn mạnh yếu tố minh bạch. Như vậy, Bộ Công thương phải làm được việc này, minh bạch thì mới bảo đảm được lợi ích hài hòa cho DN là từ bán buôn, bán lẻ. Mỗi khi nhà nước còn quản lý giá, áp giá thì trong tính toán định mức lợi nhuận, chi phí kinh doanh… cần phải chú trọng đến khu vực bán lẻ – khâu cuối cùng trong chuỗi phân phối. Muốn vậy, bỏ ngay cơ chế giới hạn chỉ lấy hàng một đầu mối hay một thương nhân phân phối, tạo điều kiện cho DN bán lẻ ký trực tiếp với đầu mối, giảm bớt khâu trung gian cũng là cách giảm bớt lỗ.
Sau các tỉnh Sơn La, Bắc Giang, TP.Hà Nội, “cơn khát” xăng dầu ở khu vực phía bắc tiếp tục ghi nhận xảy ra tại Bắc Kạn. Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Kạn, địa phương này có 83 cửa hàng bán lẻ và 11 thương nhân cung cấp xăng dầu. Bắt đầu từ tháng 9 đến nay, thị trường xăng dầu đã ghi nhận xảy ra thiếu hụt xăng dầu cục bộ. Từ đầu tháng 10 đến nay, nguồn cung xăng dầu tiếp tục có nhiều biến động. Gần đây nhất, trong ngày 10.11, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Kạn đã kiểm tra 24 cửa hàng, đại lý thì có tới 12 cửa hàng hết cả xăng lẫn dầu; 5 cửa hàng hết xăng, chỉ còn dầu và 7 cửa hàng hết dầu, chỉ còn xăng.
NGUYÊN NGA – PHAN HẬU
TNO